Kinh tế

Trung Quốc “hắt hơi”, những nền kinh tế châu Á nào “cảm lạnh”?

Nhóm những nền kinh tế có thể chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ sự biến động của Trung Quốc...


0 4601b
Bên cạnh việc tạo ra “cú huých” tăng trưởng kinh tế khu vực, một Trung Quốc mạnh lên cũng đặt ra tình thế “tiến thoái lưỡng nan” cho các quốc gia láng giềng.

Nếu (hoặc khi nào) Trung Quốc “hắt hơi” - từ việc nước này mạnh tay phá giá đồng nội tệ hoặc tung các biện pháp bảo hộ nhằm bảo vệ các ngành sản xuất trong nước - thì Singapore, Đài Loan, Việt Nam, Hàn Quốc và Malaysia sẽ là những quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tiên tại châu Á “cảm lạnh” - hãng tin Bloomberg dẫn một phân tích của ngân hàng đầu tư Natixis SA cho biết.

Ngược lại, một số quốc gia khác trong khu vực như Indonesia, Ấn Độ và Philippines được cho là có khả năng “miễn nhiễm” cao hơn trước những biến động kinh tế ở Trung Quốc.

Những đánh giá này được hai nhà kinh tế học Alicia Garcia Herrero và Trinh Nguyen của Natixis đưa ra dựa trên quan hệ thương mại, du lịch và đầu tư của các quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á với Trung Quốc.

1 30da2
Tỷ trọng GDP có liên quan đến Trung Quốc của một số quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á - Nguồn: Bloomberg.

Theo phân tích, đối với những nước có thể chịu tác động nhiều nhất từ các diễn biến kinh tế của Trung Quốc, thương mại chính là mối ràng buộc lớn nhất giữa các nước này với Trung Quốc.

Du lịch là một yếu tố quan trọng khác ràng buộc các nền kinh tế nhỏ hơn ở châu Á với nền kinh tế lớn nhất khu vực. Vào năm 2015, lượng du khách Trung Quốc đi du lịch nước ngoài tăng 14,5 %, đạt 35,4 triệu lượt - theo số liệu của Viện Nghiên cứu du lịch nước ngoài Trung Quốc.

Số du khách này đã chi tiêu 235 tỷ USD trong năm 2015, Natixis cho hay, và phần lớn du khách Trung Quốc chọn đi nghỉ ở châu Á, với 60% số du khách chọn điểm đến trong khu vực.

Tuy nhiên, Natixis nhấn mạnh những quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ du khách Trung Quốc cũng phải đối mặt với một “sự nhạy cảm gia tăng”, bởi nhu cầu có thể tăng mà cũng có thể giảm sâu. Phân tích lấy ví dụ lượng du khách Trung Quốc tới Việt Nam trong năm 2015 đã giảm tới 20%, sau khi căng thẳng giữa hai nước trên biển Đông gia tăng.

2 30da2
Hơn 1/3 hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc có điểm đến là các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực - Nguồn: Bloomberg.

Một mối ràng buộc khác giữa các nền kinh tế trong khu vực với Trung Quốc còn đến từ những dự án của Trung Quốc như sáng kiến “Một vành đai, một con đường” và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB).

Khi Trung Quốc bơm tiền vào khu vực thông qua những dự án này, một phần nhằm “xuất khẩu” phần công suất dư thừa trong nước, thì “quyền lực mềm” của Bắc Kinh cũng tăng lên.

3 30da2
Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc (đơn vị: tỷ USD) - Nguồn: Bloomberg.

Bên cạnh việc tạo ra “cú huých” tăng trưởng kinh tế khu vực, một Trung Quốc mạnh lên cũng đặt ra tình thế “tiến thoái lưỡng nan” cho các quốc gia láng giềng.

Natixis cho rằng các nước láng giềng của Trung Quốc phải nỗ lực cân bằng giữa một bên là bảo vệ chủ quyền của mình, với một bên là không làm các nhà đầu tư Trung Quốc lo lắng.

Đây là một việc khó khăn, và sẽ càng trở nên khó khăn hơn khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình theo đuổi “giấc mơ Trung Quốc” về tăng cường ảnh hưởng kinh tế và chính trị của nước này.

Tác giả bài viết: An Huy

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP