Kinh tế

Thủ tướng tiếp tục nhắc huy động vàng, USD

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thống đốc Ngân hàng nhà nước tiếp tục tập trung nghiên cứu, có giải pháp phù hợp huy động các nguồn ngoại tệ, vàng trong dân phục vụ cho đầu tư phát triển.

Văn phòng Chính phủ (VPCP) vừa có văn bản gửi Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) truyền đạt yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về triển khai các giải pháp góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2017.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành linh hoạt, hiệu quả các công cụ của chính sách tiền tệ phối hợp với chính sách tài khóa để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm tăng trưởng tín dụng trên 20% gắn với bảo đảm chất lượng tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước cũng cần phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên; triển khai nghiêm túc, hiệu quả Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020.

Đặc biệt, theo yêu cầu của Thủ tướng, ngành ngân hàng cần có giải pháp phù hợp huy động các nguồn ngoại tệ, vàng trong dân phục vụ cho đầu tư phát triển.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thống đốc Ngân hàng nhà nước tiếp tục tập trung nghiên cứu, có giải pháp phù hợp huy động các nguồn ngoại tệ, vàng trong dân phục vụ cho đầu tư phát triển.

Còn nhớ, tại buổi làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sáng 18/7, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm trưởng đoàn đã truyền đạt lại 6 vấn đề mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu NHNN giải trình và có các hướng giải quyết.

Và một trong 6 vấn đề đó là Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng nghiên cứu giải pháp huy động nguồn lực lớn trong dân. Cụ thể, thay vì gửi với lãi suất USD là 0%/năm thì làm sao huy động được nguồn lực này đang nằm trong dân để hòa vào các nguồn lực khác cho đầu tư.

Về vấn đề này, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết: Đối với câu chuyện huy động nguồn lực trong nhân dân, nhiều năm vừa qua, các giải pháp điều hành cả về thị trường tiền đồng, ngoại tệ... là tổng thể các giải pháp vĩ mô để đảm bảo sự ổn định và kiểm soát lạm phát. Chính vì nhờ các giải pháp trúng như vậy, huy động nguồn lực ngoại tệ đã chuyển hóa ra đồng Việt Nam.

"Năm 2016, NHNN đã mua vào gần 10 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối, trong đó, thặng dư cán cân thanh toán chỉ là một phần, còn phần lớn trong đó là nguồn ngoại tệ nắm giữ trong dân đã được chuyển hóa sang đồng Việt Nam. Đây là sự chuyển hóa nguồn lực NHNN cho rằng tốt nhất, phù hợp nhất trong điều kiện kiểm soát ổn định vĩ mô, không để biến động ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ và NHNN", Thống đốc nhấn mạnh.

Đặc biệt, ông Lê Minh Hưng cũng cho biết, đối với Đề án chống đô la hóa, vàng hóa, theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN vẫn đang khẩn trương lấy ý kiến các Bộ, ngành để tổng hợp; trong đó có các giải pháp rất cụ thể cả về vĩ mô cũng như liên quan đến trách nhiệm của các bộ ngành. NHNN cũng có những giải pháp chuyển hóa các nguồn lực đó đưa vào đầu tư.

Ý tưởng huy động vàng trong dân từng gây nhiều tranh luận trong giới chuyên gia kinh tế hồi giữa năm 2016 khi Hiệp hội Vàng Việt Nam (VGTA) trình kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và NHNN việc huy động 500 tấn vàng nhàn rỗi trong dân; mở lại tín dụng cho doanh nghiệp sản xuất nữ vàng trang; giảm thuế xuất khẩu vàng nữ trang về 0%; lập Sở giao dịch vàng.

Một số chuyên gia cho rằng, NHNN có thể phát hành trái phiếu huy động bằng vàng thay vì bằng tiền đồng hay ngoại tệ. Hoặc thay vì lập sàn vàng, NHNN có thể nghiên cứu phát hành chứng chỉ vàng.

Tuy nhiên, tại báo cáo kinh tế vĩ mô vừa được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố, nhóm chuyên gia này lại cho rằng, ý tưởng huy động vàng trong nền kinh tế đang góp phần tạo thêm bất ổn về tâm lý trên thị trường, và nếu thực hiện, sẽ thu hẹp không gian chính sách khi bất ổn vĩ mô xảy ra.

Về dài hạn, theo VEPR, ý tưởng này đi ngược lại tiến trình chống vàng hóa, đô la hóa nền kinh tế đang bắt đầu có hiệu lực trong nhiệm kỳ Chính phủ vừa qua. Nhóm này cho rằng NHNN cần kiên định con đường tách vàng và ngoại tệ (như USD) ra khỏi lưu thông, và đưa vào vận hành theo các nguyên tắc của thị trường tài sản.

Tác giả: Nguyễn Hiền

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP