Giáo dục

"Trời ơi! Tôi không muốn tin đây là sự thật"

Có phụ huynh đã phải thốt lên như vậy khi xem hình ảnh học trò chơi game ở lớp liên kết ngoại ngữ trường Gia Thụy, Long Biên, Hà Nội.

Tôi từng thắc mắc không biết con mình vì sao chơi game giỏi thế?

Hình ảnh, học sinh chơi game trong sự bất lực của thầy giáo nước ngoài tại trường Trung học Cơ sở Gia Thụy, quận Long Biên khiến nhiều phụ huynh bức xúc.

Chia sẻ, những suy nghĩ của mình với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, chị Nguyễn Hồng Anh ở quận Long Biên cho rằng:

“Nếu không có hình ảnh thì còn bán tín, bán nghi. Chứ đằng này, hình ảnh rõ ràng như thế, từ nhà trường đến Sở chắc không còn gì để bao biện nữa.

Vì nghe theo nhà trường mà không chỉ tôi, nhiều phụ huynh đã chi phí một tháng 200 ngàn đồng cho con học ngoại ngữ. Thậm chí, có phụ huynh còn chi 600 ngàn đồng/tháng.

Thế mà, học sinh đến trường lại được chơi game thỏa thích.

Tôi từng thắc mắc không biết con mình vì sao chơi game giỏi thế? Cứ nghĩ cháu nó có năng khiếu ,chứ ai ngờ đâu được luyện tại trường!”.

Không chỉ chị Nguyễn Hồng Anh mà nhiều bạn đọc xem hình ảnh chơi game của các em học sinh ở trường Trung học Cơ sở Gia Thụy, Long Biên đều tỏ ra rất bức xúc.

Bạn đọc Nguyễn Thu Sáng bình luận:

“Đây là sự lừa đảo trắng trợn, mang danh dạy tiếng Anh nhưng lại để trẻ vùi đầu vào chơi game.

Nếu không có những hình ảnh xác thực thế này thì chắc là nhà trường chối bay chối biến.

Và hơn nữa nhà trường không những không dạy chúng học mà dạy chúng giả dối, dạy chúng bỏ học mà chơi, đầu độc chúng, vì chơi game nhiều sẽ nghiện như nghiện ma túy.

Thật xót xa quá!”.

Bạn đọc Xuân Vi thắt lòng nói lên cảm xúc của mình:

“Trời ơi! Tôi không muốn tin đây là sự thật ở một trường điểm...

Đau lòng quá. Đau cho phụ huynh. Đau cho học trò. Đau cho giáo dục. Đau cho đất nước này”.

Chị Vũ Thảo Nguyên thể hiện nỗi thất vọng:

“Con ơi là con, cha mẹ tưởng con đi học hóa ra con cùng tuồng với nhà trường, với Sở để hại cha mẹ sao con.



Con đừng lừa dối cha mẹ nữa, đã lừa dối cha mẹ được thì con cũng lừa dối xã hội được, rồi đất nước này sẽ ra sao?

Thà không biết ngoại ngữ thì thôi, còn để biết ngoại ngữ mà học theo kiểu này thì chính con đã hại cha mẹ và hại đất nước này rồi”.

choi game2
Thấy hình ảnh này chắc nhiều phụ huynh sẽ thất vọng vì đã đầu tư cho con học liên kết ngoại ngữ (ảnh Trinh Phúc).

Bạn đọc Long Biên đưa ra kiến nghị:

“Dạy thế này thì phải loại ngay cái trung tâm DynEd ra khỏi hệ thống giáo dục.

Có dạy tiếng Anh tiếng em gì đâu, cho trẻ chơi game thu tiền trá hình, làm hại tương lai các con”.

Từ khi đăng tải bài viết đến nay, thông tin chúng tôi có được cho biết, việc liên kết dạy ngoại ngữ do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội quản lý và quyết định. Vậy nhưng đã nhiều lần chúng tôi liên lạc với cơ quan này nhưng đều không nhận được phản hồi gì, tất cả chỉ là một sự im lặng.

Sự im lặng khó hiểu này khiến cho nhiều người nghi ngờ có sự bao che, thậm chí có chuyện "xôi chè" của Sở.

Riêng với Trung tâm tiếng Anh DynEd, phóng viên nhiều lần liên hệ, đặt lịch làm việc nhưng không được chấp thuận.

Cách làm việc trốn tránh của Trung tâm tiếng Anh DynEd cho thấy có nhiều vấn đề không bình thường trong hoạt động phải được thanh kiểm tra để làm rõ.

Trăm dâu đổ đầu Bộ trưởng!

Từ chuyện, học sinh chơi game trong giờ học tiếng Anh của DynEd tại trường Trung học Cơ sở Gia Thụy Long Biên phóng viên lại nhớ đến chuyện trả lời chất vấn của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trước Quốc hội.

Những ai quan tâm và yêu mến giáo dục chắc còn nhớ hình ảnh Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo thừa nhận không thể đạt được mục tiêu của Đề án ngoại ngữ 2020 đúng thời gian tại phiên chất vấn tại nghị trường Quốc hội vào ngày 16/11/2016.

Mọi người đều nhớ, lý giải của Bộ trưởng: “việc dạy học ngoại ngữ cần có thời gian, chi phí rất lớn để đạt được mục tiêu.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai gặp nhiều vấn đề thời gian, kinh phí, chuẩn bị

Với Bộ Giáo dục và Đào tạo và cá nhân Bộ trưởng thì chúng tôi có trách nhiệm.

Hiện đang điều chỉnh lại các mục tiêu đề ra; tập trung đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ;

thiết kế lại các chương trình, nội dung, phương pháp dạy học; đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa dạy học ngoại ngữ”. [1]

Như thế, có thể nói rằng, nếu được góp ý bổ sung nguyên nhân cho việc về đích muộn của Đề án ngoại ngữ 2020 chính là việc dạy tượng trưng, học tượng trưng.

Bằng chứng không thể chối cãi được đó là hình ảnh học sinh chơi game trong lớp học ngoại ngữ liên kết tại Trường Trung học Cơ sở Gia Thụy.

Cũng tại buổi trả lời chất vấn, tư lệnh ngành Giáo dục rất tâm đắc với việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, xem đó là biện pháp thúc đẩy chất lượng dạy và học ngoại ngữ.

Chúng ta tin rằng, hàm ý trong việc “đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục” mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu ra trước Quốc hội đều có ý nghĩa hoàn toàn tích cực.

Nhưng thực tế khi triển khai, người làm công tác giáo dục thì nhiều mà không phải tất cả đều chung suy nghĩ như Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.

“Trên thẳng dưới cong” hay “trên bảo dưới mặc kệ” đang trở thành lề thói làm việc xấu cản trở sự đi lên của giáo dục nước nhà.

Không ít người làm giáo dục nhưng cái tâm chưa sáng, thu tiền để dạy tiếng Anh nhưng để học sinh lại tha hồ chơi game trong giờ học.

Qua quá trình tìm hiểu về việc dạy học liên kết ngoại ngữ, phóng viên thấy khó hiểu khi hoạt động này đã tồn tại 10 năm nay nhưng chưa tổ chức được một kỳ thi đánh giá năng lực học sinh.

Dẫn tới việc, trường nào hễ có thành tích học sinh giỏi tiếng Anh thì lãnh đạo trường vội nhận vơ vào là do liên kết ngoại ngữ mang lại.

Nếu đẩy mạnh xã hội hóa như tiếng Anh DynEd đang triển khai ở Trường Trung học Cơ sở Gia Thụy, Long Biên thì Bộ Trưởng Phùng Xuân Nhạ có tài thánh đến mấy rồi cũng chịu bó tay.

Không chấn chỉnh kịp thời, có lẽ tới các phiên trả lời chất vấn tiếp đây trên nghị trường Quốc hội, tư lệnh ngành Giáo dục sẽ tiếp tục được các Đại biểu Quốc hội “truy” về những lời hứa chưa làm được.

Nếu thế, chẳng phải là trăm dâu đổ đầu Bộ trưởng hay sao!

Tác giả bài viết: Trinh Phúc

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP