Ngay sau khi kết thúc kỳ thi học kỳ, nhiều học sinh khối 9 ở quận 1, quận 3, TPHCM không khỏi bàng hoàng về mức độ khó, đánh đố của đề thi Toán. Em D.H.N là một học sinh giỏi môn Toán ở quận 1 bày tỏ, đề học kỳ của các năm trước em và các bạn có học lực tốt có thể làm bài được. Nhưng đề năm nay rõ ràng là một sự đánh đố.
“Tạch môn Toán. Phải nói Toán đã gây nên một vụ “tàn sát” học sinh. Ai mà ra đề mang tính “sát thương” cao cho học trò như vậy?”, chia sẻ của em N. nhận được sự đồng tình của nhiều học sinh và cả nhiều giáo viên trên địa bàn.
Học sinh khối 9 ở một số quận TPHCM bị "sốc" vì đề thi Toán học kỳ khó, học sinh khá giỏi cũng khó đạt được điểm trung bình (Ảnh minh họa)
Một số học sinh khác cũng bộc bạch rằng nếu không đi học thêm thì học tốt trên lớp cũng khó làm bài đạt được trên trung bình. Không ít em đã phải bật khóc sau buổi thi và nhất là khi công bố điểm thi thì các em càng hoang mang. Bảng điểm dày đặc điểm thấp, rơi rớt vài điểm số trên 7 và cực hiếm điểm 9, 10.
Học sinh và không ít phụ huynh cũng bị sốc với kết quả thi. Trong đó nhiều em lực học tốt, trước đây đạt điểm giỏi môn Toán giờ cũng chỉ đạt 3 - 4 điểm. Một phụ huynh có con học tại Trường THCS Minh Đức, quận 1 cho hay, con chị học lực tốt, điểm trên lớp môn Toán thường đạt 9, 10 nhưng kết quả thi học kỳ vừa rồi chỉ 3,5 điểm.
“Con tôi không đi học thêm nhưng nếu đề không lắt léo, đánh đố thì cháu vẫn có thể đạt điểm trung bình chứ không đến mức thế này. Tình hình này có thể ra năm tôi phải chọn thầy cho con đi học thêm”, phụ huynh này nói.
Theo chị, đề thi ra không phù hợp sẽ gây hoang mang, lo lắng cho học sinh, phụ huynh về chất lượng học tập. Học sinh sẽ bị gánh nặng thi cử và đề thi quá khó là lý do đẩy các em phải đi học học thêm khi việc học trên lớp không đáp ứng được việc thi cử ở mức trung bình.
Học sinh quen với điểm cao?
Nói về đề thi Toán gây hoang mang cho học sinh lẫn phụ huynh, lãnh đạo Phòng GD-ĐT quận 1 cho hay, đề kiểm tra học kỳ môn Toán đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng, nằm trong chương trình học, chứ không vượt quá trình độ.
Đề được lấy từ ma trận ngân hàng đề thi của nhiều trường THCS trên địa bàn, mỗi trường một cân, cân đối học lực của học sinh có đầu vào thấp và và, không chọn trường chất lượng cao. Bộ ngân hàng đề kiểm tra đã được thẩm định về chuyên môn và phổ biến rộng rãi xuống các trường để học sinh lớp 9 ôn tập, làm quen các dạng đề bài. Ngoài ra, đề đáp ứng yêu cầu đổi mới cách kiểm tra, đánh giá học sinh và chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 công lập.
Đề đảm bảo chuẩn nhưng tại sao học sinh, kể cả học sinh giỏi vẫn không làm được bài? Đại diện Phòng GD-ĐT quận 1 cho hay đó là do khả năng tự học, phân tích đề của học sinh chưa tốt. Các em bị mất bình tĩnh, rối khi gặp đề hơi lại, cách hỏi khó hơn. Ngoài ra, phụ huynh, học sinh học giỏi đã quen với điểm số cao nên dễ “sốc" khi bị điểm kiểm tra thấp.
Tuy nhiên, từ phản ánh của phụ huynh, học sinh, quận 1 sẽ xem xét lại cách ra đề, đánh giá năng lực học Toán của học sinh lớp 9 đã phù hợp chưa. Tuy nhiên, với yêu cầu cao hơn, quận sẽ tiếp tục đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá theo hướng tiếp cận dần với chuẩn quốc tế, hội nhập và không thể vì một số học sinh làm bài kiểm tra điểm thấp môn Toán mà quận 1 lại phải hạ chuẩn.
Học sinh ở quận 3 cũng gặp “sự cố” đề Toán học kỳ gây khó cho học sinh. Ông Nguyễn Văn Phước, Phó trưởng phòng GD-ĐT quận 3 chia sẻ, theo chủ trương đổi mới cách ra đề kiểm tra, đánh giá học sinh của ngành, ngoài chú trọng ra theo hướng tích hợp kiến thức, giảm lý thuyết, đề kiểm tra môn Toán cũng tăng tính ứng dụng - thực hành nhiều hơn, độ phân hóa trình độ rõ ràng.
Cách ra đề không theo ba-rem cũ nhằm hạn chế cách dạy và học theo lối mòn, học tủ, học thêm nhiều. Đề thi định dạng mới đòi hỏi học sinh phải chủ động tự học, tư duy nhiều hơn thì mới có thể làm bài tốt. Nhưng có thể còn mới mẻ, đề dài đã làm học sinh “ngợp” làm bài không được dẫn đến kết quả thấp.
Quản lý các phòng GD-ĐT ra đề khó cũng chia sẻ thêm, việc ra đề theo cách mới đòi hỏi học sinh cách học mới, chú trọng đến khả năng tự học, tự lập luận, tránh học vẹt, học tủ. Tuy nhiên, cũng yêu cầu giáo viên phải chủ động điều chỉnh cách dạy, cách đánh giá, kiểm tra trên lớp một cách phù hợp.
Còn dạy học còn nặng áp đặt nhưng đi thi đòi hỏi các em tư duy, lập luận thì sẽ tạo áp lực thi cử cho học trò. Trên lớp không đáp ứng được việc học và thi cơ bản thì đề thi đã tiếp tay ép học sinh phải học thêm - một vấn nạn đang làm nhức đầu các nhà lãnh đạo và người dân bức xúc ở TPHCM.
Tác giả bài viết: Hoài Nam
Nguồn tin: