Tin địa phương

Trời hửng nắng, nông dân tranh thủ xuống giống

Sau hơn tuần rét đậm, trời hửng nắng, nông dân Quảng Bình tranh thủ xuống giống vụ đông xuân

Theo ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở NN - PTNT Quảng Bình, những ngày qua, nông dân toàn tỉnh đồng loạt xuống giống vụ đông xuân đợt đầu đúng đợt rét đậm, rét hại xảy ra.

Tuy nhiệt độ không xuống thấp như các tỉnh phía Bắc, nhưng tại Quảng Bình có những ngày xuống 6 - 8 độ C, giá lạnh kỷ lục trong những năm gần đây. Trước tình hình đó, Sở NN-PTNT Quảng Bình đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương động viên, hướng dẫn bà con chống rét cho vật nuôi và cho mạ non trên đồng. Những vùng đã xuống giống, khẩn trương điều tiết nước khô ruộng, dùng tro rải mặt ruộng để giữ ấm cho mạ non. Đến thời điểm này, qua kiểm tra, chưa thấy có thiệt hại do rét phải gieo lại.

Nông dân xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) tranh thủ thời tiết hửng nắng sau rét đậm gieo sạ lúa. Ảnh: NT

Tại cánh đồng xã Hàm Ninh (huyện Quảng Ninh) rộng hơn trăm hecta, những ngày qua lúa vừa gieo thì gặp rét đậm. Cây mạ non bật lên gặp phải giá lạnh bị bạc trắng. Ông Nguyễn Văn Công (xã Hàm Ninh) từ sáng sớm đã ra thăm ruộng. Trước đận rét, ông đã mang mấy bao tro ra rải chống rét cho mạ nên khi gặp nắng hửng, mạ non trên ruộng bật màu xanh sớm hơn mấy trà ruộng khác không rải tro.

“Nếu những ngày tới ban ngày trời có nắng, đêm có sương, bớt rét buốt thì chừng ba, bốn hôm nữa, lúa có thể sẽ phục hồi và phát triển. Kinh nghiệm năm nào cứ lúc gieo lúa, gặp rét nặng là năm đó lúa được mùa”- ông Công lạc quan.

Bà Nguyễn Thị Sáu (thôn Trần Xá, xã Hàm Ninh) kiểm tra ruộng lúa vừa gieo cho biết: Mặc dù những ngày qua rét đậm, nhưng nhờ ruộng cạn nước nên lúa mới gieo không bị thối. Hầu như ít có hạt lúa bị đen thối.

Tại cánh đông thôn Tiền (xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh), nông dân tranh thủ thời tiết hửng nắng sau rét đậm ra đồng khá nhộn nhịp. Bà Phan Thị Lưu đang xem lại mấy bao lúa đã ngâm ủ nứt nanh trước lúc gieo. Nhà bà đấu thầu vùng ruộng ruộng gần 8 ha để trồng lúa. Khi làm đất xong thì gặp rét đậm nên phải chậm gieo vài ngày. Vì vậy khi nắng vừa hửng, bà Lưu đã nhờ thêm mấy chị em hỗ trợ gieo lúa cho kịp thời vụ.

Một số hộ dân có lúa đã ngâm ủ phải lùi việc gieo sạ chậm lại để né rét đậm, rét hại. Ảnh: NT

“Vụ này, gia đình tôi gieo giống lúa của Nhà nước hỗ trợ sau lũ lụt. Tôi cũng đang dự tính vụ tới sẽ mua máy gieo sạ để vừa phục vụ cho gia đình và dịch vụ cho bà con để đỡ công và nhanh thời vụ”, bà Lưu bộc bạch.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Quảng Ninh, vụ đông xuân 2020 - 2021, toàn huyện gieo cấy khoảng khoảng 5.200 ha. Đến thời điểm này, các xã đã thực hiện xuống giống được 3.200 ha. Diện tích còn lại sẽ gieo cấy hoàn thành trước 30/1. Ông Nguyễn Xuân Kỷ, Trưởng phòng NN-PTNT cho hay, dù thời tiết không thuận lợi, nhưng kế hoạch sản xuất đông xuân sẽ được đảm bảo. Qua kiểm tra cho thấy đến thời điểm này, chỉ có một số vùng bị ảnh hưởng nhẹ do rét, hạt mầm lúa mới gieo bị chết với tỷ lệ từ 2-3%.

Sở NN-PTNT Quảng Bình cho biết đến nay, các địa phương trong tỉnh đã gieo sạ gần 1.400 ha lúa/29.500ha kế hoạch. Sở NN-PTNT chỉ đạo cơ bản hoàn thành gieo cấy vào đầu tháng 2/2020.

Tác giả: Tâm Phùng

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP