Làm trẻ con chỉ mong đến hè để được nghỉ, được chơi. Bằng chứng là hè năm nay, trẻ con cả nước tị với trẻ con Đà Nẵng vì có cả 3 tháng hè trọn vẹn. Trẻ con thì vẫn là trẻ con, cho dù là trẻ con của thế hệ truyền hình kỹ thuật số, điện thoại thông minh đi chăng nữa. Chúng vẫn thèm khát được “thả rông” về với những trò chơi đường phố, về với ruộng đồng, thôn xóm, cánh diều, bờ đê, hay ít ra thì cũng là lớp sinh hoạt hè nào đó rèn về thể lực, năng khiếu…
Nhưng chỉ mới đầu hè thôi mà ngày nào tin tức cũng đưa về sự thiệt mạng của những đứa trẻ, đuối nước – có nhà chết cả 3 anh em; giật điện – những cái chết tức tưởi khi đang đi chơi ở công viên; chấn thương sọ não – khi tham gia giao thông…
Vì nhiều lý do mọi thứ không còn an toàn như trước nữa. Thành phố thì tai nạn, bắt cóc, nông thôn nhiều nơi còn… nguy hiểm hơn cả thành phố. Các lớp năng khiếu hè thường chỉ dạy vài ba tiếng, tuần vài ba buổi, cha mẹ lại phải đưa đón quá tội… Thế nên, để an toàn, người lớn nghĩ ra cách bảo vệ con em mình bằng việc “bớt xén” mùa hè của lũ trẻ. Đa số các phụ huynh học sinh “tống” con vào các lớp ôn tập văn hóa hè dưới hình thức “tự nguyện”, kệ cho lũ trẻ buồn.
Mùa hè của trẻ con buồn rầu là thế, người lớn có thấy áy náy vì trách nhiệm của mình ở trong đó không? Biết rằng nếu muốn chuẩn bị cho con một mùa hè đầy đủ và trọn vẹn có thể nghỉ ngơi, vui chơi và tham gia các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao, ngoại ngữ... các bậc phụ huynh phải lên kế hoạch mùa hè cho con hết sức chu đáo.
Chính quyền địa phương cấp cơ sở (phường, xã) cũng, phải có chương trình và phân công người chịu trách nhiệm thực hiện các chương trình đó. Mà hoạt động nào cũng cần kinh phí, tiền nhà thì có hạn, tiền ngân sách cũng “khó tiêu” nên người lớn không thể xem việc tổ chức sinh hoạt hè cho trẻ em là một niềm vui.
Khắc phục thế nào thì bao nhiêu mùa hè trôi qua, câu trả lời vẫn chưa thể có ngay. Thế nên có ý kiến bình luận rằng trẻ con chết trong dịp hè vì… những cái thở dài của người lớn. Những cái thở dài của khó khăn tiền bạc, những cái thở dài của việc thiếu cơ sở vật chất, sân chơi, những cái thở dài của một môi trường xã hội chứa đựng nhiều bất trắc… Và có cả những cái thở dài vì người lớn đã trót quên mất mình từng là trẻ con, để giờ đây quay chất vấn lũ trẻ: “Sao lại cứ phải chơi, sao lại cứ phải nghỉ hè?”.
Tác giả bài viết: Minh Minh