Kinh tế

Tràn lan đường cát nhập lậu

Mức phạt tăng gấp đôi so với năm 2015 nhưng các đối tượng buôn lậu sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để nhập đường cát

Hai tuần nay, giá đường cát liên tục biến động, giá bán lẻ tại các cửa hàng tạp hóa, sạp chợ trên địa bàn TP HCM ở mức 19.000-20.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg so với tháng trước. Đường Thái Lan nhập lậu cũng đang khan hàng, tăng từ 17.000-18.000 đồng lên 19.000 đồng/kg.

Phạt nặng vẫn không ăn thua

Khác với đường bày bán số lượng lớn ở chợ Bình Điền, Bình Tây và một số cửa hàng quanh chợ này có màu trắng ngà, vàng nhạt hay vàng đậm, hạt to do nhà máy trong nước sản xuất, đa số cửa hàng tạp hóa tại TP HCM bán đường trắng mịn, hạt nhỏ, khô, cân sẵn thành từng bịch 500 g.

Xe tải chở đường cát Thái Lan nhập lậu bị lực lượng quản lý thị trường TP HCM bắt giữ Ảnh: Ngọc Ánh

Chủ một tiệm tạp hóa ở gần chợ Nhị Thiên Đường (quận 8) khẳng định đây là đường nhập lậu từ Thái Lan. “Đường trong nước vừa mắc vừa đen và ướt nên khách không chuộng. Vì đường Thái bán chạy hơn nên ai cũng lấy về bán dù biết nếu bị bắt sẽ phải nộp phạt hàng chục triệu đồng” - tiểu thương này nói. Giám đốc một doanh nghiệp (DN) phân phối đường tại TP HCM cũng nhìn nhận hầu hết người tiêu dùng khu vực phía Nam chê đường nội, chuộng đường Thái Lan. Giá rẻ nhưng chất lượng tốt hơn là lý do chính dẫn đến đường Thái Lan nhập lậu đang được kinh doanh, mua bán tràn lan.

Đó cũng là lý do mà theo Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP HCM, tình hình đường cát Thái Lan, Campuchia nhập lậu từ các tỉnh biên giới Tây Nam về TP HCM diễn biến rất phức tạp. Thời gian qua, nhờ tăng cường nắm tình hình, kiểm tra, xử lý vi phạm nên lực lượng chức năng ngăn chặn hàng loạt vụ buôn lậu đường.

Điển hình, ngày 31-8, 4 đội QLTT (các đội 2A, 5B, 6B, Bình Tân) phối hợp với Cục Cảnh sát Chống buôn lậu (C74) - Bộ Công an kiểm tra 4 điểm kinh doanh đường cát, tạm giữ hơn 60 tấn đường cát Thái Lan không có hóa đơn, chứng từ. Tính từ đầu năm đến nay, lực lượng QLTT TP đã kiểm tra, xử lý 36 vụ việc liên quan đến mặt hàng đường cát, trong đó tang vật là đường cát nhập lậu trên 136 tấn với tổng số tiền phạt gần 400 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Bách, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP HCM, từ ngày 5-1 (thời điểm Nghị định 124/2015/NĐ-CP có hiệu lực), mức phạt đối với hành vi kinh doanh đường cát nhập lậu tăng gấp đôi so với trước đó. Cụ thể, nếu trị giá hàng lậu trên 100 triệu đồng sẽ bị xử phạt hành chính 90 triệu đồng đối với cá nhân, 180 triệu đồng đối với tổ chức. Ngoài phạt tiền, nếu có dấu hiệu buôn lậu sẽ bị chuyển cơ quan công an để điều tra. Ông Bách cho rằng mức phạt như vậy không hề nhẹ nhưng các đối tượng buôn lậu sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để tuồn hàng về.

Ai hưởng lợi?

Theo các chuyên gia ngành mía đường, chuyện đường lậu bị siết chặt vẫn len lỏi trên thị trường đã kéo dài nhiều năm nhưng chưa giải quyết được. Căn cơ của vấn đề này là ngành mía đường đã được nhà nước bảo hộ quá lâu, khả năng cạnh tranh yếu. Hệ quả của việc bảo hộ này là chỉ làm giàu cho một nhóm DN chứ không mang lại lợi ích thiết thực cho nền kinh tế và người tiêu dùng.

Thực tế, ngành đường vẫn đang được bảo hộ với thuế nhập khẩu 80%-100% (thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 20%-25%) và giá đường trong nước luôn cao hơn đường nhập khẩu 20%. Do chênh lệch giá bán lên đến 20% như vậy, đường nhập lậu lại bắt mắt hơn nên lâu nay, đường lậu vẫn ồ ạt chảy qua biên giới Việt Nam khoảng 400.000-500.000 tấn/năm. Đường lậu rẻ hơn, chất lượng tốt hơn nên đương nhiên được ưa chuộng hơn, dễ bán hơn.

Trong khi đó, giá đường tăng ngay thời điểm các DN bước vào vụ sản xuất hàng Tết, trong bối cảnh giá xăng dầu và nhiều mặt hàng nguyên phụ liệu khác đang tăng tác động không nhỏ đến giá thành sản xuất của DN. Cùng với đó xuất hiện tình trạng găm hàng, làm giá, thao túng thị trường. Ông Nguyễn Quốc Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Bibica, cho biết mặc dù Bibica là khách hàng lớn, có nhiều nguồn mua đường nhưng hồi tháng 5 vừa rồi cũng bị tình trạng nhà cung cấp chậm giao đường.

“Những ai quan tâm mặt hàng đường đều biết nguồn cung đường trong nước lâu nay luôn bị một số DN phân phối thao túng. Hầu như không thể mua được đường tại nhà máy với giá tốt bằng mua qua nhà phân phối” - ông Nguyễn Quốc Hoàng nêu.

Cũng cho rằng hiện tượng giá đường trong nước biến động liên tục trong năm nay xuất phát từ việc hệ thống thương mại găm hàng làm giá, Hiệp hội Mía đường Việt Nam mới đây có văn bản gửi các thành viên yêu cầu “không tạo tâm lý khan hiếm hàng, đột biến về giá, góp phần ổn định thị trường” nhằm bảo đảm ổn định sản xuất, lợi ích giữa người sản xuất (nông dân, nhà máy đường) và người tiêu dùng.

Đủ chiêu đối phó

Theo ông Nguyễn Văn Bách, các đối tượng buôn lậu đường cát thường đối phó lực lượng chức năng bằng cách vận chuyển số lượng lớn đường cát trong các xe tải đến TP HCM vào đêm khuya. Xe chạy vào các bãi xe ở các quận, huyện vùng ven, sau đó chuyển hàng xuống các xe tải nhỏ và hàng hóa được chở đi giao ngay trong đêm. Các đối tượng còn “hợp thức hóa” đường nhập lậu bằng việc tháo bao bì nhãn gốc của hàng hóa, sau đó bỏ vào các bao bì giấy hoặc các bao bì có nhãn của những công ty sản xuất đường trong nước.

Tác giả bài viết: Đông Nghi - Ngọc Ánh

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP