Báo Vietnamnet đưa tin, chiều 25/9, trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội đã chính thức có phản hồi về những tố cáo của nữ giảng viên Nguyễn Hồng Nhung, bà xã của NSƯT Xuân Bắc cách đây không lâu.
Giảng viên Nguyễn Hồng Nhung - bà xã của NSƯT Xuân Bắc |
Xin Ban giám hiệu cho biết những nội dung nào được đề cập trong cuộc làm việc giữa Nhà trường với giảng viên Nguyễn Hồng Nhung? Nhà trường đưa ra những giải pháp nào với từng vấn đề cụ thể được nêu ra?
Liên quan đến sự việc này khi kết thúc kỳ thi Tốt ngiệp tháng 6/2017, giảng viên Hồng Nhung đã trực tiếp cầm giấy đề nghị lên gặp Hiệu trưởng Dương Minh Ánh thắc mắc về việc không được tham gia trong hội đồng chấm thi. Tại buổi làm việc, Hiệu trưởng nhà trường đã giải thích và cá nhân giảng viên Hồng Nhung cảm thấy thỏa đáng, không nộp giấy đề nghị. Tuy nhiên ngày 21/8/2017, giảng viên Hồng Nhung gửi giấy đề nghị (không phải đơn đề nghị hoặc đơn khiếu nại) lên Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường và ngày 11/9/2017 đã thực hiện livestream trên trang cá nhân.
Sau sự việc trên, Nhà trường đã tổ chức cuộc họp thành phần gồm Đảng ủy, Ban giám hiệu, công đoàn, Trưởng ban Thanh tra nhân dân, Bí thư chi bộ nơi cô Hồng Nhung sinh hoạt. Ban chủ nhiệm khoa Sân khấu và Múa, Trưởng phòng tài chính kế hoạch, Trưởng phòng hành chính quản trị, Phó phòng đào tạo, Phó phòng tổ chức và giảng viên Nguyễn Hồng Nhung… Mục đích giải quyết những vấn đề giảng viên có bức xúc về nhà trường.
Nội dung họp tập trung giải quyết những thắc mắc theo giấy đề nghị, đơn đề nghị gửi Đảng ủy, Ban giám hiệu, Công đoàn và Ban thanh tra nhân dân của giảng viên Hồng Nhung về việc không được tham gia trong ban chấm thi tốt nghiệp sân khấu khóa 2014 – 2017; Những thông tin phản ánh về nhà trường (không có trong giấy đề nghị, đơn đề nghị) được phát tán trong livestream trên mạng xã hội ngày 11/9 của giảng viên Hồng Nhung.
Cô Nhung có chia sẻ những thông tin về cơ sở vật chất của Trường xuống cấp và không đáp ứng được nhu cầu dạy và học. Nhà trường trả lời về nguyên nhân và hướng giải quyết?
Đây là những phán ánh đúng hiện trạng của một số phòng học khoa Sân khấu, tuy nhiên chưa thực sự khách quan vì hiện nay nhà trường đang thực hiện đầu tư theo đề nghị của khoa. Việc chậm chễ không đúng thời hạn để phục vụ học tập đầu năm là do những nguyên nhân khách quan. Còn ý kiến về đầu tư trang thiết bị phòng học đạt chuẩn theo yêu cầu ngành học phải do khoa đề nghị, xây dựng các hạng mục cần đầu tư theo đặc thù môn học. Nhà trường trên cơ sở đề nghị của khoa mới xin kinh phí thành phố để thực hiện. Trong cuộc họp, vấn đề này đã được Ban giám hiệu nhà trường và khoa Sân khấu điện ảnh & Múa thống nhất thực hiện trong năm 2017 – 2018.
Liên quan đến ý kiến cô Nhung nói rằng NSND Anh Tú chèn ép, can thệp để cô ấy không ngồi trong hội đồng chấm thi và cô ấy có bằng chứng bằng văn bản. Nhà trường có thể giải thích rõ hơn về điều này?
Về việc can thiệp, chèn ép nhà trường khẳng định không được yêu cầu từ cá nhân NSND Anh Tú với lãnh đạo trường. Còn những thông tin khác do giảng viên Hồng Nhung trình bày tại cuộc họp chỉ mang tính cá nhân, cũng không thấy đưa ra minh chứng trong cuộc họp để đối chất. Về vấn đề này nhà trường không có ý kiến bình luận thêm.
Việc một giảng viên livestream để kể lể những khúc mắc xung quanh vụ việc này, Nhà trường có thấy bị ảnh hưởng hình ảnh không và có hình thức xử lý như thế nào đối với giảng viên?
Đây không phải là sự việc lần đầu tiên xảy ra trên mạng xã hội, có liên quan đến cán bộ, giảng viên của nhà trường. Tuy nhiên việc dùng livestream để tạo dư luận không chính xác về nhà trường, làm ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh, uy tín và công tác đào tạo của nhà trường. Nhà trường đã họp và đã có những kết luận cụ thể, đúng sai để giải quyết thỏa đáng và đúng Pháp luật.
Trường có quy chế về phát ngôn trên mạng xã hội không? Nếu có, việc giảng viên Hồng Nhung livestream nói về tình hình nội bộ bên trong trường khi vẫn còn đang làm việc tại trường sẽ được xử lý như thế nào?
Năm 2014 nhà trường có ban hành quy định về việc phát ngôn trên mạng (Thông báo số 03/TB-ĐU của Đảng ủy và Thông báo số 119/TB-CĐNT ngày 04/4/2014 của Ban giám hiệu về việc Quy định về sử dụng mạng xã hội đối với những cán bộ, giảng viên và học sinh sinh viên trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội). Những việc nội bộ nhà trường sẽ có hướng xử lý phù hợp, theo đúng pháp luật của Nhà nước và quy định của nhà trường.
Báo Dân trí đưa tin thêm, đại diện lãnh đạo trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội cho biết, cô Nguyễn Hồng Nhung về trường làm việc tại trường từ năm 2003. Cô Nhung được biên chế tại khoa Sân khấu Điện ảnh và Múa.
Theo hồ sơ viên chức mà nhà trường đang quản lý, cô Nguyễn Hồng Nhung có bằng Thạc sĩ Nghệ thuật sân khấu (cấp năm 2015); Đại học hệ tại chức ngành Đạo diễn sân khấu (cấp năm 2008); Cao đẳng ngành Sân khấu khoa Diễn viên Sân khấu – Điện ảnh (cấp năm 2003); Đại học hệ Tại chức ngành Quản lý kinh tế (cấp năm 2007).
Tối 11/9, chị Nguyễn Hồng Nhung đã livestream trên trang cá nhân chia sẻ những bức xúc của mình về vấn đề tổ chức quản lý trong trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội, nơi chị đang công tác. Bên cạnh việc chỉ ra những vấn đề bất cập trong cơ cấu tổ chức, quản lý, xây dựng cơ sở vật chất không đáp ứng được yêu cầu giảng dạy, học tập, chị cũng thể hiện sự bất bình với sự can thiệp của NSND Anh Tú, Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam (nơi NSƯT Xuân Bắc cũng đang công tác cùng chức vụ). Cụ thể, NSND Anh Tú đã can thiệp vào việc sắp xếp, tổ chức hội đồng chấm thi, khiến chị bị gạt ra khỏi danh sách. |
Tác giả: Ly Na (t/h)
Nguồn tin: antt.vn