Giáo dục

“Tốt số” nhờ cơ chế “thông thoáng” trong giáo dục?

Có những người học hành không ra gì, dưới chuẩn trung bình nhưng do “tốt số”, may mắn nên có được học hàm, học vị cao và có ví trị quan trọng trong xã hội. Một ví dụ là chuyện của bạn tôi...

Tôi có người bạn thời phổ thông sau bao năm gặp lại, thấy bạn thành đạt cả về địa vị xã hội, danh vọng lẫn tiền tài, tôi thật sự mừng cho bạn. Theo những gì tôi biết và qua lời bạn kể của bạn tôi thì thật đúng là bạn tôi thực sự “tốt số”, được “trời giúp” và cũng không thể thiếu là nhờ cơ chế “thông thoáng” trong giáo dục hiện nay.

Số là bạn tôi học hành bình thường, có thể nói là dưới mức trung bình, vì năm nào cũng có môn thi lại, học lại. Nói không quá rằng, may mắn lắm cậu ta mới tốt nghiệp phổ thông trung học. Học xong trung học, theo chân bạn bè, cậu cũng đi thi đại học. Lớp chúng tôi năm đó rất nhiều người đậu đại học, số còn lại cũng đậu một trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp nào đó hoặc đi học nghề nhưng cậu ấy thì rớt với số điểm rất thấp. Thi đi, thi lại đến 3 lần nhưng bạn tôi vẫn không đỗ bất cứ trường đại học hay cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp nào, bạn bè người thân ai cũng khuyên nên đi bộ đội hoặc ở nhà làm nông.

Theo truyền thống ở quê tôi, thanh niên nếu không thi đậu đại học sẽ xung phong đi bộ đội, nếu sức khỏe không đạt thì ở nhà làm nông với công việc đồng áng, cấy cày.Trong thời gian ở nhà và chờ đến đợt khám sức khỏe để đi bộ đội thì trường trung cấp kinh tế của tỉnh chiêu sinh lớp Kế toán trung cấp theo hệ Vừa học, vừa làm và cậu ấy làm thủ tục dự thi. Nói thi cho có chứ chẳng có ai nộp đơn mà bị rớt cả.

Sau khi có tấm bằng Kế toán trung cấp nhờ có người thân “làm to” ở một tỉnh nọ nên cậu được nhận vào làm chân kế toán hợp đồng ở một cơ quan nhà nước ở cấp huyện. Vào cơ quan, cậu tiếp tục thi đại học tại chức do Trung tâm giáo dục thường xuyên của huyện liên kết với một trường đại học danh tiếng mở ngay tại huyện. Sau 4 năm, cậu có tấm bằng đại học loại Giỏi. Là người trong cuộc, cậu ta thừa nhận là do tham gia Ban cán sự lớp, lại phụ trách mảng tiếp đón, chăm lo cho các thầy cô nên được các thầy cô ưu ái cho điểm rất cao, dù học hành chẳng được bao nhiêu kiến thức!

Với bằng đại học loại Giỏi, cậu ấy được tuyển dụng vào biên chế và được cân nhắc lên làm cấp phó ở cơ quan này ngay trong năm đó. Vài năm sau ở tỉnh lại có lớp chiêu sinh thạc sĩ và cậu ấy lại tiếp tục khăn gói lên tỉnh thi thạc sĩ và đậu. Ở một tỉnh lẻ, miền núi, việc đi học thạc sĩ là cái gì đó rất hoành tráng, tự hào, ghê gớm. Và theo đúng quy luật sau hơn 2 năm học tập, “nghiên cứu”, bạn tôi đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ. Anh trở thành một trong những thạc sĩ trẻ nhất ở tỉnh miền núi này. Với lý lịch “đỏ”, lại thuộc diện con em nhà "có máu mặt" ở tỉnh, đặc biệt là với mác thạc sĩ kinh tế, con đường sự nghiệp công danh rộng mở, thăng tiến vun vút như diều gặp gió. ...

Một người 3 lần không thi đỗ đại học, sau một thời gian ngắn lại có bằng thạc sĩ. Những người biết rõ chuyện của anh bạn tôi thì ai cũng thắc mắc, chép miệng, vừa lo lắng cho nền giáo dục nước nhà. Bởi vì, nếu tầng lớp trí thức có học hàm, học vị cao trong xã hội có những người như cậu bạn tôi thì nền giáo dục, khoa học kỹ thuật của đất nước ta trong tương lai không biết sẽ ra sao?

Tác giả bài viết: Vĩnh Linh

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP