Giáo dục

Treo thưởng “tiếp lửa” cho con hay chiêu khoe tiền của cha mẹ

Để tiếp thêm động lực cho con trước ngày thi, không ít phụ huynh đã treo giải thưởng cả xe máy SH và những chuyến du lịch nước ngoài trị giá ngàn đô.

Họ xem đó là phần thưởng xứng đáng cho sự nỗ lực của con cái sau một kỳ thi căng thẳng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tâm lý, cách trao thưởng như vậy sẽ hướng các em đến lối sống ích kỷ, nhỏ nhen, làm việc gì cũng kèm theo điều kiện. Việc treo thưởng để đạt điểm cao này chẳng khác gì việc “đổi chác”.
Treo thưởng xe SH, du lịch nước ngoài

Hiện nay, nhiều gia đình có điều kiện hễ cứ thấy con đạt được thành tích lớn, nhỏ trong học tập là lập tức vung tiền ra thưởng. Trước mỗi kỳ thi, không ít ông bố bà mẹ đưa ra các phần thưởng giá trị lớn để đặt mục tiêu cho con đạt điểm cao. Thậm chí, để khoe tiền, họ sẵn sàng chi những phần quà “khủng” như xe máy xịn và những chuyến du lịch nước ngoài xa xỉ...

Đó là trường hợp gia đình anh Nguyễn Trí Tâm, ngụ đường Dương Văn Cam (quận Thủ Đức, TP.HCM). Để “tiếp lửa” cho con vào lớp 10, ngay từ đầu năm học lớp 9, vợ chồng anh Tâm hứa nếu con đỗ vào trường chuyên sẽ mua hẳn cho một cái xe máy SH mode trị giá 70 triệu đồng để con đi lại.

Anh Tâm chia sẻ: “Để tạo động lực cho con, gia đình tôi thường treo thưởng trước mỗi cuộc thi quan trọng. Khi cháu học tiểu học, tôi đã thưởng cho con đồ chơi, lên cấp hai là điện thoại, máy tính bảng, máy tính xách tay. Giờ lên cấp ba rồi, phần thưởng phải lớn hơn. Nếu con thi đỗ trường chuyên thì vợ chồng tôi sẽ thưởng cho cháu một chiếc xe SH”.

Theo anh Tâm, cách anh treo thưởng như vậy là động lực để con anh học tập. Qua việc này, con anh cũng ý thức được rằng nếu con cố gắng nỗ lực thì sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng. Sở dĩ anh treo thưởng xe máy cho con là vì lên cấp ba, con anh phải tự đi lại, bố mẹ sẽ hạn chế đưa đón. “Tất nhiên gia đình sẽ vẫn chở cháu đi học đến khi nào cháu đủ tuổi lái xe thì mới giao chìa khóa cho cháu”, anh Tâm nói. Nắm được tâm lý thích gì, cần gì của con nên nhiều phụ huynh đã “nhanh trí” đưa ra những món quà lớn nhằm khích lệ kịp thời, đúng lúc.

phan thuong sau thi cho con

Chị Nguyễn Thu Hiền (khu đô thị Mỹ Đình I, Nam Từ Liêm, Hà Nội) có con trai chuẩn bị thi đại học cũng treo thưởng xe SH nhập khẩu nếu con đỗ đại học. Chị Hiền cho rằng: “Với lũ trẻ bây giờ, dù có rát cổ nói rằng con học tốt vì bố mẹ, vì gia đình, vì tương lai cũng chẳng ăn thua. Chính vì thế, tôi hứa sẽ tặng một món quà con thích. Điều này khiến cu cậu cố gắng, chăm chỉ học hành hơn”.

Ngoài những phần thưởng như điện thoại iPhone 6, máy tính bảng, xe máy SH, nhiều bậc cha mẹ còn sẵn sàng treo thưởng cả chuyến du lịch nước ngoài trị giá cả ngàn đô cho con nếu thi đỗ. Hai tuần trải nghiệm trại hè tại Mỹ có chi phí gần 5.000 USD (khoảng hơn 100 triệu đồng) là món quà mà vợ chồng chị Lê Minh Anh (khu đô thị Time City, Hà Nội) dành tặng cho con gái.

Chị Minh Anh cho biết, con gái chị vừa thi đạt được điểm cao ở kỳ thi chuyên Tiếng Anh lớp 10. Do đã hứa với con và nhận thấy con mình cần những trải nghiệm thực tế để phát triển các kỹ năng nghe, nói nên vợ chồng chị quyết định cho con sang Mỹ du lịch. “Con vừa hoàn thành năm học với kết quả tốt, vợ chồng tôi liền đặt vé cho con đi chơi. Hy vọng con sẽ có một mùa hè ý nghĩa, vừa học, vừa trải nghiệm. Ngoài ra tôi cũng muốn chuyến đi sẽ là động lực để con học tốt hơn, nuôi quyết tâm giành học bổng đi du học trong thời gian tới” chị Minh Anh nói. Cũng giống như gia đình chị Minh Anh, anh Vũ Văn Chính Minh (Cầu Giấy, TP.Hà Nội) cũng chi hơn 3.500 USD (hơn 70 triệu đồng) cho con trai tham dự trại hè Australia trong vòng hơn 10 ngày. Anh Minh chia sẻ: “Con tôi năm nay đạt học sinh xuất sắc, đứng thứ hai toàn khối 8. Tôi đầu tư cho cháu đi chơi để năm sau cố gắng sẽ vươn lên thứ nhất. Chắc chắn đi lần này, con sẽ cố gắng, chăm chỉ để sang năm tới sẽ lại được đi”.
Lợi bất cập hại

Trao đổi với PV báo ĐS&PL, TS. Vũ Thị Kim Dung (khoa Công tác xã hội – ĐH Sư phạm Hà Nội) phân tích: “Phần thưởng có tác dụng kích thích, đòn bẩy để các con phấn đấu, cố gắng, nhưng treo thưởng không đúng cách sẽ phản tác dụng. Điều quan trọng là các ông bố, bà mẹ phải giáo dục con hiểu việc học tập và lao động không chỉ là nhiệm vụ mà còn là quyền lợi.

Bởi những giá trị tinh thần sẽ quyết định hình thành tâm hồn, đạo đức và nhân cách của trẻ chứ không phải vật chất. Phụ huynh treo thưởng quà bằng giá trị vật chất để các con em đạt được mục đích nào đó như được điểm cao, thi đỗ là lệch chuẩn. Như vậy, rõ ràng vì giá trị vật chất để các em phấn đấu chứ không phải xuất phát từ nhu cầu, mục đích của các em mong muốn đạt được những thành tích đó”.

Đồng quan điểm, chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn thẳng thắn: “Rõ ràng, việc phụ huynh treo thưởng những món quà xa xỉ, đắt tiền trước mỗi cuộc thi quan trọng nào đó là không nên. Về mặt tâm lý, phần thưởng đó sẽ giúp các em có động lực, cố gắng. Tuy nhiên, chúng sẽ khiến con làm không phải vì bản thân mà là làm vì phần thưởng. Đặc biệt, việc học sinh đỗ lớp 10 mà bố mẹ lại treo thưởng xe máy SH là không hợp lý bởi lứa tuổi này, các em chưa được phép lái xe máy. Phần thưởng không có tác dụng mà còn tiềm ẩn nguy hiểm đối với con”.

Nhiều chuyên gia khuyến khích các bậc phụ huynh nên tặng thưởng cho các con khi trẻ đạt được thành tích học tập tốt hoặc vượt qua một kỳ thi căng thẳng. Nhưng việc thưởng gì, thưởng như thế nào cần phải cân nhắc rất kỹ. Đối với học sinh, phần thưởng chỉ nên dừng lại ở những cuốn truyện, chuyến đi du lịch cùng cả gia đình hoặc máy vi tính để học tập. Hiện nay, nhiều bậc phụ huynh đang dựa vào điều này để khoe mẽ mình nhiều tiền, chịu chơi. Không ít phụ huynh khoe khoang rằng vừa thưởng cho con xe SH, chuyến du lịch nước ngoài lên đến cả trăm triệu đồng. Thậm chí có gia đình con đỗ đại học còn thưởng cả ô tô. Tuy nhiên, đây là cách dạy con phản giáo dục. Chắc chắn sau này đứa trẻ đó làm việc gì cũng sẽ nghĩ đến thù lao mà quên rằng việc đó là trách nhiệm của mình.

Tạo cho con cách sống ỷ lại và thiếu trách nhiệm

“Ngay từ nhỏ phụ huynh đã treo thưởng những phần thưởng nặng về vật chất sẽ khiến các con hình thành thói quen làm gì cũng phải có thưởng. Chúng sẽ nghĩ mình làm việc, học tập như một sự ban phát, làm thuê cho người khác chứ không vì chính bản thân mình. Điều đó sẽ khiến suy nghĩ, hành động của con càng trở nên ích kỷ. Đồng thời các con sẽ nhận thức không đầy đủ về trách nhiệm, bổn phận của chính bản thân mình với gia đình và xã hội. Sau này các con ra đời sẽ sống ỷ lại và thiếu trách nhiệm”, TS. Vũ Thị Kim Dung nói.

Tác giả bài viết: Thiên Vũ

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP