Cuộc sống

Tình cổ tích của anh xe lăn bán vé số

Thấy anh tốt bụng, biết thương người, dù cha mẹ phản đối, người con gái 19 tuổi xinh đẹp của đất Cần Thơ vẫn bất chấp tất cả, theo anh về làm dâu…

Tại thị xã Duyên Hải, Trà Vinh, người ta đang kể nhau nghe câu chuyện về một “mạnh thường quân”… ngồi xe lăn đi bán vé số. Đó là anh Nguyễn Hoài Thanh (31 tuổi, ngụ huyện Châu Thành, Trà Vinh). Dù vất vả mưu sinh nhưng anh Thanh vẫn gom góp quà mang đến Hội Chữ thập đỏ tặng những người bị khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn như mình.

Của ít, lòng nhiều

Ông Nguyễn Minh Quý, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thị xã Duyên Hải, nhớ lại: “Một buổi sáng tháng Chạp năm ngoái, trời mưa rỉ rả, có một anh chạy xe ba bánh tới nhà, đứng bên hiên, hồ hởi nói với tui: “Em xin được 15 phần quà, anh kiếm giùm em 10 người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn để cho nha. Còn năm phần, em giữ lại cho năm đứa bạn của em, tụi nó cũng bị tật, đi xe lăn, bán vé số”.

Nói xong, anh chạy về, hẹn 10 giờ cùng ngày sẽ chở quà đến. Ông Quý gọi điện thoại cho người thân của 10 người khuyết tật đến đợi nhận quà. Đến giờ, chưa thấy người mang quà đến, đang nóng lòng thì anh Thanh gọi điện thoại nói trời mưa lớn quá, người hứa chở giúp quà không đến được nhưng bà con ráng chờ đừng bỏ về. Lát sau, trong cơn mưa tầm tã, cũng trên chiếc xe ba bánh đó, anh Thanh chở một xe quà tới phát cho bà con. Mỗi phần quà đều có gạo, sữa, dầu ăn… Người nhận quà ai cũng bùi ngùi xúc động.

“Sau Tết gặp lại Thanh, tui hỏi ra mới biết hoàn cảnh nó khó dữ lắm. Vậy mà mới đây nó lại gọi tui, khoe đã xin được nhiều quần áo trên TP.HCM để cho người khuyết tật, ít bữa nữa nó chở đến. Tui nghe mà rớt nước mắt” - ông Quý nói.

Cả tuần nay anh Thanh chỉ có một cây quạt để sửa cho khách. Ảnh: T.VÂN

Chuyện tình cổ tích

Nghe chuyện anh Thanh tặng quà, nhiều người không rõ, đoán già đoán non “chắc có người mua vé số của anh Thanh trúng rồi cho tiền nên anh mới có tiền làm từ thiện”... Tôi tò mò tìm đến nơi anh ở. Và sự thật làm tôi không khỏi ngỡ ngàng.

Đón tôi là một cô gái trẻ khá xinh, đang ngồi trên yên sau xe đạp, bơi chân đi vì xe bị mất bàn đạp. Kể thì cũng nhanh hơn đi bộ. Em xưng là vợ anh Thanh rồi dẫn tôi vào nhà. Căn nhà trống hoác, chỉ có bốn bức tường vàng ố, nóng hầm hập như lò nung. Ngay cửa sau là bãi rác tự phát của người dân. Một cơn gió nhẹ lùa qua, mùi hôi lại nồng nặc bốc thẳng vào nhà.

Anh Thanh loay hoay cắm điện, mở cùng lúc... ba cây quạt máy chĩa vào tôi rồi giải thích: “Đây là nhà kho cũ người ta bỏ không nên cho thuê giá chỉ 300.000 đồng/tháng. Tụi tui ở đây chứ thuê nhà trọ mắc lắm, phòng nhỏ nhất giá cũng 700.000 đồng. Tụi tui ở đây hai năm rồi. Mùa nắng nóng vậy chứ đỡ cực hơn mùa mưa, vì mưa xuống nước đọng mấy ngày mới rút”.

Rồi anh kể cha mẹ anh nghèo lắm, chỉ có anh là con duy nhất. Lên năm tuổi anh bị sốt bại liệt, hai chân teo cơ, không còn đi đứng được nữa. Đã cố nhưng cha mẹ anh cũng chỉ cho anh học được hết cấp I. Lớn chút nữa, anh học nghề sửa đồ điện gia dụng rồi tự lết đi làm thuê kiếm sống.

Năm 2011, anh đăng ký chương trình ca nhạc theo yêu cầu trên Đài Truyền thanh Hậu Giang, được kết nối trực tiếp phát trên đài. Anh chia sẻ hết hoàn cảnh gia đình, tình trạng khuyết tật... và để lại số điện thoại mong được kết bạn. Lúc đó chị là con gái Cần Thơ, mới 19 tuổi. Thấy thương hoàn cảnh của anh, chị gọi điện thoại. Anh qua Cần Thơ tìm gặp chị.

Chị yêu anh vì cái tính tốt bụng, biết thương người khác. Nhà gái ra sức phản đối. Bất chấp tất cả, chị theo anh về làm dâu Trà Vinh. Bên nhà trai tổ chức một bữa cơm để cô dâu ra mắt họ hàng. Nhà gái không bằng lòng nhưng rồi cũng đến dự.

Chị tiếp lời: “Hồi mới về đây có mua được chiếc xuồng cho ảnh đi đóng đáy dưới sông. Thấy mỗi lần nước ròng chảy xiết quá, tui sợ nên kêu ảnh thôi, lên bờ đi bán vé số cho đỡ nguy hiểm”. Anh có treo bảng nhận ráp chày, sửa chày, vá càu, vá đáy, sửa quạt máy. Anh phải đến tận nhà khách nhận hàng về sửa, xong mang đến tận nhà giao. Lúc nào có hàng thì anh ở nhà sửa, còn không thì anh đi bán vé số. Chị cũng đi chở hàng thuê để kiếm thêm thu nhập. “Thường đi giao hàng tui chở con theo luôn. Mấy nay trời nắng quá nên gửi nó nhờ bà nội trông giùm. Phải đi làm kiếm tiền cho con vô học, chứ cả tuần nay ảnh chỉ sửa được một cây quạt à” - chị nhìn xa xăm, thở dài.

Tôi cắt ngang dòng suy tư của chị: “Anh và chị, ai yêu ai trước nhỉ?”. Hai người chợt nhìn nhau, ánh mắt long lanh hạnh phúc. Chị lườm yêu anh rồi cười bẽn lẽn: “Ai biết đâu nè, duyên nợ sao biết được. Khổ mấy em cũng chịu chứ không bỏ ảnh đâu”.

Sóng gió chưa yên

Đám cưới của anh chị coi như trọn vẹn nhưng sóng gió chưa lúc nào yên. Cha mẹ chị đến nay vẫn chưa chấp nhận anh, giấu hết giấy tờ tùy thân của chị nên hai người vẫn chưa làm được giấy kết hôn. Đứa con trai gần bốn tuổi của anh chị cũng chưa được làm giấy khai sinh.

“Hồi cưới xong, bên vợ nhiều lần qua bắt vợ về. Có lần bên vợ sang thăm, nói rước mẹ con về chơi vài ngày, xong giữ luôn cả hai mẹ con lại. Nhớ vợ con quá, tui làm liều sang tìm và... bị đánh, xua đuổi. Nhưng cuối cùng thì vợ cũng trốn được và đưa con cùng về. Thấy không ổn, tụi tui đưa nhau lên TP.HCM sinh sống. Trên đó đắt đỏ quá, lại đưa nhau về TP Trà Vinh. Bên vợ biết, qua đòi bắt vợ về nên tụi tui trốn xuống đây” - anh Thanh vừa cười vừa nói như mếu. Vì ngại những chuyện này nên anh chị dặn tôi không nêu tên và không chụp ảnh chị.

__________________________________

Hỏi chuyện tặng quà cho người khuyết tật, anh Thanh gãi đầu cho biết xin của người quen trên TP.HCM. “Chuyện nhỏ xíu, có gì mà kể chị. Mình đang sống trong cảnh nghèo mình hiểu, khi có quà ai cho là mừng lắm, quý lắm! Nghĩ tới những người có hoàn cảnh giống mình mà không ai cho quà thấy thương quá! Mình còn đi bán vé số được, có nhiều người đâu đi bán được như mình. Nghĩ vậy nên mình đi xin cho người ta thôi”...

Tác giả: Thanh Vân

Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP