Tại phiên toàn thể, các đại biểu tập trung thảo luận hai nội dung cơ bản gồm: vấn đề tài chính và tự chủ trong đào tạo cấp cao nhằm cải thiện năng lực làm việc trong thanh niên ở Việt Nam; Phản hồi từ việc thành lập trường đào tạo doanh nghiệp: Cơ hội để tạo ra sự khác biệt.
Hơn 500 đại biểu trong và ngoài nước tham gia hội thảo
Tại phiên thảo luận theo chủ đề, các học giả đã tập trung thảo luận các chủ đề: Phát triển liên kết quốc tế trong ào tạo và nghiên cứu khoa học; Các vấn đề mới nổi về Kinh tế và Quản trị Kinh doanh trong bối cảnh hội nhập quốc tế; và Đào tạo và khuyến khích tinh thần doanh nhân cho sinh viên các trường đại học.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, PGS. TS Phạm Mạnh Hùng mong muốn những kết luận của hội thảo sẽ gợi ý cho các cơ quan quản lý nhà nước điều chỉnh các hoạt động, hướng tới một mô hình quản lý kinh tế phù hợp và hiệu quả hơn đối với Việt Nam.
GS.TS Trần Thọ Đạt – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân khẳng định đã có nhiều hội thảo về mô hình kinh tế Việt Nam, song đây là lần đầu tiên một hội thảo tầm cỡ quốc tế, quy tụ được nhiều nhà khoa học cũng như các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước tham gia viết bài, thảo luận trực tiếp.
GS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng nhà trường trình bày quá trình 30 năm đào tạo và nghiên cứu vấn đề này ở VN
Thông qua các nghiên cứu so sánh vấn đề liên kết trong đào tạo và nghiên cứu khoa học; vấn đề kinh tế mới nổi về Kinh tế và Quản trị kinh doanh; Vấn đề đào tạo và khuyến khích tinh thần doanh nhân cho sinh viên các trường đại học, các nhà khoa học mong muốn làm rõ hơn những điểm tương đồng và khác biệt giữa nền kinh tế thị trường ở Việt Nam và một số quốc gia tương đồng, từ đó thấy được những giá trị chung và riêng nhằm xác định những vấn đề mấu chốt khác biệt.
Tại hội thảo, các học giả đều thống nhất khẳng định: Mô hình kinh tế thị trường ở Việt Nam có sự khác biệt lớn với kinh tế thị trường ở các nước khác bởi vấn đề truyền thống văn hóa, địa lý khác nhau. Tuy nhiên, thực tiễn đã đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi về nguồn nhân lực chất lượng cao để đảm bảo sự phát triển kinh tế-xã hội, đòi hỏi về tư duy, đường lối, chủ trương, chính sách mới để điều hành và quản lý nền kinh tế theo cơ chế thị trường.
Các nhà nghiên cứu cho rằng: Trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, bên cạnh những thay đổi lớn lao trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, Đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội cũng cần được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Bên cạnh những chức năng xã hội của trường đại học cần phải thực hiện, có thể coi trường đại học là một doanh nghiệp và cung cấp dịch vụ giáo dục đại học là một loại hình kinh doanh. Trường đại học là đơn vị cung cấp dịch vụ, sinh viên là khách hàng. Nhưng nhu cầu của sinh viên lại chịu ảnh hưởng mạnh của nhu cầu của các nhà tuyển dụng trong xã hội.
Để nguồn lực của các trường đại học được phát huy hiệu quả hơn, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn cơ chế tự chủ của các trường đồng thời giữ được vai trò kiểm soát của Nhà nước. Đây là kiến nghị mà các đại biẻu đến từ Ngân hàng Thế giới, Kiểm toán Nhà nước...và các tổ chức nghiên cứu khác đã khuyến nghị tại hội thảo.
Tác giả bài viết: Hạ Anh
Nguồn tin: