Trao đổi với phóng viên, ông Trần Đình Dinh-Giám đốc sở Nội vụ tỉnh Quảng Bình khẳng định: Sau khi báo phản ánh, sở Nội vụ đã chủ động tiến hành làm việc với các sở, ngành, địa phương để tìm cách bố trí công việc phù hợp và tìm nguồn trả lương cho người lao động, đến nay đã tạm giải quyết được cho gần 200 trường hợp, còn 60 trường hợp đang không thể sắp xếp công việc.
Những trường hợp không thể sắp xếp chủ yếu là công chức cấp xã hoặc đang làm việc ở các phòng ban cấp huyện (huyện Quảng Ninh 6 người, Bố Trạch 8 người, Tuyên Hóa 12 người, Minh Hóa 6 người, thành phố Đồng Hới 5 người…).
Nguyên nhân khó giải quyết là do các lao động này bằng cấp không phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ như khi tuyển vào, bên cạnh đó, huyện, xã không có ngân sách để trả lương vì đang sắp xếp giảm biên chế theo quy định. Các trường hợp khác làm việc ở các sở, ban ngành cấp tỉnh hầu hết được bố trí lại công việc và trả lương do các sở, ban ngành đó tự lo liệu trang trải, tỉnh kiên quyết không dùng ngân sách của tỉnh để chi trả lương.
Như trước đó Báo CAND đã phản ánh, năm 2013, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình thông qua và ban hành Nghị quyết về chính sách sử dụng con em (CSSDCE) Quảng Bình tốt nghiệp đại học chính quy vào làm việc ở các ban, ngành, đơn vị trong tỉnh.
Ngay sau khi có nghị quyết trên, có 279 người tốt nghiệp đại học được các đơn vị trong tỉnh tuyển vào làm việc theo diện hợp đồng, và được trả lương 5 triệu đồng/người (nguồn tiền từ ngân sách tỉnh).
Tiếp đó, năm 2015, tỉnh Quảng Bình tiếp tục ra quyết định thực hiện CSSDCE Quảng Bình tốt nghiệp đại học từ 1-1-2016 với thời hạn hợp đồng tối đa 3 năm. Các em được hưởng chế độ lương theo quy định của Nhà nước. Người lao động hợp đồng đủ 4 năm được xem xét nâng lương thường xuyên như đối với công chức, viên chức.
Hầu hết lao động được tạm tuyển vào làm việc ở các cơ quan Nhà nước ở Quảng Bình đều được đánh giá có năng lực, hoàn thành tốt công việc được giao. Nhiều lao động luôn nỗ lực phấn đấu và hy vọng vào các đợt xét tuyển công chức của tỉnh Quảng Bình.
Song, mới đây Tổng Kiểm toán Nhà nước yêu cầu tỉnh Quảng Bình không được tiếp tục thực hiện chính sách hợp đồng đối với các lao động nói trên vì vi phạm các quy định trong việc sử dụng ngân sách nên tỉnh Quảng Bình quyết định chấm dứt hợp đồng với tất cả lao động nói trên từ ngày 30-6-2018.
Sau khi nhận tin chấm dứt hợp đồng, người lao động hoang mang vì hầu hết đã công tác ổn định 4-5 năm, còn dư luận địa phương cho rằng: các sở, ban ngành ở Quảng Bình không thể giải quyết cho người lao động theo kiểu “đem con bỏ chợ”, đồng thời một nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh kéo dài đến 6 năm mới phát hiện sai sót cũng cần xem lại một cách nghiêm túc, bởi đây không phải lần đầu, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình ra nghị quyết về giải quyết việc làm không phù hợp sau đó phải “chữa cháy” hợp thức hóa cho người lao động, hoặc đẩy người lao động ra khỏi cơ quan, đơn vị đang làm.
Tác giả: Sông Lam
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân