Thế giới

Triều Tiên nắm được “át chủ bài” của Tổng thống Trump?

Triều Tiên được cho là đã đột nhập hệ thống mạng và đánh cắp một lượng lớn thông tin quân sự bí mật của Mỹ và Hàn Quốc. Bằng cách này, Bình Nhưỡng có thể đã nắm trong tay “át chủ bài” của Tổng thống Donald Trump.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: Reuters)

Theo thông tin do nghị sĩ Rhee Cheol-hee thuộc đảng Dân chủ cầm quyền của Hàn Quốc tiết lộ, hơn 1.000 tin tặc Triều Tiên được cho là đã đột nhập thành công trung tâm dữ liệu của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc và đánh cắp 235 GB tài liệu quân sự mật.

Ước tính số dữ liệu bị Triều Tiên đánh cắp tương đương với khoảng 15 triệu trang tài liệu, bao gồm nhiều bản kế hoạch bí mật do Mỹ và Hàn Quốc cùng nhau soạn thảo. Nghị sĩ Rhee cho biết trong số các tài liệu bị đánh cắp có kế hoạch tấn công bất ngờ nhằm lật đổ nhà lãnh đạo Kim Jong-un cùng các nhân vật cấp cao của chính quyền Triều Tiên.

Một trong số những vấn đề nảy sinh sau vụ đánh cắp tài liệu mật này là yếu tố bất ngờ trong các kế hoạch quân sự của Mỹ và Hàn Quốc đã bị rò rỉ. Ngoài ra, việc Triều Tiên có thể dễ dàng đột nhập vào kho dữ liệu của Hàn Quốc và lấy đi số lượng lớn thông tin quan trọng có thể sẽ buộc Mỹ phải xem xét lại quá trình chia sẻ thông tin tình báo với đồng minh. Nói cách khác, Washington có thể sẽ cắt giảm cả về số lượng lẫn nội dung thông tin mà nước này muốn chia sẻ cho Seoul.

Các bản kế hoạch tác chiến thường bao gồm thông tin về số lượng binh sĩ mà các bên sẽ triển khai, loại vũ khí được sử dụng cũng như các khu vực được chọn làm mục tiêu tấn công. Bằng việc đánh cắp các thông tin mật quan trọng, chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un dường như đã nắm được “át chủ bài” mà Mỹ đang muốn sử dụng.

“Giới chức Mỹ có thể sẽ hoài nghi về việc họ sẽ tiếp tục trao đổi thông tin với phía Hàn Quốc như thế nào khi trung tâm dữ liệu bị tấn công như vậy. Điều này sẽ làn gia tăng cấp độ cảnh báo trong lĩnh vực an ninh mạng ở cả Mỹ và Hàn Quốc”, Giáo sư Yang Moon-jin tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, Hàn Quốc cho biết.

Tổng thống Donald Trump (phải) và Tổng thống Moon Jae-in trong cuộc gặp tại Nhà Trắng hồi tháng 6 (Ảnh: AP)

Theo giới phân tích, lý do khiến hệ thống mạng của Hàn Quốc dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công của Triều Tiên là vì mọi người dân Hàn Quốc đều có thể kết nối với internet.

“Nếu một đất nước mà toàn bộ người dân đều phụ thuộc vào internet thì đất nước đó rất dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công mạng. Dù cho bạn có nâng mức độ an ninh trong hệ thống mạng của chính phủ và quân đội lên mức nào đi chăng nữa, nhưng nếu hạ tầng mạng ở khu vực tư nhân bị (tin tặc) nhắm mục tiêu thì hệ thống mạng của cả nước cũng không thể chống chọi được”, Giáo sư Ken Kotani tại Trường Quản lý rủi ro thuộc Đại học Nihon ở Tokyo cho biết.

Trong khi đó, Triều Tiên hoàn toàn ngược lại với Hàn Quốc. Phần lớn người dân nước này không được kết nối internet và đây có thể xem là lợi thế của Bình Nhưỡng.

“Trong lĩnh vực mạng, kẻ tấn công luôn là kẻ mạnh hơn”, Giáo sư Kotani nhận định.

Tác động quan hệ song phương

Theo ông Park Won-kon, Giáo sư Quan hệ quốc tế tại Đại học Toàn cầu Handong ở Pohang, Hàn Quốc, vụ thông tin mật bị đánh cắp chắc chắn sẽ tác động xấu tới quan hệ song phương Mỹ - Hàn, trong khi mối quan hệ này vốn đã rất “mong manh” trước các động thái khiêu khích hạt nhân của Triều Tiên.

“Tôi chắc chắn rằng vụ tấn công mạng này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới liên minh Mỹ - Hàn, dù Mỹ không công khai nêu ra vấn đề này Chính Mỹ là bên thiết kế và khởi xướng Sứ mệnh số 5015”, ông Park cho biết, đề cập tới bản kế hoạch tác chiến của Bộ Chỉ huy Các lực lượng hỗn hợp Mỹ - Hàn bị Triều Tiên đánh cắp.

Thông tin về vụ đánh cắp tài liệu mật được đưa ra ngay trước thềm cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in tại Seoul dự kiến diễn ra vào tháng tới. Trong cuộc gặp này hai nhà lãnh đạo được cho là sẽ thảo luận về biện pháp đối phó với chương trình vũ khí của Triều Tiên.

Theo Giáo sư Park, điều quan trọng bây giờ là Mỹ và Hàn Quốc phải xây dựng được lộ trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

“Vấn đề hiện nay là Mỹ và Hàn Quốc vẫn chưa đi đến thống nhất về việc cả hai nước sẽ làm gì khi các cuộc đàm phán với Triều Tiên chính thức bắt đầu. Chưa có bất kỳ cuộc hội đàm chính thức nào được lên kế hoạch. Họ cần thiết lập một kênh liên lạc giữa các quan chức cấp cao để trao đổi quan điểm của các bên”, Giáo sư Park nói.

Tác giả: Thành Đạt

Nguồn tin: Báo Dân trí

  Từ khóa: hoa kỳ , Triều Tiên , hàn quốc

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP