Pháp luật

Trước khi trốn ra nước ngoài, 5 cựu lãnh đạo SCB đã giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan ra sao?1

Tùy vị trí và giai đoạn làm việc tại Ngân hàng SCB mà 5 cựu lãnh đạo tại ngân hàng này có hành vi phạm tội khác nhau, dù chung vai trò giúp sức tích cực cho bị cáo Trương Mỹ Lan.

Đinh Văn Thành và Nguyễn Thị Thu Sương - hai cựu chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB đã trốn ra nước ngoài

Ngày 23-2, các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn đang gấp rút hoàn tất công tác chuẩn bị cho phiên tòa xét xử đại án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vào ngày 5-3 tới đây.

Giúp sức tích cực cho bà Trương Mỹ Lan

Như đã thông tin, lực lượng công an đã hoàn tất di lý bị cáo Trương Mỹ Lan và nhiều bị cáo khác trong vụ án từ nhiều cơ quan tạm giữ, tạm giam về TP.HCM để chuẩn bị xét xử.

Trước đó, bị cáo Trương Mỹ Lan và 80 người khác bị tạm giam ở nhiều cơ quan tạm giữ, tạm giam của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và nhiều đơn vị công an phía Bắc.

Còn lại 5 bị cáo đang trốn truy nã nếu không ra trình diện theo thông báo kêu gọi của các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ bị xét xử vắng mặt. Những bị cáo bị truy nã này nguyên là lãnh đạo cao cấp tại Ngân hàng SCB, gồm:

Đinh Văn Thành và Nguyễn Thị Thu Sương (cùng là cựu chủ tịch HĐQT), Trầm Thích Tồn (thành viên HĐQT), Chiêm Minh Dũng (cựu phó tổng giám đốc Ngân hàng SCB) và Nguyễn Lâm Anh Vũ (cựu phó giám đốc chi nhánh Bến Thành).

Theo các cơ quan tiến hành tố tụng, Trương Mỹ Lan và đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội trong một thời gian dài, trong khi Bộ luật Hình sự có sự thay đổi cơ bản về đường lối xử lý.

Do đó, những hành vi phạm tội xảy ra trước ngày 1-1-2018 bị xử lý theo điều, khoản tương ứng (điều 179) Bộ luật Hình sự năm 1999 và những hành vi phạm tội xảy ra sau ngày 1-1-2018 bị xử lý theo các điều, khoản (điều 353, điều 206) Bộ luật Hình sự năm 2015.

Kết quả điều tra xác định từ ngày 1-1-2012 đến 31-12-2017, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 368 hồ sơ vay vốn để rút tiền của Ngân hàng SCB sử dụng vào các mục đích khác nhau, gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB số tiền 64.600 tỉ đồng.

Từ ngày 9-2-2018 đến 7-10-2022, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn, chiếm đoạt của Ngân hàng SCB 304.000 tỉ đồng, gây thiệt hại 129.400 tỉ đồng.

Từ đó, bị cáo Trương Mỹ Lan bị truy tố các tội: tham ô tài sản, đưa hối lộ (Bộ luật Hình sự 2015) và tội vi phạm quy định về cho vay (Bộ luật Hình sự 1999).

Hành vi phạm tội của từng cựu lãnh đạo SCB

Trừ tội đưa hối lộ, bị cáo Đinh Văn Thành cùng bị truy tố về 2 tội danh còn lại với vai trò đồng phạm giúp sức tích cực cho bị cáo Lan.

Theo đó, bị cáo Thành từng là phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đệ Nhất (1 trong 3 ngân hàng tiền thân của SCB).

Từ ngày 28-6-2012 đến 6-12-2020, Đinh Văn Thành được Trương Mỹ Lan sắp xếp làm chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB. Đến năm 2020, Đinh Văn Thành xin nghỉ, ra nước ngoài và giới thiệu Bùi Anh Dũng thay thế vị trí chủ tịch HĐQT.

Quá trình làm việc tại SCB, Đinh Văn Thành đã ký quyết định thành lập 3 đơn vị mới chỉ chuyên thực hiện các hồ sơ vay trái pháp luật của Trương Mỹ Lan và Vạn Thịnh Phát.

Cơ quan điều tra xác định từ ngày 28-6-2012 đến 19-10-2017, Đinh Văn Thành ký hợp thức hồ sơ 174 khoản vay, gây thiệt hại cho SCB gần 42.800 tỉ đồng;

Từ ngày 9-2-2018 đến 6-12-2020, Đinh Văn Thành đã ký hợp thức hồ sơ 305 khoản vay, giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt 189.000 tỉ đồng và gây thiệt hại 99.700 tỉ đồng.

Một cựu chủ tịch HĐQT khác của SCB là bị cáo Nguyễn Thị Thu Sương bị truy tố về tội vi phạm quy định về cho vay.

Theo đó, trước khi làm việc cho Lan, Sương công tác tại Ban thi đua khen thưởng TP.HCM nên có nhiều mối quan hệ với các cơ quan chức năng. Do vậy, Trương Mỹ Lan đã mời Sương về làm việc tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Năm 2012, Lan để Sương làm chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB, trực tiếp nhận thông tin chỉ đạo từ Lan về việc thực hiện các hồ sơ tín dụng, sau đó chỉ đạo các bộ phận chuyên môn thực hiện. Đến năm 2014, Sương nghỉ việc đi nước ngoài.

Kết quả điều tra xác định từ 25-7-2012 đến 30-7-2013, Nguyễn Thị Thu Sương đã ký hợp thức 79 khoản vay, gây thiệt hại cho SCB gần 7.000 tỉ đồng.

Hai bị cáo Trầm Thích Tồn và Nguyễn Lâm Anh Vũ cùng bị truy tố về tội vi phạm quy định về cho vay. Trong đó, Trầm Thích Tồn đã ký hợp thức 80 khoản vay, gây thiệt hại 7.100 tỉ đồng; Nguyễn Lâm Anh Vũ đã giúp Lan rút tiền từ SCB, gây thiệt hại 3.700 tỉ đồng.

Riêng bị cáo Chiêm Minh Dũng bị truy tố tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng theo Bộ luật Hình sự 2015. Bị cáo Dũng được xác định đã gây thiệt hại cho SCB 140.000 tỉ đồng.

5 người trên được xác định đều đã xuất cảnh ra nước ngoài trước khi bị khởi tố bị can, hiện không xác định được đang ở đâu, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định truy nã.

Tác giả: ĐAN THUẦN

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP