Nhằm đẩy mạnh phát triển xuất khẩu hàng hóa, thời gian qua tỉnh Quảng Bình đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình để định hướng và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu phát triển.
Với mục tiêu, xuất nhập khẩu bền vững với cơ cấu cân đối, hài hòa; phát huy lợi thế cạnh tranh,lợi thế so sánh, phát triển các sản phẩm có uy tín chất lượng của Quảng Bình, tiếp cận và mở rộng các thị trường, lĩnh vực mới, có tiềm năng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 của tỉnh Quảng Bình.
Trong đó, yêu cầu duy trì tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu ổn định, tập trung đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp các sản phẩm chủ lực và các sản phẩm có lợi thế của Quảng Bình, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy các ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ ngày càng phát triển. Phấn đấu đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh năm 2024 đạt khoảng 400 triệu USD, tăng 8,1 % so với năm 2023, trong đó xuất khẩu đạt 220 triệu USD, nhập khẩu đạt 180 triệu USD.
Các mặt hàng được lựa chọn để mở rộng quy mô xuất khẩu là: Thủy hải sản, tinh bột sắn, các loại hạt đậu đỗ, sản phẩm gỗ; sản phẩm may mặc, phân bón, xi măng, khoáng sản...; chú trọng nâng cao chất lượng và đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng, hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường truyền thống, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới có tiềm năng cho các sản phẩm hàng hóa của tỉnh Quảng Bình.
Để phát huy hết vai trò là đơn vị đầu mối, ông Phan Hoài Nam- Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Bình cho hay, Sở đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phòng ban, đơn vị thuộc sở, phát huy vai trò chủ động, tích cực của các chủ thể được giao nhiệm vụ thực hiện; tăng cường sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả giữa Sở Công Thương với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan để huy động sức mạnh tổng hợp thực hiện có hiệu quả các nội dung kế hoạch; chú trọng lồng ghép, kết hợp với các chương trình, đề án được Bộ Công Thương và UBND tỉnh phê duyệt để sử dụng nguồn lực tiết kiệm, có hiệu quả.
Theo đại diện Sở Công Thương Quảng Bình, các nhiệm vụ được đặt ra để phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu bao gồm: Tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách phát triển sản xuất công nghiệp theo hướng chế biến sâu. Thực hiện có hiệu quả quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp hướng đến cụm công nghiệp sinh thái, bền vững. Tập trung hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (chuyển đổi số, phát triển sản xuất, tìm kiếm thị trường xuất khẩu...).
Hướng dẫn, tư vấn các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đặc trưng cho các sản phẩm hàng hóa chủ lực của Quảng Bình (nông sản, thủy hải sản, tinh bột sắn, sản phẩm gỗ; sản phẩm may mặc, phân bón, xi măng, khoáng sản...). Quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử; kết nối các kênh bán hàng trực tuyến cho các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, OCOP, các sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, nhất là các FTA thế hệ mới như Hiệp định CPTPP; EVFTA; UKVFTA; RCEP,... để mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu.
Cảng Hòn La- Quảng Bình. (Ảnh: Thành Long) |
Đồng thời, Sở Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan thương vụ, các tổ chức xúc tiến thương mại, trung tâm giới thiệu sản phẩm ở nước ngoài (qua các chương trình của Bộ Công Thương) để giới thiệu, quảng bá sản phẩm hàng hóa của Quảng Bình. Hướng dẫn, tư vấn thông tin, thủ tục cho các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia trực tiếp vào các mạng lưới phân phối hàng hóa tại thị trường quốc tế.
Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, thường xuyên cập nhật và xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường xuất nhập khẩu, cơ sở dữ liệu về hội chợ triển lãm, kết nối giao thương trong nước và quốc tế để cung cấp thông tin kịp thời cho các doanh nghiệp; giúp doanh nghiệp trong tỉnh tham gia kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên các Sàn giao dịch thương mại điện tử có uy tín trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, sẽ tổ chức các chương trình, đề án về xúc tiến xuất khẩu phù hợp với nhu cầu phát triển thị trường của từng ngành hàng có tiềm năng, lợi thế của tỉnh trên từng khu vực thị trường cụ thể để tư vấn hỗ trợ các doanh nghiệp của Quảng Bình triển khai có hiệu quả các hoạt động trao đổi giao thương hàng hóa ở các thị trường truyền thống, tiếp cận kết nối thị trường mới.
Hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý Nhà nước trong tổ chức hoạt động xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi cho trao đổi giao thương mua bán hàng hóa, chống gian lận thương mại và hướng tới thương mại công bằng. Tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các chính sách về phòng vệ thương mại trong các Hiệp định thương mai tự do mà Việt Nam là thành viên.
Tác giả: Thành Long
Nguồn tin: congthuong.vn