Trâu, bò lớn ra đồng phải đóng tiền "phí đồng" 100.000 đồng/con/năm, còn trâu nghé 50.000 đồng; hộ dân có máy cày, máy gặt muốn ra đồng sản xuất phải nộp phí bảo trì đường bộ 300.000 đồng - 500.000 đồng/máy... Nếu không đóng sẽ không được thả trâu, bò ra đồng và sử dụng các loại máy gặt, máy cày. Ngoài thu phí đồng cỏ, còn thu phí đồng ruộng cho gà, vịt.
Đây là sự việc đang diễn ra ở xã An Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), người "có quyền lực" ép người dân phải đóng những khoản vô lý này là Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Thống Nhất và HTX dịch vụ Hoành Vinh.
Vấn đề càng khiến dư luận bức xúc hơn chính là dù nhiều nông dân phản đối, HTX vẫn làm đủ cách để ép họ phải đóng; nông dân nghèo xin hạ mức đóng "phí" đồng cỏ cũng không được chấp nhận, bị HTX xua đuổi trâu thả đồng nếu không có tiền đóng.
"Câu chuyện trên khiến tôi nhớ đến chuyện những câu chuyện trước đây, như thả vịt ra đồng ăn mót lúa rơi cũng phải đóng phí ở xã Ân Phong, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định; người nuôi bò buộc phải đóng "phí đồng cỏ" 100.000 đồng/con/năm ở xã Thiệu Dương, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa... Những loại phí vô lý như thế có thể đã và đang tồn tại ở nhiều địa phương khác nữa. HTX thôi mà quyền lực đến thế sao, muốn quy định phí gì cũng được sao? Chức năng của HTX là gì nếu không phải là đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên, sao lại nỡ "đè" xã viên ra mà tận thu như thế?"- bạn đọc Thành Nam bức xúc.
Bạn đọc Tony Hien Nguyen thì cho rằng: "Không thể chấp nhận được việc sống trong một đất nước có pháp luật nhưng HTX dịch vụ Hoàng Vinh, HTX dịch vụ nông nghiệp Thống Nhất tự cho mình quyền đứng ngoài vòng pháp luật để thu phí không có quy định nào của luật pháp Việt Nam".
Nhiều bạn đọc (Sơn Nguyễn, Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Phạm Hùng, Huỳnh Yên…) tỏ ra hoài nghi khi cái quy định "phí trên trời" này xảy ra trên địa bàn, người dân bức xúc kéo dài nhưng chủ tịch UBND xã An Ninh lại trả lời những khoản phí "lạ" trên do các HTX tự ý thu phí nên UBND xã không nắm bắt được.
"Chuyện diễn ra giữa ban ngày mà nói không biết, không nắm. Tại sao chuyện gì xảy ra trên địa bàn, cán bộ lãnh đạo địa phương cứ thường trực câu trả lời không biết. Cứ nói không biết là không có lỗi, không bị xử lý sao? Quản lý địa bàn mà cái gì cũng không biết thì quản lý làm gì, quá nguy hiểm. Cán bộ xã là cấp quản lý hành chính nhà nước thấp nhất nhưng cực kỳ quan trọng đối với công tác quản trị xã hội, vậy mà hễ có chuyện xảy ra, báo chí vào cuộc thì mới nói sẽ tìm hiểu. Hoặc là thiếu năng lực hoặc là quá quan liêu. Nên nhớ, cán bộ xã cũng do người dân đóng thuế mà nuôi"- bạn đọc Trà My nêu ý kiến.
Bạn đọc motngaymottran thì đề nghị: "Quan chức cấp xã cần phải đào tạo bài bản hoặc quy hoạch lại chính quy chứ không thể làm việc theo kiểu ầu ơ, thiếu trách nhiệm, thiếu năng lực như thế...".
"Cán bộ xã, phường là người đại diện cho chính quyền địa phương. Muốn gầy dựng được lòng tin của người dân vào chế độ, chính sách pháp luật Nhà nước…phải bắt đầu từ cấp trực tiếp nhất này"- bạn đọc Minh Hoàng lưu ý.
Tác giả: Hiếu Minh
Nguồn tin: Báo Người lao động