Tình trạng dôi dư giáo viên, thiếu giáo viên cục bộ là vấn đề được nêu ý kiến nhiều nhất trong hội nghị sơ kết học kỳ 1 năm học 2016-2017 diễn ra sáng nay, 14/1.
Biện pháp thiếu căn cơ
Theo báo cáo của Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, tình trạng dôi dư, thiếu giáo viên xảy ra ở nhiều địa phương và có ở tất cả các cấp học từ mầm non tới phổ thông.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, ông rất chia sẻ với các sở GD-ĐT về tình trạng này. Ông giải thích, trong một thời gian dài mặc dù đã có nhiều biện pháp quy hoạch, nhưng do nhiều lý do khách quan khác nhau như: biến động về dân số, di cư, các khu công nghiệp, chế xuất mọc lên, đô thị hóa… nên số lượng học sinh ở các bậc học có thay đổi.
Việc giải quyết vấn đề thừa thiếu cục bộ như thế nào đang là một câu hỏi lớn đặt ra cho ngành giáo dục. Bộ trưởng xác nhận, đã có một số địa phương sốt ruột và triển khai rất nhanh việc chuyển chỗ thừa vào chỗ thiếu. “Đây cũng là một biện pháp, nhưng không căn cơ” – ông nói.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định sẽ đưa ra chương trình bồi dưỡng bài bản, căn cơ. Ảnh: Nguyễn Thảo
Bộ trưởng Nhạ ủng hộ và hoan nghênh sáng kiến của các trường sư phạm, Cục nhà giáo… trong việc đề xuất một chương trình bồi dưỡng bài bản, căn cơ, gắn với thực tiễn cho thầy cô đang dạy trung học chuyển sang mầm non.
Hiện nay, Bộ đang giao cho các trường sư phạm xây dựng chương trình văn bằng 2, trong đó có những môn có tính liên thông, thực hành tốt để nhanh chóng triển khai trên toàn quốc, khắc phục thừa thiếu cục bộ.
Bộ trưởng khẳng định sẽ chỉ đạo thống nhất một chương trình bồi dưỡng chuyên môn trên toàn quốc dành cho các giáo viên điều chuyển, tránh tình trạng mỗi trường đưa ra một chương trình.
Ngoài ra, kế hoạch chỉnh sửa chương trình phổ thông tới đây của Bộ cũng sẽ dẫn đến rất nhiều thay đổi với các thầy cô.
“Tới đây, theo hướng chỉnh sửa chương trình, sẽ thừa giáo viên phổ thông nhưng lại thiếu giáo viên định hướng nghề nghiệp. Nếu không có dự báo từ bây giờ để các trường sư phạm vào cuộc sớm, bồi dưỡng các giáo viên định hướng nghề nghiệp thì chúng ta lại rơi vào tình trạng thừa thiếu cục bộ như hiện nay”.
Không là câu chuyện của riêng Thanh Hóa
Việc bố trí đội ngũ giáo viên thừa thiếu cũng đang là một khó khăn và bất cập của Sở GD-ĐT Thanh Hóa. Giám đốc Sở Phạm Thị Hằng cho rằng, nguyên nhân trước hết là vướng ở cơ chế quản lý.
“Nghị định 115 của Chính phủ đã nêu rõ chức năng, quyền hạn của các Sở GD-ĐT trực thuộc UBND tỉnh và chức năng, nhiệm vụ của các phòng giáo dục. Thế nhưng khi thực hiện thì rất khó cho các địa phương”.
Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa nêu bất cập của chuyện tuyển dụng giáo viên. Ảnh: Nguyễn Thảo
“Các giám đốc Sở vẫn nói đùa với nhau, hai thứ quan trọng là con người và tiền thì do Sở Nội vụ và Sở Tài chính nắm giữ. Còn về chất lượng giáo dục thì Sở GD phải chịu trách nhiệm. Cho nên tất cả vướng mắc đó rất khó khăn cho các Sở GD-ĐT”.
“Toàn bộ quyền quản lý đội ngũ cán bộ công nhân viên được giao cho chủ tịch huyện. Chỉ tiêu biên chế, thanh tra kiểm tra là của Sở Nội vụ, phân bổ tài chính là Sở Tài chính, còn Sở Giáo dục thì chỉ chỉ đạo chuyên môn” – bà Hằng nêu ý kiến.
Bà cũng cho biết, từ năm 2011 đến năm 2016 chỉ tiêu biên chế của Thanh Hóa “đóng băng”, trong khi số lượng học sinh thì biến động tăng giảm.
Nữ giám đốc cho biết, việc Sở Nội vụ làm chưa hết trách nhiệm, chủ tịch huyện hợp đồng sai quy định dẫn đến hiện tại Thanh Hóa có 5.000 giáo viên hợp đồng, thừa giáo viên THCS, thiếu giáo viên tiểu học và mầm non (trong khi Bộ Nội vụ không cho tăng chỉ tiêu biên chế). Đây là nguyên nhân dẫn đến lạm thu, do kinh phí thường xuyên hầu như dành cho các trường hợp hợp đồng.
Để giải quyết tình trạng thừa thiếu, tỉnh này cũng đang chỉ đạo rất quyết liệt việc điều chuyển giáo viên THCS xuống tiểu học và mầm non. Mới đây, các huyện lập danh sách gửi về Sở có hơn 200 giáo viên THCS xuống dạy mầm non.
Hiện tỉnh này đang giao cho ĐH Hồng Đức xây dựng chương trình, nội dung bồi dưỡng các giáo viên được điều chuyển xuống dạy tiểu học và mầm non để trình lên Sở Tài chính cấp kinh phí. Tuy nhiên, theo bà Hằng, đây cũng chỉ là giải pháp trước mắt.
Bộ trưởng Nhạ cho rằng đây không phải là vấn đề của riêng Thanh Hóa. Phân tích thêm nguyên nhân, ông cho rằng có phần lỗi từ phía ngành giáo dục địa phương, chưa đủ năng lực xây dựng quy định đảm bảo chất lượng giáo dục để kiến nghị với các bộ, ngành. Hiện tại, ông đã chỉ đạo nghiên cứu về chuẩn giáo viên để các địa phương dựa trên cơ sở đó tuyển dụng. Bộ có quyền đưa ra tiêu chuẩn về chất lượng và một khi đề nghị mà các tỉnh không chấp nhận thì Bộ trưởng sẽ có ý kiến với Thủ tướng.
Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng Nguyễn Đình Vĩnh trình bày một số mô hình mới mà thành phố này đang thực hiện trong trường học. Ảnh: Nguyễn Thảo
Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng Nguyễn Đình Vĩnh cho biết, thành phố này đã đưa một số giáo viên trung học về dạy tiểu học. Những giáo viên này sau khi được bồi dưỡng, củng cố về chuyên môn, kỹ năng và tâm lý thì đã đảm nhiệm rất tốt công việc. Tuy nhiên, điều chuyển giáo viên dạy trung học xuống dạy mầm non là bất cập và không phù hợp.
Trong câu chuyện về điều chuyển giáo viên, Giám đốc Sở Nghệ An Nguyễn Thị Kim Chi cũng đồng tình với hướng đi của Bộ là sẽ có một khung chương trình chung trên cả nước. Theo bà, việc thực hiện chương trình văn bằng 2 cho các giáo viên điều chuyển cũng rất cần thiết để đảm bảo chế độ chính sách sau này. Nghệ An đã thí điểm ở 3 huyện và trong năm 2017 sẽ mở rộng trong toàn tỉnh.
Quan tâm sâu sát tới giáo viên, tăng cường năng lực đội ngũ quản lý
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ biểu dương 63 tỉnh, thành đã tham mưu cho chính quyền tổ chức tốt kỳ thi năm 2016 và tiếp tục đổi mới năm 2017. Tuy nhiên, khâu phát hiện vấn đề của địa phương để đề nghị Bộ trưởng chỉ đạo trong thời gian tới cần phải làm tốt hơn.
Bộ trưởng Nhạ phát biểu tổng kết hội nghị. Ảnh: Nguyễn Thảo
Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo các Sở quan tâm sâu sát tới đội ngũ giáo viên. Hiện nay Bộ đang chỉ đạo xây dựng chuẩn giáo viên và quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, gắn kết các trường sư phạm với các sở thành một chuỗi.
Bộ trưởng cũng gửi lời mời các giáo sư, các thầy có kinh nghiệm chuẩn bị, phản biện để xây dựng chương trình chuẩn gắn với việc thay đổi chương trình, sách giáo khoa mới, áp dụng trên toàn quốc. Ông cũng lưu ý các trường sư phạm phải bám vào chương trình này để xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng lại.
Năm 2017, ngành giáo dục đặt trọng tâm bồi dưỡng cán bộ quản lý, trước hết là cấp giám đốc sở và phó giám đốc sở. Ngoài việc xây dựng chuẩn lãnh đạo giáo dục, trước mắt có các lớp bồi dưỡng, cung cấp thông tin, kỹ năng điều hành cho những người đứng đầu ngành giáo dục địa phương.
Tác giả bài viết: Nguyễn Thảo
Nguồn tin: