Thế giới

Thượng đỉnh Mỹ - Triều: Hoan nghênh cam kết nhưng hoài nghi về kết quả

Cuộc gặp thượng đỉnh tính lịch sử giữa Mỹ và Triều Tiên đã kết thúc, được đánh giá là tín hiệu tích cực song nhiều người tỏ ra nghi ngờ về kết quả.

Cuộc gặp thượng đỉnh mang tính lịch sử giữa Mỹ và Triều Tiên đã kết thúc với hứa hẹn của Tổng thống Donald Trump rằng tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân sẽ bắt đầu sớm còn nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố thế giới sẽ chứng kiến sự thay đổi lớn.

Tuy nhiên, chính giới Mỹ và các chuyên gia nước này lại đón nhận kết quả thượng đỉnh với không ít hoài nghi khi cho rằng thỏa thuận ban đầu sẽ không có ý nghĩa gì nếu Triều Tiên không giải trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có cái bắt tay lịch sử ngày 12/6. Ảnh: AP.

Trong buổi họp báo sau hội đàm thượng đỉnh ngày 12/6 tại Singapore, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đưa ra cam kết chắc chắn về việc giải trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Hai bên cũng sẵn sàng bắt đầu một chương mới trong quan hệ song phương cũng như một giai đoạn lịch sử mới.

Các tuyên bố của Tổng thống Trump, nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho thấy một tương lai sáng sủa cho tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên cũng như quan hệ Mỹ - Triều.

Tại nước Mỹ, trong khi lên tiếng hoan nghênh về kết quả tích cực của thượng đỉnh thì nhiều nghị sỹ, chuyên gia khu vực và người dân nước này cũng bày tỏ hoài nghi về việc thực hiện nghiêm túc các cam kết mà hai bên đưa ra.

Nhìn gần văn bản của hai ông Trump - Kim. Ảnh: AFP

Lãnh đạo phe đa số đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ, ông Mitch McConnell cho biết, cuộc gặp này là bước tiến quan trọng đầu tiên trong quan hệ hai nước nhưng không phải là bước tiến quyết định nếu Triều Tiên không tuân thủ các cam kết.

Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan cũng cho rằng, chỉ có duy nhất một kết quả cuối cùng chấp nhận được, đó là phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có kiểm chứng và không thể đảo ngược. Lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện, ông Chuck Schumer cũng bày tỏ sự hoài nghi khi cho rằng khó có thể xác định bản chất cụ thể những gì đã xảy ra.

Thậm chí, nhiều ý kiến của đảng Dân chủ chỉ trích ông Trump đã từ bỏ ảnh hưởng của Mỹ trong đàm phán với Triều Tiên khi tuyên bố có thể chấm dứt tập trận quân sự với Hàn Quốc.

Chủ tịch ủy ban đối ngoại Hạ viện Ed Royce và nhiều nghị sỹ khác mặc dù bày tỏ hoài nghi nhưng vẫn hy vọng cuộc gặp thượng đỉnh lần này có thể mang lại những tiến triển tích cực trong tương lai.

Hầu hết các nghị sỹ đều khẳng định Mỹ phải tiếp tục duy trì chiến lược gây sức ép tối đa cho đến khi nào Triều Tiên thực sự thay đổi, chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân.

Giới phân tích tại Mỹ cũng đưa ra các quan điểm trái ngược nhau về kết quả thượng đỉnh. Trong khi có một số ý kiến hoan nghênh kết quả thượng định thì nhiều ý kiến khác nhận định Tổng thống Trump dường như đã nhận lại ít hơn nhiều so với những gì mà lãnh đạo Triều Tiên mang đến hội nghị.

Thậm chí, hai bên không cần phải tổ chức thượng đỉnh tại Singapore để ký kết tuyên bố chung, chủ yếu là những lời hứa hẹn, thiếu chi tiết tổ chức thực hiện.

Trong văn kiện này Triều Tiên gần như nhắc lại các tuyên bố đã đưa ra trước đó, không có nhượng bộ mới hoặc cụ thể để chứng minh Bình Nhưỡng cam kết giải trừ vũ khí hạt nhân đổi lấy đảm bảo an ninh của Mỹ.

“Tôi nghĩ rằng Tổng thống Trump đến dự thượng đỉnh với hy vọng không cao khi ông mô tả cuộc gặp này là để hiểu biết lẫn nhau. Văn kiện đưa ra sau thượng đỉnh cũng chỉ chung chung và pha trộn. Nó không thể hiện rõ nội dung giải trừ vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, đây có thể không phải là ý định của lãnh đạo hai nước, họ đang nỗ lực xây dựng khung hợp tác rộng lớn hơn. Mỹ sẽ cung cấp an ninh cho Triều Tiên và Triều Tiên cam kết giải trừ vũ khí hạt nhân hoàn toàn. Nói chung, đây là một thỏa thuận thất vọng và tôi hy vọng có thể thấy nhiều hơn trong tương lai”, chuyên gia Frank Aum, Viện Hòa bình Mỹ nhận định.

Trong khi đó, kết quả tích cực ban đầu của cuộc gặp thượng đỉnh cũng nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân Mỹ, đặc biệt là những công dân Mỹ gốc Hàn Quốc. Họ thực sự cảm thấy vui mừng trước các diễn biến tích cực trên bán đảo Triều Tiên cũng như quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên.

Cuộc gặp thượng đỉnh được đánh giá là tín hiệu tích cực cho tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân, mở đường cho việc hợp tác giữa Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên hướng tới các thành công trong tương lai, mang lại hòa bình và ổn định. Tuy nhiên, cũng có không ít người bày tỏ sự nghi ngờ về kết quả thượng đỉnh.

“Tôi nghĩ bất cứ động thái nào hướng tới hòa bình ở bất cứ đâu đều là điều tốt đẹp. Điều tôi lo ngại là liệu Tổng thống Trump có nhượng bộ quá nhiều để đổi lấy tiếng tăm hay không. Nếu ông ấy thực sự làm điều đúng đắn thì thật tuyệt vời. Tôi sẽ rất hạnh phúc nếu kết quả thượng đỉnh mang lại thỏa thuận hoặc giải pháp giải trừ vũ khí hạt nhân”, một du khách ghé thăm Đài tưởng niệm chiến tranh Triều Tiên tại thủ đô Washington cho biết.

Liên quan đến các thỏa thuận tiếp theo giữa Mỹ và Triều Tiên, ví dụ như một Hiệp ước hòa bình, sẽ phải đệ trình lên Thượng viện và để chính thức có hiệu lực thì cần được đa số 2/3 thông qua. Đây sẽ là quá trình dài và không hề dễ dàng.

Dự kiến, trong tuần tới Ngoại trưởng Mỹ Pompeo, Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton có thể sẽ gặp giới chức Triều Tiên để thảo luận chi tiết về tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân./.

Tác giả: Vũ Hợp

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP