Cướp từ tay "tử thần"
Nguyễn Văn Vinh (tên thường gọi là Đinh Đường, SN 1995), sinh ra ở vùng đất nằm sâu trong những cánh rừng già phía Tây dãy Trường Sơn hùng vĩ. Đó là nơi trú ngụ của người Macoong, một tộc người còn nhiều hủ tục, “chôn con theo mẹ” là một trong số các hủ tục đáng lên án.
Theo quan niệm của người Macoong, đứa bé mới sinh ra thuộc về người mẹ. Sau khi sinh, nếu người mẹ không may qua đời thì theo quan niệm nơi đây, trước sau gì người mẹ cũng "về" bắt con đi. Những ai cố gắng nuôi nấng đứa bé sẽ bị người mẹ phạt vạ. Chính vì vậy mà người Macoong luôn truyền tai nhau một lời nguyền: “Giàng (trời) bảo, nếu người mẹ chết mà con không chôn theo thì con ma mẹ luôn về nhà quấy nhiễu những người còn sống, phải chôn theo thôi, nếu ai không làm theo thì cả bản bị con ma bắt”.
Tháng 9/1995 ở bản Cà Roòng có một người phụ nữ tâm thần tên là Y Xoong vừa sinh hạ được một cậu con trai sau 2 ngày thì mất. Cũng như những đứa trẻ kém may mắn khác, dân bản họp bàn chôn thằng bé theo mẹ. Theo lời kể của nhiều người dân, hôm đó dân bản kéo đến rất đông để chuẩn bị đưa tiễn mẹ con Y Xoong về với Giàng. Bên thi thể người mẹ là đứa bé đỏ hỏn đói sữa khóc ngặt nghẽo.
Đúng vào giờ đã định, con trai Y Xoong được già làng đưa xuống dưới chân mẹ rồi từ từ đưa chân người mẹ đã chết chặn lên cổ họng cháu bé mặc cho đứa bé gào khóc. Đến khi nào tắt thở, thi thể cháu bé sẽ được mang đi chôn cùng mẹ.
Từ cậu bé từng là nạn nhân của hủ tục rùng rợn, Đinh Đường đã bước chân lên giảng đường đại học và trở thành thầy giáo. |
Nghe hung tin, một người đàn ông miền xuôi có tên là Nguyễn Diệu từ nhà chạy một mạch đến làng để van xin dân làng đừng chôn nó. Hàng trăm ánh mắt đổ dồn về phía ông tức giận bởi ông dám chống lại lời nguyền của Giàng.
Biết chẳng thể nào thay đổi được suy nghĩ của dân làng, ông chạy tới cướp đứa trẻ trên tay của già làng rồi chạy thục mạng vào rừng tìm nơi ẩn nấp trong sự phẫn nộ cùng cực của họ. Những ngày sau đó, Y Nhoong (vợ của ông Diệu) bỏ ngoài tai mọi lời đồn thổi và ánh mắt dị nghị của dân làng lén lút đưa đường, sữa, cơm gạo tiếp tế cho chồng và đứa trẻ.
Sau này, ông đặt tên cho đứa bè là cu Đường. Từ một đứa trẻ sinh thiếu tháng, gầy gò, cu Đường khoẻ mạnh, lớn nhanh như thổi cùng đôi mắt lanh lẹ đã xua tan bao ngờ vực của dân làng. Ông Diệu đặt tên cho Cu Đường là Nguyễn Văn Vinh, đứa trẻ Macoong đầu tiên mang dòng họ Nguyễn. Từ ngày đó, Nguyễn Diệu nuôi nấng cậu bé Đường cho đến tận bây giờ.
Ông Nguyễn Diệu, vốn sinh ra và lớn lên ở tỉnh Thừa Thiên – Huế. Khi học hết trung học phổ thông, ông theo bạn bè đi làm kinh tế thu mua mây song xuất khẩu tại xã Thượng Trạch. Quá trình sinh sống, ông đã bén duyên, ở lại lập nghiệp, lấy vợ và sinh con ở vùng đất này.
Sống giữa bản làng, không ít lần ông chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng khi những đứa trẻ vô tội phải chết theo mẹ. Bản thân ông rất muốn người dân ý thức và sớm xóa bỏ được hủ tục rùng rợn đó.
Một thời gian dài ông Diệu trằn trọc không ăn không ngủ, bởi ông biết, lời nguyền ấy đã ăn sâu vào tâm khảm người dân Ma Coong như cuộc sống không thể xa rời núi rừng của họ.
Chỉ đến khi ông quyết tâm cứu cu Đường và nuôi nấng em trưởng thành, khỏe mạnh, dân làng mới xóa bỏ lời nguyền rùng rợn không có thật ấy. Trải qua bằng ấy thời gian, cậu bé Đường được bố mẹ nuôi yêu thương, chăm sóc chu đáo như con đẻ của mình.
Chưa một lần oán trách
"Em sinh ra khi hủ tục như một cái bóng lớn bủa vây, khiến cái nghèo, cái đói cứ thế bám riết lấy cuộc sống của dân làng; hiểu được đó chính là cái vòng luẩn quẩn mà nếu không thoát ra được thì đời sống của người dân sẽ mãi chìm trong đói khổ. Em chưa một lần oán trách dân làng của mình, mà lớn hơn một chút, em càng ý thức được việc phải làm một điều gì đó có ích cho mảnh đất này", Đinh Đường tâm sự.
Nuôi nấng cho mình một ước mơ, hoài bão, Đường đã không ngừng học tập, vượt qua mọi khó khăn để hiện thực hóa giấc mơ của mình. Những nỗ lực đó đã đưa Đường bước chân được vào giảng đường đại học.
Ngày Đường trở thành sinh viên khoa Sư phạm tiểu học, trường đại học Quảng Bình, đã không ít người tỏ ra thán phục, ngạc nhiên, bởi ở nơi rừng sâu thăm thẳm, số người đi học đại học chỉ đếm trên đầu ngón tay và việc trở thành sinh viên là điều mà rất ít ai làm được.
Trong ký ức, tuổi thơ của Đường là những chuỗi ngày đi chân đất giữa những con suối, những cánh rừng già để mò cua bắt cá, lấy củi… mưu sinh. Ngày đến ở nơi thành phố phồn hoa, cậu ấp ủ biết bao hoài bão và dự định. Cậu mong muốn quê hương mình cũng phát triển như dưới đồng bằng, để người dân quê mình đỡ vất vả hơn.
“Mỗi dịp được nghỉ học dài ngày, quay về nhà, em lại mong ngày càng có nhiều bạn trẻ ở bản làng được lên thành phố học như em, được tiếp xúc, mở mang vốn hiểu biết về cuộc sống, xã hội bên ngoài nhiều hơn. Như thế, các bạn sẽ dễ dàng xây dựng được ước mơ cho riêng mình để phát triển bản thân, có một tương lai tươi sáng hơn”, Đường nói.
Từ khi Đường đi học ở thành phố, mỗi lần về nhà là bạn bè lại tập trung đến nhà rất đông để nghe cậu kể về cuộc sống thú vị nơi đồng bằng. Bên cạnh đó, cậu cũng thường đi đến các bản làng nằm sâu trong rừng, nói cho dân bản nghe về chuyện học hành, về lợi ích của việc học, về cách mà người đồng bằng làm ăn để người dân ở địa phương học hỏi theo.
Đinh Đường cùng các em học sinh tại Thượng Trạch. |
Sau nhiều nỗ lực phấn đấu, Đinh Đường đã tốt nghiệp đại học và may mắn được nhận vào trường tiểu học số 2 Thượng Trạch. Anh và anh trai Nguyễn Văn Minh là 2 người bản địa đầu tiên trở thành thầy giáo ở xã biên giới Thượng Trạch. Hiện, Đinh Đường đang là thầy giáo dạy chuyên biệt ở bản Aki.
Vì là người bản xứ, thông thạo ngôn ngữ ở đây nên việc dạy học của thầy giáo trẻ tương đối thuận lợi. Đến nay, đã gần 2 tháng được làm thầy giáo, được dạy dỗ những đứa trẻ tại quê nhà, Đinh Đường tỏ ra rất hào hứng, phấn khởi.
“Các em học sinh ở đây còn nhiều thiệt thòi, thiếu thốn và việc tiếp thu kiến thức cũng còn gặp nhiều hạn chế, vì vậy, bản thân các thầy cô giáo nói chung và em nói riêng, đều phải nỗ lực cố gắng nhiều hơn. Hàng ngày, ngoài dạy chính, em cũng dành thêm thời gian để dạy thêm cho các em có được kiến thức vững chắc hơn”, Đinh Đường tâm sự.
Giờ đây, khi bản thân đã trưởng thành và lại là thầy giáo, Đinh Đường chỉ mong tất cả mọi người dân trong bản làng cùng đoàn kết, nỗ lực góp sức để đưa quê hương mình ngày càng phát triển không chỉ về nhận thức mà còn phát triển cả về kinh tế…
Ông Đinh Hợp, Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch vui mừng chia sẻ: “Từ ngày Đinh Đường về làm thầy giáo, đồng bào vui lắm. Đinh Đường là người địa phương, thông thạo ngôn ngữ nên việc học và dạy của thầy và trò đều rất thuận lợi. Chúng tôi mong ngày càng có nhiều người như Đinh Đường được học cao, quay trở về giúp đỡ cho bản làng ngày càng phát triển”.
Tác giả: Ngô Thị Huyền
Nguồn tin: Báo Người đưa tin