Kinh tế

Thương lái Trung Quốc thao túng thị trường thanh long tại Bình Thuận?

Ông Lương Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận vừa có công văn khẩn yêu cầu Sở Công Thương và Công an tỉnh khẩn trương chấn chỉnh tình trạng thương lái Trung Quốc thao túng thị trường thanh long. Điều này cho thấy, tình hình thao túng giá của thương lái Trung Quốc đã đến mức báo động.

Độc chiêu thâu tóm của thương lái Trung Quốc

Không phải hiện nay, thương lái Trung Quốc mới xuất hiện tại Bình Thuận. Cách đây hơn 10 năm họ đã có mặt ở Bình Thuận. Và đến nay, thị trường mua bán thanh long tại đây hầu như đã bị những thương lái này khống chế.

Thương lái Trung Quốc đang thao túng thị trường thanh long

Để nhanh chóng “hạ gục” hay biến một vựa thanh long nào đó thành “sân sau”, thương lái Trung Quốc thường áp dụng chiêu đặt hàng với số lượng lớn, liên tục trong một thời gian. Số lượng đặt hàng bao giờ cũng vượt khả năng của vựa đó dẫn đến tâm lý muốn mở rộng nhà xưởng, đầu tư mua xe để đáp ứng nhu cầu bạn hàng.

Nhưng khi chủ vựa đã “dốc hết hầu bao” vào mở rộng sản xuất thì cũng là lúc thương lái Trung Quốc dừng mua, hạ giá với hàng loạt lý do như hàng kém chất lượng, trái cây vào mùa nhiều…

Điều này khiến không ít chủ vựa điêu đứng, đóng cửa thì mắc nợ ngân hàng mà tiếp tục thì không biết bán cho ai. Khi đó, chủ vựa chỉ còn hai lựa chọn: hoặc bán vựa cho chính thương lái Trung Quốc đã đặt hàng trước đây, hoặc chấp nhận làm “vệ tinh” gom hàng.

Để qua mặt các cơ quan chức năng, thương lái Trung Quốc sau khi mua vựa vẫn để nguyên tên cũ và cũng không làm thủ tục thay đổi tên doanh nghiệp. Lúc này, thương lái Trung Quốc sẽ thuê luôn những chủ vựa trước đây tiếp tục kinh doanh ở vựa này. Một mặt để đối phó khi lực lượng chức năng kiểm tra, mặt khác là tận dụng các mối bán thanh long mà các vựa đang có.

“Cò” Hùng chia sẻ: “Thực chất, họ không khác gì người làm thuê, chân rết cho thương lái người Trung Quốc. Muốn mua thanh long ở vườn nào đó, họ phải đưa những “ông chủ” người Trung Quốc đến tận nơi xem hàng, ra giá. Bề ngoài, bảng hiệu, nhà xưởng, công nhân, xe cộ vẫn tấp nập. Nhưng thực chất họ không có một chút quyền hành nào trong định giá thanh long, cứ như kiểu “có xác mà không có hồn”.

Sau thâu tóm vựa là thao túng giá

Sau khi khống chế phần lớn các vựa thu mua thanh long tại Bình Thuận, thương lái Trung Quốc bắt đầu ép giá. Nhờ lợi thế nắm chặt đầu ra, thương lái Trung Quốc dễ dàng thao túng giá, đẩy phần thiệt thòi về phía người nông dân mà không ai làm gì được.

Thực tế này khiến người dân Bình Thuận luôn “hồi hộp” khi bán trái thanh long. Sáng sớm giá mua xa cạ 6.000 đồng/kg, nhưng chỉ đến 10h sáng là giá xuống còn 3.000 – 4.000 đồng/kg. Việc lên xuống bất thường của giá thanh long khiến người dân “ngán ngẩm”, không còn tâm lý chờ giá cao rồi bán như những năm trước.

“Với những hộ có vài trăm kg thanh long thì “cò” người Việt chủ động quyết định giá cả. Với những vườn thanh long lên đến vài tấn thì thương lái Việt dẫn đường cho thương lái Trung Quốc định giá”, anh Tú, một người dân trồng thanh long cho biết.

Không chỉ quyết định giá mà thương lái Trung Quốc còn tung nhiều chiêu để qua mặt dư luận. Từ đầu vụ chong đèn năm 2017 đến nay, giá niêm yết ở các vựa thu mua thanh long đều ở mức trên 10.000 đồng/kg với hàng xuất khẩu. Nhưng đó chỉ là bề nổi, để được mua giá hàng xuất khẩu, thương lái còn đặt ra những tiêu chuẩn “trên trời” như: 80% số trái phải đạt từ 500g/trái trở lên. Toàn bộ số trái trong vườn không được lem, không bị sâu bệnh...

“Với tiêu chí mà thương lái đưa ra thì hầu như không vườn thanh long nào đáp ứng được. Nếu không đáp ứng được thì giá hạ xuống chỉ còn 5.000 - 6.000 đồng/kg. Cá biệt vào cuối tháng 10 đầu tháng 11/2017, giá thanh long chỉ còn 3.000 - 4.000 đồng/kg” - chú Lê Văn Tuấn, một người dân trồng thanh long ở xã Hàm Chính (huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận), cho biết.

Việc thao túng thị trường thanh long Bình Thuận của thương lái Trung Quốc đã được rất nhiều cơ quan chuyên môn, báo chí cảnh báo. Thế nhưng, cảnh báo thì cảnh báo, còn ứng phó như thế nào thì cả cơ quan chức năng cũng lúng túng.

Đầu tháng 2/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt 20 triệu đồng đối với ông Wu Chao (quốc tịch Trung Quốc) về hành vi vi phạm hành chính khi người nước ngoài hành nghề hoặc có hoạt động khác tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

Tác giả: Trúc Hà

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP