Pháp luật

Triệt phá đường dây mua bán hóa đơn trái phép nghìn tỷ

Thời gian vừa qua, nhiều đường dây mua bán hóa đơn “khủng” hàng nghìn tỷ đã bị công an các địa phương triệt phá. Hệ quả là làm thất thoát ngân sách Nhà nước và làm mất đi sự bình đẳng giữa các DN.

Những đường dây mua bán hóa đơn “khủng”

Một đường dây mua bán trái phép hóa đơn liên tỉnh vừa bị triệt phá, đường dây này đã xuất bán trên 3.000 hóa đơn, tổng giá trị tiền hàng hóa dịch vụ ghi trên hóa đơn gần 4.000 tỷ đồng.

Trước đó, cuối năm 2022, trong quá trình điều tra vụ án “Mua bán trái phép hóa đơn” và “Trốn thuế” xảy ra tại địa bàn tỉnh Bắc Giang, công an phát hiện nhóm 4 người đã thành lập và mua bán hóa đơn của nhiều công ty.

Tháng 12/2022, Cơ quan An ninh điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố đối với 4 bị can này về hành vi “Mua bán trái phép hóa đơn”.

Đến tháng 4/2023, Công an tỉnh Bắc Giang tiếp tục khởi tố và bắt giữ thêm 2 đối tượng là Trần Như Trung (sinh năm 1980) và Hoàng Quốc Trung (sinh năm 1979; cùng trú tại TP Hải Phòng) về hành vi “Mua bán trái phép hóa đơn”.

Đây là 2 trong tổng số 6 đối tượng liên quan đến đường dây “Mua bán trái phép hoá đơn” trên địa bàn tỉnh Bắc Giang với số tiền hàng nghìn tỷ đồng. Từ đây, thủ đoạn tinh vi của đường dây mua bán trái phép hóa đơn liên tỉnh đã lộ rõ.

Theo công an, thông qua các mối quan hệ xã hội, nhóm này đã tìm đến địa bàn có các khu, cụm công nghiệp hoặc địa bàn xa trung tâm để thành lập các công ty “ma”, dưới vỏ bọc đăng ký ngành nghề kinh doanh là các lĩnh vực có nhu cầu sử dụng hóa đơn như vật liệu xây dựng, dịch vụ ăn uống…

Sau đó, các nhóm này tìm cách liên hệ với kế toán, giám đốc DN để chào mời mua hóa đơn với giá trị thấp từ 2 - 8%, rồi xuất bán hóa đơn, hưởng lợi nhuận.

Liên quan đến các vụ án trốn thuế, mua bán hóa đơn trái phép, trước đó, công an các tỉnh, TP trên cả nước đã triệt phá nhiều đường dây với quy mô từ vài trăm tỷ đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Đối tượng mua bán trái phép hóa đơn và tang vật vụ án bị Cơ quan An ninh điều tra Công an Bắc Giang bắt giữ. Ảnh: Khải Anh

Nổi bật nhất, vào cuối năm 2022, Công an tỉnh Phú Thọ ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 5 đối tượng về hành vi mua bán trái phép hóa đơn điện tử và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Các đối tượng thông qua mạng xã hội mua trái phép hóa đơn của 228 công ty có người đại diện theo pháp luật và sử dụng giấy tờ giả, địa chỉ ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Sau đó, thiết lập mạng lưới các đối tượng trung gian để khai thác trang thông tin điện tử các DN Việt Nam, tìm kiếm để bán hóa đơn giá trị gia tăng điện tử cho rất nhiều đơn vị, DN trong cả nước với doanh số đặc biệt lớn, khoảng trên 25 nghìn tỷ đồng.

Xử lý kịp thời trường hợp vi phạm pháp luật về thuế

Trao đổi với Báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Đặng Thị Vân Thịnh (Văn phòng Luật sư Kết Nối) cho biết, hành vi mua bán hóa đơn trái phép là hành vi vi phạm đã tồn tại từ rất lâu, tuy nhiên, thủ đoạn ngày càng tinh vi, hoạt động có tổ chức, liên quan đến nhiều đối tượng, DN.

Nhiều đơn vị, DN sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng điện tử làm phương thức thanh toán, quyết toán trên tất cả các lĩnh vực, nhất là quyết toán thuế và quyết toán các khoản chi.

Do vậy, nhu cầu sử dụng hóa đơn điện tử càng lớn sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp khiến tội phạm luôn tìm cách lợi dụng để tổ chức hành vi mua bán hóa đơn điện tử trái phép.

Bên cạnh đó công tác quản lý hóa đơn điện tử phức tạp hơn môi trường quản lý hóa đơn giấy khi các cơ quan chức năng chưa đồng bộ trong quản lý khiến các đối tượng lợi dụng để mua bán hóa đơn trái phép.

Tùy vào tính chất và mức độ vi phạm của hành vi mua bán hóa đơn trái phép mà người vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, với số lượng thu lợi bất chính lên tới hàng nghìn tỷ đồng thì cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 203 Bộ luật Hình sự về tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước.

Trong đó, cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tù lên đến 5 năm và đối với pháp nhân thương mại thì có thể bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 1 - 3 năm hoặc cấm huy động vốn từ 1 - 3 năm.

Trong khi đó, theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Đoàn Luật sư Hà Nội), nhiều vụ án đã đưa ra xét xử nhưng nhiều DN vẫn bất chấp pháp luật để thu lợi bất chính.

Để có thể ngăn chặn tình trạng này, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuế một cách đồng bộ, toàn diện; tăng cường kiểm tra sau cấp phép, rà soát việc kê khai thuế đối với DN mới thành lập, DN; ngành thuế và các cơ quan chức năng tiếp tục phối hợp chặt chẽ để nắm bắt, xử lý kịp thời trường hợp vi phạm pháp luật về thuế…

Tác giả: Thái San

Nguồn tin: kinhtedothi.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP