Giáo dục

Trường đại học có "đánh lừa" xã hội?

Giám đốc ĐH Thái Nguyên Đặng Kim Vui nói "3 công khai trên website có thể rất đẹp nhưng vào thực tế thì không phải vậy, có thể phần nào coi là đánh lừa xã hội".

Lời tòa soạn: Phát biểu tại hội nghị cuối tuần qua trước gần 300 hiệu trưởng các trường đại học trong toàn quốc, ông Đặng Kim Vui - Giám đốc Đại học Thái Nguyên nhìn nhận cần phải thực hiện sát sao hơn việc tự chủ đại học, đặc biệt là những chính sách giải trình, minh bạch thông tin với xã hội. Đề cập tới quy định "3 công khai", ông Vui nói có hiện tượng "3 công khai trên website có thể rất đẹp nhưng đi vào thực tế thì không phải như vậy, có thể phần nào coi là đánh lừa xã hội, cần phải quan tâm".

Liên quan tới vấn đề này, Ngân hàng Thế giới đã có một nghiên cứu về "Minh bạch và công khai thông tin trong giáo dục ĐH của Việt Nam", thực hiện với 123 trường ĐH trong cả nước. Nghiên cứu này nhìn nhận: "Việc thực hiện Quy chế Ba công khai của các cơ sở GD ĐH tập trung vào nộp báo cáo cho Bộ thay vì công bố thông tin này trên trang thông tin điện tử của mình, như quy định bắt buộc". Sắp tới đây, việc thúc đẩy trách nhiệm giải trình khi đẩy mạnh "tự chủ đại học" - một giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học - sẽ có những bước tiến gì?


Bài 1: Các trường chủ yếu "3 công khai" với Bộ

Nhận định về việc giám sát và kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Quy chế "3 công khai" (Quy định về tính minh bạch của các cơ sở giáo dục công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân ban hành theo Thông tư số 09/2009/TT-BGDĐT năm 2009 - PV), nghiên cứu cho rằng, việc thiếu cơ chế giám sát và kiểm tra chính là vấn đề quan trọng khiến việc thực hiện quy chế này ở nhiều trường còn mang tính hình thức.

Theo các tác giả nghiên cứu, cán bộ của Bộ GD-ĐT thừa nhận điểm yếu cơ bản này của hệ thống hiện nay trong việc giám sát thực hiện công bố thông tin của các trường ĐH theo yêu cầu của Quy chế Ba công khai.

Việc thực hiện Quy chế Ba Công khai của các trường ĐH được cho là còn mang tính hình thức và chủ yếu tập trung vào việc báo cáo cho Bộ GD-ĐT.

Trong khi đó, các trường cho rằng, Bộ GD-ĐT không áp dụng bất kỳ hình phạt nào đối với những trường không tuân thủ quy định, kể cả trường hợp nộp chậm lẫn "không nộp gì cả".

Theo đó, việc nộp chậm các báo cáo đầy đủ theo mẫu bắt buộc trong Quy chế Ba công khai rất phổ biến nhưng việc xử lý của Bộ chỉ được thực hiện thông qua hình thức nhắc nhở.

Các cơ sở GDĐH nói rằng "khi nộp chậm các báo theo Quy chế Ba công khai, Bộ sẽ nhắc nhở cán bộ quản lý của trường trong các cuộc họp được tổ chức tại văn phòng Bộ, và thường không có công văn (nhắc nhở) được gửi đến trường".

"Thông thường sau khi được nhắc nhở một hoặc hai lần, cán bộ quản lý của trường sẽ cảm thấy xấu hổ và nộp các báo cáo này. Ngoài ra, không có hình phạt hoặc chế tài xử phạt do Bộ đặt ra".

Nghiên cứu cũng cho rằng, việc thiếu đánh giá mức độ tuân thủ của các trường đối với Quy chế Ba công khai có vẻ là lý do chính giải thích kết quả thực hiện kém của các cơ sở GDĐH về công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của mình.

Nghiên cứu cho biết, có thông tin cho rằng Bộ không đưa ra bất kỳ phản hồi/đánh giá nào về các báo cáo "ba công khai" mà các trường nộp cho Bộ.

Về kết quả công bố thông tin trực tuyến còn kém, một người tại trường đại học khác cho biết: "Chúng tôi chưa bao giờ được nhắc nhở về báo cáo Ba công khai vì chúng tôi vẫn nộp những báo cáo này cho Bộ mặc dù chúng tôi không công bố những báo cáo đó trực tuyến".

Vì vậy, nghiên cứu nhận định, việc thực hiện Quy chế Ba công khai của các cơ sở GD ĐH tập trung vào nộp báo cáo cho Bộ là chính thay vì công bố thông tin này trên trang thông tin điện tử của mình, như quy định bắt buộc.

Chia sẻ của các trường cho thấy, họ tin rằng Bộ không thực sự "nghiêm túc" về quy định này và chỉ mang tính "hình thức". Một người được phỏng vấn cho rằng, "chính sách là tốt, nhưng nếu không có cơ chế đánh giá, giám sát và xử phạt phù hợp, một số người sẽ coi chính sách như một trò đùa, vì vậy chính sách không mang lại hiệu quả tốt"

“Quy chế Ba công khai có thể tạo ra sự cạnh tranh giữa các trường đại học. Tuy nhiên, để duy trì một quy định tốt như vậy, Bộ cần phải để cho các trường biết Bộ đánh giá thế nào. Ví dụ, đơn vị thực hiện tốt sẽ được gì? Họ có được số lượng tuyển sinh cao hơn không? Tại thời điểm này, không có những điều như vậy" - đại diện một trường ĐH khẳng định.

Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chỉ ra một số bất cập của Quy chế 3 công khai như sự cứng nhắc trong quy định về thông tin phải gửi theo biểu mẫu của Bộ, yêu cầu báo cáo tỉ lệ việc làm của sinh viên tốt nghiệp được cho là rất khó khăn với một số trường…

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho rằng, việc thực thi các cơ chế giám sát Quy chế Ba công khai là rất khó khăn trong bối cảnh hệ thống giáo dục ĐH phân tán như hiện nay.

Bộ GD-ĐT chỉ có thể xử phạt do không tuân thủy Quy chế Ba công khai với những trường ĐH do Bộ trực tiếp quản lý. Những trường do các bộ ngành khác hoặc chính quyền địa phương quản lý, nơi Bộ không thể bãi nhiệm hiệu trưởng của trường thì việc thực thi này rất mất thời gian và khó khăn.

Các trường tư thục kém minh bạch thông tin

Những khảo sát định lượng của nghiên cứu cũng cho thấy, nhóm các trường ngoài công lập (tư thục) có chỉ số thấp nhất trong 4 nhóm trường được khảo sát trong việc minh bạch thông tin.

Khảo sát mức độ công khai theo 4 nhóm thông tin gồm: Thông tin chung về cơ sở giáo dục, Thông tin về đào tạo, Thông tin về nghiên cứu khoa học, Thông tin về các dịch vụ dành cho sinh viên cho thấy, việc thực hiện công khai thông tin trực tuyến của các trường ĐH, nhóm trường của ĐHQG thực hiện tốt nhất, còn các trường đại học tư thục thực hiện kém nhất.

Điểm trung bình của nhóm trường thuộc ĐHQGHN là 63,5 điểm trong khi điểm trung bình của các trường ĐH ngoài công lập chỉ 34. Khoảng cách khá lớn.

Mức độ công khai, minh bạch thông tin trên cổng thông tin điện tử các trường ĐH nhóm tư thục kém hơn các nhóm khác.

Trong nhóm các cơ sở GDĐH thuộc Chính phủ, Trường Đại học Kinh tế thuộc ĐHQG Hà Nội có điểm số cao nhất, với 79,7/100 điểm (Trường Đại học Kinh tế và Kinh doanh của ĐHQGHN), tiếp theo là Đại học Ngoại ngữ và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (cả hai trường đều thuộc ĐHQGHN).

Trong số các cơ sở GD ĐH thuộc Bộ GD&ĐT, Trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội và Đại học Nông lâm Huế có điểm số cao nhất, với 69,2/100 điểm, với Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông - Đại học Thái Nguyên với 66,5 điểm và Đại học Mỏ - Địa chất với 65,8 điểm.

Trong số các trường đại học ngoài công lập, trường Đại học Lạc Hồng có số điểm cao nhất với 65,0 điểm. Tuy nhiên, trường xếp điểm thấp nhất của nhóm trường này chỉ đạt 14 điểm.

Điểm về công bố thông tin của các cơ sở GD ĐH ngoài công lập thấp hơn so với các loại hình cơ sở GD ĐH khác, trong đó các cơ sở GDĐH ngoài công lập ở phía bắc có điểm số kém hơn so với cơ sở ở miền trung hoặc phía nam.

Khảo sát cũng cho thấy, nhu cầu tìm kiếm thông tin trên website các trường của sinh viên rất lớn. 43,1% sinh viên được hỏi thường xuyên truy cập website của trường và chỉ 3,4% sinh viên chưa từng truy cập vào trang web của trường để tìm kiếm thông tin.

Nghiên cứu khẳng định, tính minh bạch và công bố thông tin vô cùng quan trọng đối với Việt Nam trong nỗ lực tăng cường quản trị ngành GD ĐH.

Điều này đặc biệt đúng khi ngành đang phát triển và Chính phủ đang thử nghiệm với một số cải cách quan trọng, đặc biệt là tăng quyền tự chủ về chức năng của các cơ sở GD ĐH mà trước đây do trung ương kiểm soát.

"Phải công nhận là quyền tự chủ lớn hơn cần đi đôi với tăng cường trách nhiệm giải trình, cho thấy tầm quan trọng của minh bạch và công bố thông tin theo yêu cầu không chỉ của cơ quan quản lý nhà nước mà còn của sinh viên, phụ huynh và công chúng nói chung" - nghiên cứu viết.

Tác giả bài viết: Lê Văn

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP