Bạn cần biết

Trà atisô: tác dụng phụ và chống chỉ định

Từ lâu trà atisô đã được nhiều người ưa chuộng nhờ vị ngon và các công dụng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, trước khi sử dụng, cần xác định những đối tượng không nên dùng trà atisô để tránh khỏi những tác dụng phụ không mong muốn.

Lạm dụng trà atisô có thể gây suy thận, hại gan.

Bảng thông tin dinh dưỡng

Bảng sau đây cho thấy thành phần dinh dưỡng của 100 g atisô nấu chín:

Ai không nên sử dụng trà atisô?

Ai không nên sử dụng trà atisô là thắc mắc của nhiều người trước khi dùng trà atisô để nâng cao sức khỏe. Dưới đây là một số đối tượng không nên uống atisô:

Người có vấn đề về gan, về túi mật: atisô không nên được tiêu thụ bởi những người có vấn đề về túi mật, viêm gan hoặc ung thư gan mà không có lời khuyên của bác sĩ. Đối với người bị tắc nghẽn ống mật cần thận trọng vì atisô có tác dụng hỗ trợ tiết mật và co thắt túi mật đẩy mật từ gan xuống ruột để tiêu hóa thức ăn. Do atisô làm tăng lưu lượng mật, có thể làm tình trạng tắc nghẽn ống mật và sỏi mật trở lên trầm trọng hơn.

Người đang dùng thuốc chống đông máu: việc tiêu thụ loại trà này không được khuyến cáo cho những người sử dụng thuốc chống đông máu, vì atisô có thể làm giảm tác dụng của các loại thuốc này.

Phụ nữ có thai và trẻ em dưới 12 tuổi: atisô không nên được tiêu thụ bởi phụ nữ mang thai hoặc cho con bú và trẻ em dưới 12 tuổi. Mục đích là nhằm tránh các tác dụng phụ không đáng có.

Người có cơ địa tỳ vị hư hàn, ăn uống khó tiêu hoặc cơ quan tiêu hóa có tính lạnh.

Người có triệu chứng biếng ăn, mệt mỏi không nên sử dụng trà hoa atisô khô vì có chứa nhiều chất sắt.

Người bị viêm loét dạ dày – tá tràng không nên uống quá 1 lít trà atisô mỗi ngày vì nếu uống quá nhiều sẽ gây co thắt cơ trơn đường tiêu hóa, từ đó khiến người dùng bị đầy hơi, chướng bụng. Nguyên nhân của trình trạng này là do trong trà atisô có hỗ trợ tiết mật và co thắt túi mật nhằm đẩy mật từ gan xuống ruột.

Người đang gặp phải tình trạng lạnh bụng nên thận trọng với thực phẩm có tính hàn như trà hoa atisô khô.

Người đang dùng thuốc trị bệnh tiểu đường, huyết áp cao: atisô có thể giúp giảm lượng đường trong máu. Vì thế, nếu bạn dùng atisô cùng với thuốc trị đái tháo đường có thể khiến lượng đường trong máu giảm xuống quá thấp, gây hạ đường huyết.

Tương tự như vậy, những bệnh nhân đang dùng thuốc điều trị huyết áp nên thận trọng khi dùng atisô vì có thể gây hạ huyết áp quá mức, do đó bệnh nhân nên theo dõi chỉ số huyết áp chặt chẽ và thăm hỏi ý kiến bác sĩ về chế độ ăn uống khi đang dùng thuốc.

Liều lượng an toàn và tác dụng phụ khi lạm dụng trà atisô

Mặc dù, atisô đã được chứng minh có tác động chống oxy hóa, kháng khuẩn và chống viêm, đem lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, bạn nên sử dụng với một lượng vừa đủ, theo nghiên cứu khoảng 50 - 2700mg chiết xuất lá atisô hoặc không quá 1 lít nước atisô mỗi ngày, không dùng nó thay nước lọc hoàn toàn. Ngoài ra sau khi uống nửa tháng liên tục thì nên ngừng 1 tuần trước khi tiếp tục uống trà atisô.

Không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến những đối tượng không nên uống atiso mà loại trà này còn có tác hại nếu người uống lạm dụng quá nhiều.

Gây chướng bụng

Do tác dụng tiết mật, co thắt túi mật nhằm mục đích đẩy mật từ gan xuống ruột nên việc sử dụng atisô quá thường xuyên hoặc quá nhiều có thể gây co thắt toàn bộ cơ trơn đường tiêu hóa, từ đó gây ra tình trạng đầy hơi, chướng bụng.

Gây suy thận, hại gan

Bản chất của trà atisô là giải nhiệt cơ thể, lợi tiểu, an thần, khiến người dùng trở nên thoải mái, thư giãn. Tuy nhiên, trong trường hợp người dùng sử dụng quá liều lượng sẽ khiến cơ thể mất cân bằng điện giải, kém hấp thụ một số vi chất cần thiết, tăng đào thải hoạt chất, lâu ngày dẫn đến hại thận, suy thận.

Nếu sử dụng trà atisô thường xuyên sẽ gây ra tác dụng nhuận gan quá mức, làm gan tiết ra nhiều dịch trong khi nhu cầu cơ thể lại không cần đến, từ đó khiến cơ thể bị mất cân bằng và sinh ra bệnh tật. Trong một số trường hợp nguy hiểm còn gặp phải bệnh teo gan.

Gây chán ăn

Trong trà atisô có chứa nhiều sắt dẫn đến việc người uống quá nhiều trà atiso sẽ bị thiếu các khoáng tố vi lượng khác như crom, kẽm, mangan... Ngoài ra, việc lạm dụng nước trà có thể dẫn đến biếng ăn, mệt mỏi, buồn chán.

Bên cạnh lợi ích và công dụng đối với sức khỏe như thải độc, giảm tình trạng bệnh tiểu đường, giảm cholesterol... thì trà atisô cũng gây ra tác động xấu nếu bạn lạm dụng hoặc sử dụng cho những ai không nên uống atisô. Vì vậy, để đảm bảo an toàn bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc sử dụng trà atisô với liều lượng nhất định được khuyến cáo.

Tác giả: Vân Lê

Nguồn tin: phapluatxahoi.kinhtedothi.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP