Nếu như trước đây hầu hết công ty viễn thông hàng đầu trên thế giới đều cho rằng 2020 mới là thời điểm bắt đầu triển khai 5G thì với bước phát triển mới, giới công nghệ tin rằng, ngay trong năm 2019, công nghệ này sẽ được thương mại hoá ở một số quốc gia.
Chia sẻ với báo giới bên lề lễ kỷ niệm 20 năm Internet Việt Nam do Hiệp hội Internet Việt Nam tổ chức hôm nay (22/11) tại Hà Nội, ông Thiều Phương Nam - Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia, cho rằng: “Internet tại Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc trong suốt 20 năm qua. Internet cũng đang dần chuyển dịch qua xu hướng ngày càng phát triển là Internet di động".
Theo ông Nam, mạng di động 4G, và sắp tới 5G sẽ là nền tảng quan trọng để triển khai, thực hiện nền kinh tế số, hay còn gọi là nền cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mà chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy trong thời gian qua.
“Nền kinh tế số cần phải đẩy mạnh về hạ tầng đám mây (cloud), như robot, trí tuệ nhân tạo. Lúc này cần có hạ tầng viễn thông di động. Hiện tại 4G có nhiệm vụ quan trọng đem vạn vật tới mọi người và sắp tới đó là trọng trách của mạng 5G”, ông Thiều Phương Nam nhấn mạnh. “Mặc dù Việt Nam mới triển khai mạng 4G nhưng không còn quá sớm để nhắc đến 5G bởi mạng di động thế hệ thứ 5 này sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế thế giới. Dự báo đến 2035, 5G sẽ tạo ra đông lực phát triển kinh tế mới với 12 nghìn tỷ USD do công nghệ 5G tạo ra việc làm, dịch vụ, giá trị mới”.
ông Thiều Phương Nam - Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia, cho rằng ô tô là ngành sẽ mang lại doanh thu lớn cho các nhà mạng di động. |
Ông Nam cũng cho rằng để triển khai được 5G thì cần có nền 4G vững mạnh. 4G phải có độ phủ tốt, chất lượng tốt, công nghệ mới nhất. Khi hạ tầng này hoàn thiện thì mới lên được 5G.
Hiện 4G đang phát triển rất mạnh trên thế giới, đạt tốc độ tương đương với cáp quang. Đã có 39 nhà mạng trên thế giới, trong đó có 3 nhà mạng lớn của Mỹ triển khai công nghệ 4G Gigabit LTE.
“5G có sự khác biệt lớn so với 3G hoặc 4G. Nếu những công nghệ trước đây kết nối chỉ xoay quanh di động, smartphone thì nhưng 5G là IoT (internet of things), cho phép hàng chục tỉ thiết bị thông minh cùng nhau kết nối. Hiện nay IoT là xu hướng không quốc gia nào có thể đứng ngoài”, ông Nam khẳng định. Theo thống kê của Qualcomm, năm 2016, chỉ riêng lĩnh vực IoT (ngoài smartphone), doanh số của Qualcomm đã đạt 2 tỉ USD. Nguồn thu từ mảng IoT rất lớn và sẽ còn phát triển bùng nổ trong thời gian tới.
Đại diện Qualcomm cũng cho rằng, mạng di động 5G sẽ thay đổi rất nhiều ngành công nghiệp, như xe hơi, máy tính, IoT, thiết bị mạng. Tuy nhiên, sư thay đổi lớn nhất và mạnh nhất đó là ngành xe hơi. Ông Nam khẳng định trong thời gian rất ngắn tới, ngành xe hơi sẽ phát triển nhanh tương đương với sự phát triển 100 năm của ngành này. “Đó chính là mảnh đất màu mỡ cho các nhà mạng”, đại diện Qualcomm lý giải. “Khái niệm ô tô hiện nay rất khác, đó chính là là ô tô kết nối, đó là những chiếc xe hơi có thể kết nối Internet, có thể điều khiển từ xa, có thể giúp chủ nhân giải trí qua mạng Internet. Thế hệ ô tô này sẽ tiêu thụ lượng dữ liệu bằng 70 chiếc smartphone. Đây chính là nguồn thu rất lớn của các nhà mạng trong vài năm tới”.
Trong khi đó, đối với thị tường máy tính, ông Nam cũng cho rằng, sẽ có sự chuyển biến rất lớn ở thị trường này khi Qualcomm và Microsoft đã bắt tay để đưa ra thị trường máy tính xách tay thương mại chạy nguyên bản hệ điều hành Windows 10 và sử dụng chip Snadragon. Sự khác biệt của laptop này là có thời lượng pin tốt, chạy video lên tới 30 tiếng, kết nối 4G, sắp tới là 5G như một chiếc smartphone. Hiện tại các hãng Asus, Lenovo, HP đã ra mắt các sản phẩm thương mại và sớm bán ra thị trường.
Qualcomm cũng là hãng đầu tiên đưa chip 5G vào smartphone. Hãng này cho biết đang làm việc chặt chẽ với các nhà sản xuất smartphone để nửa đầu năm 2019 có thể ra mắt smartphone chạy mạng 5G.
Trước đó, trong khuôn khổ Hội nghị Qualcomm 4G/5G Summit diễn ra tại HongKong, ông Nam cũng chia sẻ: 5G sẽ tác động lên từng lĩnh vực trong xã hội, chẳng hạn giao thông thông minh, nông nghiệp thông minh… Chính phủ Việt Nam hiện quan tâm đẩy mạnh thành phố thông minh (smartcity), từng bước giải quyết rất nhiều vấn đề mà các thành phố lớn của Việt Nam đang gặp phải: Giao thông, chính phủ điện tử, hành chính công… công nghệ sẽ giải quyết tốt vấn đề này.
Ông cũng nói, Việt Nam là nước nông nghiệp, nếu ứng dụng được công nghệ vào thì giá trị của nông nghiệp Việt Nam sẽ tăng rất nhiều, chất lượng, năng suất đều tốt hơn, tạo ra giá trị cao hơn.
Điểm mạnh của Việt Nam hiện nay, chúng ta đang trở thành trung tâm nghiên cứu phát triển sản xuất thiết bị di động thông minh. Việc Việt Nam tham gia nghiên cứu sản xuất thiết kế các thiết bị IoT thì đó là tiềm năng lớn.
Theo tôi, để đón đầu công nghệ thì Chính phủ cần đi trước 1 bước. Do các chính sách cần thời gian nhiều hơn, việc đầu tiên Việt Nam cần làm là chuẩn bị băng tần cho 5G. Các băng tần cũ chưa được giải phóng, các băng tần trống chưa có quy hoạch thì cần có chuẩn bị theo xu hướng chung của thế giới.
Tác giả: Khôi Linh
Nguồn tin: Báo Dân trí