Kinh tế

Thuật dùng người của tỷ phú Koch: Trả lương nhân viên cao hơn sếp

Theo đó người lao động tại tập đoàn Koch Industries được trả lương theo giá trị họ đóng góp, không phụ thuộc vào vị trí trong hệ thống.

Theo tỷ phú Koch, đây chính là bí quyết để ông xây dựng Koch Industries thành đế chế hùng mạnh như hiện nay.

Triết lý dùng người của tỷ phú Charles Koch

Chính sách của tập đoàn này là duy trì lương cơ bản ở mức thấp, lương chính phụ thuộc vào giá trị đóng góp của từng người. Không quan trọng bạn là ai, nếu bạn làm tăng lợi nhuận công ty, bạn sẽ được trả lương xứng đáng và trao quyền ra quyết định.

Triết lý dùng người của tỷ phú Charles Koch, Chủ tịch Tập đoàn Koch Industries, bắt nguồn từ sự tâm đắc của ông với sự kì diệu của các công cụ thị trường. Trong quá trình điều hành Koch Industries, ông đã phát triển một thuyết quản trị riêng dựa vào thị trường. Theo đó công ty được tổ chức như một thị trường nội bộ, và việc sử dụng cơ chế giá sẽ tự động tối ưu hoá hoạt động của hệ thống.

Theo tỷ phú Koch, đây chính là bí quyết để ông xây dựng Koch Industries thành đế chế hùng mạnh như hiện nay. Khi Koch tiếp quản công ty năm 1960, nó mới chỉ là một công ty nhỏ gồm 650 người với doanh thu khiêm tốn 200 triệu USD mỗi năm. Dưới sự lãnh đạo của Koch, Koch Industries chuyển mình mạnh mẽ thành công ty lớn thứ 2 của Mỹ với doanh thu hàng năm là 100 tỉ USD và sử dụng hơn 100.000 người lao động.

Lý thuyết quản trị dựa vào thị trường - MBM là niềm đam mê cháy bỏng của ông Koch. Charles Koch Institute đã đăng ký bản quyền thuyết quản trị này. Bản thân ông Koch cũng viết 2 quyển sách để truyền bá cho công chúng.

MBM đã trở thành chất keo dính kết trong một tập đoàn phát triển ngày một nhanh và rộng như Koch Industries. Cũng nhờ MBM mà ông Koch rất chú tâm vào quá trình “đào thải sáng tạo” của thị trường. Nhờ vậy, ông rất nhạy bén trong việc mua các công ty đang lên và dừng các dự án có dấu hiệu đi xuống.

Phù thuỷ giản dị vùng Kansas

Tuy sở hữu khối tài sản trị giá 40 tỉ USD, ông Koch lại vô cùng giản dị và có phong thái giống như một giáo sư Đại học. Một ngày ông làm việc 9 tiếng hoặc hơn tại công ty và ăn trưa ở căng tin như mọi ngày. Ông sống ở một trong những thành phố buồn tẻ nhất của nước Mỹ. Dường như ông thờ ơ với vạn vật xung quanh, niềm đam mê lớn chỉ là sách vở và các ý tưởng.

Tình yêu với tri thức của ông bắt nguồn từ những năm tháng dùi mài kinh sử tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) vào thập niên 1950. Tại đây, ông luôn trăn trở tại sao có những tổ chức thì phát triển rực rỡ còn đâu lại trì trệ. Ông đọc ngấu nghiến các sách của những tác giả thuộc trường phái kinh tế học Áo như Hayek, Schumpeter và Mises. Quyển sách ông chia sẻ đã thay đổi cuộc đời ông là của tác giả F.A Harper với tựa đề “Vì sao lương tăng?”

Nhờ đọc nhiều ông Koch đã tìm ra lời giải đáp cho câu hỏi của mình. Ông đặc biệt tâm đắc với ý tưởng “trật tự tự phát” của thị trường tự do. Theo đó cách tốt nhất để các hệ thống vận hành là để nó tự điều chỉnh, không cần con người can thiệp. Cơ chế giá sẽ điều phối nguồn lực đến nơi có hiệu quả nhất. Ông Koch cho rằng ý tưởng “trật tự tự phát” của các tổ chức còn người kì diệu không kém trật tự tự nhiên của vũ trụ.

Ở tuổi 81, sự học của Charles Koch vẫn không ngừng nghỉ. Giá sách trong phòng làm việc của ông vẫn ngồn ngộn sách lịch sử, tự truyện và các quyển sách về những ý tưởng lớn.

Tác giả bài viết: Quỳnh Anh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP