Học sinh tranh thủ ăn lót dạ trước khi vào lớp học thêm ở một trung tâm bồi dưỡng văn hóa tại TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Cách đây hai tháng, Sở GD-ĐT TP.HCM chỉ đạo cấm dạy thêm, học thêm trong nhà trường, giáo viên chỉ được phép dạy ở các trung tâm ngoại ngữ, bồi dưỡng văn hóa bên ngoài do người khác đứng ra tổ chức.
Tuy vậy, mới đây thông báo kết luận của thường trực Thành ủy TP.HCM về công tác quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn TP lại cho phép việc dạy thêm, học thêm được tổ chức trong nhà trường trên cơ sở tự nguyện của học sinh.
Danh sách các lớp học thêm và nội dung, chương trình giảng dạy do hiệu trưởng quyết định. Nhà trường phải khảo sát, phân chia lớp học theo cấp độ học lực, trình độ của học sinh, đồng thời tạo điều kiện để học sinh được lựa chọn giáo viên, phân bổ hợp lý thời gian dạy thêm, học thêm.
Không tổ chức dạy thêm, học thêm đối với học sinh học hai buổi/ngày và đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao và rèn luyện kỹ năng thực hành xã hội.
“Tự nguyện” hay “bị gợi ý”?
Nhiều người bày tỏ sự hồ nghi trong việc học sinh được tự nguyện học thêm: khi bị “gợi ý” học thêm, có học sinh nào dám không “tự nguyện”?
“Tôi không rõ sự “tự nguyện” của học sinh ở đây là như thế nào? “Tự nguyện” kiểu gì ở đây, đối tượng là học sinh hay chính là phụ huynh các em? Nếu giáo viên gợi ý với phụ huynh thì lúc đó học sinh phải “tự nguyện” là cái chắc” - bạn đọc Vỹ Thanh nói.
Nếu để học sinh “tự nguyện” như thế này thì chắc chắn không thể giải quyết dứt điểm tình trạng dạy thêm học thêm tiêu cực, học sinh không “tự nguyện” học thêm với thầy cô giáo lại bị đối xử không công bằng, bị cho điềm thấp, phụ huynh lại bị “nói này nói kia”.
PGS.TS Đoàn Lê Giang (Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM) nhận định việc cho phép dạy thêm trong trường nếu học sinh tự nguyện là một tín hiệu tích cực.
Đồng tình, thầy Trần Văn Quang, cựu giáo viên Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, gọi đây là “tín hiệu mừng” khi thực tế cho thấy việc dạy thêm-học thêm là nhu cầu từ nhiều phía.
Vấn đề còn lại sau tín hiệu tích cực này chính là cách làm, làm thế nào để phát huy được mặt tích cực và hạn chế những tiêu cực trong vấn đề dạy thêm-học thêm trong nhà trường?
Tuy nhiên, trao đổi với TTO, một giáo viên cấp III bày tỏ sự nghi ngại khi để học sinh tự nguyện chọn giáo viên để học thêm. Trường hợp giáo viên được nhiều trò yêu thích, được chọn quá nhiều, giáo viên khác lại không có ai chọn thì phải giải quyết như thế nào?
Thầy Trần Văn Quang cho rằng để hạn chế những tiêu cực và bất cập xảy ra, nên để học sinh tự lựa chọn giáo viên và có quyền khiếu nại trong trường hợp cần thiết. Ngoài ra, với những học sinh không có nhu cầu học thêm thì không được ép bằng bất cứ hình thức nào.
“Việc cho phép dạy thêm trong trường nếu học sinh tự nguyện sẽ giải quyết được vấn đề về nhu cầu học và hạn chế được tiêu cực việc thầy cô dạy trên lớp ép học trò phải đi học thêm để được điểm cao. Trong trường thầy cô nào giỏi, có phương pháp giảng dạy tốt, dạy hay, hiệu quả thì sẽ được học trò lựa chọn nhiều hơn”, PGS.TS Đoàn Lê Giang nói.
Ngoài ra, theo thầy Trần Văn Quang, việc để học sinh lựa chọn giáo viên còn là cách để người giáo viên phải ý thức nâng cao khả năng giảng dạy, trình độ chuyên môn của mình.
Bên cạnh đó, để hạn chế tối đa việc giáo viên có ý định “ép” học trò học thêm để biết trước đề kiểm tra hoặc nhận điểm cao hơn, thầy Trần Văn Quang cho rằng các bài kiểm tra nên có sự đồng nhất trong tổ bộ môn, không nên riêng lẻ theo từng lớp, từng giáo viên ra đề.
Coi chừng chỉ giải quyết phần ngọn
Các chuyên gia cho rằng học thêm là một nhu cầu có thật từ nhiều phía và việc cấm hay hạn chế dạy thêm, cho phép dạy thêm ở một số điểm cố định cũng chỉ là những giải pháp giải quyết phần ngọn của vấn đề dạy thêm-học thêm hiện nay.
“Có những trường ĐH đòi hỏi thí sinh thi phải 8,9 điểm trở lên mới có cơ hội vào, nếu chỉ học trong chương trình chính khóa thì khó lòng cạnh tranh. Các nước, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… cũng không thể bỏ học thêm. Chúng ta không thể so với các nước tiên tiến được bởi nền giáo dục của họ phân luồng tốt và đảm bảo có việc làm cho mọi người”, PGS.TS Đoàn Lê Giang chia sẻ.
Thầy Trần Văn Quang nêu ý kiến nếu giải quyết được các vấn đề lớn về chương trình học, thu nhập của giáo viên và cách thi cử thì việc dạy thêm-học thêm sẽ tự giảm dần, không cần phải có những biện pháp giải quyết từ ngọn như hiện nay.
" Nếu chương trình học gọn gàng hơn, để học sinh không học thêm cũng có thể thi đậu thì chắc chắn lượng học sinh học thêm sẽ giảm đi rất nhiều. Nếu lương giáo viên tăng lên, đảm bảo cuộc sống thì nhu cầu dạy thêm vì lý do kinh tế của giáo viên cũng bị triệu tiêu”, thầy Quang phân tích cụ thể.
TS Ngô Thị Tuyên, phó giám đốc thứ nhất Trung tâm Công nghệ giáo dục (Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam), nói không thể chỉ thuần túy mang việc dạy thêm-học thêm ra để quản lý. Việc này liên quan đến sách giáo khoa, chương trình học, cơ chế học và thi… Nếu chỉ có biện pháp ở vấn đề dạy thêm-học thêm thì rất dễ gây ra những sự phản kháng trong xã hội.
Tác giả bài viết: VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN