Kinh tế

Tỏi Khánh Hòa được mùa, mất giá

Dù được mùa nhưng người trồng tỏi ở Khánh Hòa vẫn không thể phấn khởi khi giá tỏi năm nay xuống thấp hơn rất nhiều so với các năm trước.

Năng suất trung bình của vụ tỏi năm nay tăng hơn năm ngoái từ 2 – 3 tạ/ha

4 tháng kể từ ngày xuống giống, đến lúc thu hoạch đa số người dân chỉ bán để lấy lại được vốn đầu tư. Một số người khác thì chấp nhận găm hàng để chờ giá lên.

Người trồng tỏi ở Vạn Ninh, Ninh Hòa đang bước vào mùa thu hoạch. Mặc dù vụ tỏi vừa qua chịu ảnh hưởng của cơn bão số 12 nhưng nhìn chung các vựa tỏi đều ít bị thiệt hại. Ngược lại, so với năm ngoái thì năng suất và sản lượng đều tăng lên đáng kể.

Người dân xã Ninh An - một trong những địa phương có diện tích tỏi lớn đang tất bật thu hoạch. Thời gian thu tỏi thường kéo dài từ 20 ngày đến 1 tháng tùy vào sức mua của thương lái.

Ông Phùng Quang Nguyên, cán bộ nông nghiệp xã Ninh An cho biết, đến cuối năm 2017 trên địa bàn xã có khoảng 20ha canh tác tỏi tập trung ở 2 thôn Ngọc Sơn và Gia Mỹ. Mặc dù vậy, thời gian gần đây, có nhiều người nơi khác đến thuê đất trồng loại cây này nên diện tích tiếp tục tăng.

“Nhìn chung, năm trước bị ảnh hưởng của bão nhưng cây tỏi vẫn được mùa, ít có diện tích bị hư hại do sâu bệnh hay thời tiết. So với năm ngoái, sản lượng tỏi tăng vài tạ trên mỗi ha. Tuy nhiên, do năm nay giá tỏi xuống thấp nên người dân không có lời được bao nhiêu”, ông Nguyên cho biết.

Được mùa nhưng mất giá nên người dân không mừng

Vụ tỏi năm nay, gia đình anh Nguyễn Văn Thuận (thôn Ngọc Sơn, xã Ninh An) trồng trên diện tích 5 sào. Nếu như năm ngoái trên mỗi sào anh Thuận thu được khoảng trên dưới 1 tấn tỏi tươi thì năm nay năng suất đạt cao, trung bình từ 1,3 – 1,5 tấn/sào.

“Đúng là tỏi vụ này được mùa nhưng giá thấp nên cũng chẳng ăn thua. Năm ngoái giá tỏi tươi được thương lái thu mua trung bình 35.000 đồng/kg thì năm nay chỉ được 25.000 – 27.000 đồng/kg, mất gần 10 giá.

Trong khi đó, để có 1 sào tỏi từ lúc gieo trồng đến khi thu hoạch trong vòng 4 tháng thì chi phí đầu tư hết trên 20 triệu chưa kể tiền công thu hoạch nên tính ra cũng chỉ hòa vốn hoặc có lãi ít. Thấy giá tỏi thấp quá nên tôi quyết định không bán tỏi tươi mà phơi khô để chờ giá lên”, anh Thuận nói.

Đang thuê nhân công thu hoạch tỏi trên đồng ruộng, chị Nguyễn Thị Hoài Hương (xã Ninh Thọ, Ninh Hòa) cho biết, năm nay chị trồng hơn 2,5ha tỏi. Nếu thu hoạch toàn bộ diện thích này sẽ được khoảng trên 20 tấn tỏi tươi, cao hơn năm ngoái từ 2 – 3 tấn. Dù vậy, chị cũng không mấy vui mừng vì tỏi năm nay mất giá. Tính đi tính lại các chi phí thì cũng xem như hòa vốn.

“Xem như mất 4 tháng bỏ tiền ra đầu tư mà không lãi được đồng nào, bỏ tiền cũ xuống để lấy tiền mới thôi. Không biết thời gian tới đây giá tỏi có lên lại không để chúng tôi bớt khổ ,chứ cứ vậy không biết vụ sau phải tính sao.

Hơn nữa, từ trước tới nay tỏi chúng tôi trồng cũng chỉ bán cho các thương lái từ Quảng Ngãi vào, nên họ mua giá bao nhiêu thì bán với giá đó. Không có thương lái cạnh tranh nên người dân cũng không thể quyết định được giá bán”, chị Hương chia sẻ.

Bán tỏi tươi không có lãi, một số hộ phơi khô và găm hàng chờ giá lên

“Do giá tỏi lên xuống thất thường, chúng tôi cũng khuyến cáo bà con không nên mở rộng thêm diện tích trồng bởi chi phí đầu tư SX không hề thấp. Nếu bị ảnh hưởng do sâu bệnh, thời tiết hoặc mất mùa mất giá thì mức độ thiệt hại rất lớn.

Đối với những người trồng tỏi từ trước tới giờ thì xã cũng chỉ biết giúp đỡ bằng cách phối hợp với Trạm BVTV tuyên truyền trên loa đài về các loại bệnh thường gặp cũng như các thuốc đặc trị để giảm thiểu tối đa thiệt hại”, ông Nguyên cho biết.

Tác giả: LÊ KHÁNH

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP