Thủ tướng: "Nhiều địa phương, cán bộ lăn lộn, tôi biết cả, chứ không chỉ là trong Bộ Chính trị, trong Trung ương mới chuyển động đâu". |
2017, kỷ lục các vụ án liên quan đến lãnh đạo cấp cao
Bước lên bục phát biểu, Thủ tướng đặt ngay câu hỏi, cán bộ cấp vụ, cấp sở sau hội nghị có thấy “thấm”, thấy chuyển hay tiếp tục chờ trên trung ương, các Tổng cục, các Cục chuyển xuống rồi lại để đó? Các cấp tham mưu mà không chịu đổi mới tư duy thì tình hình khó chuyển. Thủ tướng nhấn mạnh, biểu hiện “trên nóng dưới lạnh” chính là ở chỗ này.
Thủ tướng yêu cầu sau hội nghị, Bộ KH-ĐT, Văn phòng Chính phủ phải tiếp tục tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, những góp ý của các địa phương để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết số 01 năm 2018. Thủ tướng giao hẹn, ngay trong chiều nay hoặc chậm nhất là đầu tháng 1, sau kỳ nghỉ Tết dương lịch trở lại, Văn phòng Chính phủ phải trình Thủ tướng Nghị quyết 01 để ký ban hành, kèm 242 loại công việc cụ thể của các bộ, ngành, địa phương, để có thể triển khai kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2018 ngay từ nhưng ngày đầu năm, không để tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả” như thông lệ.
Nhắc lại đánh giá chung về thành quả đạt được của 2017 với toàn bộ các chỉ tiêu hoàn thành và vượt định mức được giao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, quy mô GDP quốc gia đã đạt con số 5 triệu tỷ đồng, Việt Nam vươn lên nhóm 50 nền kinh tế của thế giới.
2017 cũng ghi nhận nhiều kỷ lục tổng vốn đầu tư FDI, kim ngạch xuất khẩu, số doanh nghiệp thành lập, số lượng khách du lịch, tái cơ cấu nợ công... Tuy nhiên, cũng còn có nhiều kỷ lục khác trong năm như thiên tai, kỷ lục về số vụ án liên quan đến lãnh đạo cấp cao...
“Nói lại không phải là để khoe thành tích mà để tìm ra những nguyên nhân, bài học cho kết quả đó, như Tổng Bí thư đã nói” – Thủ tướng giải thích. Thành công đó là do cả hệ thống chính trị cùng quyết liệt hành động, từ cấp trung ương tới địa phương, cơ sở, từ người dân tới doanh nghiệp…
Thủ tướng đánh giá: “Nhiều Bí thư, Chủ tịch tỉnh đã đóng góp xuất sắc. Nhiều địa phương, cán bộ lăn lộn, tôi biết cả, chứ không chỉ là trong Bộ Chính trị, trong Trung ương mới chuyển động đâu. Nhiều lãnh đạo địa phương cứ cuối tuần, ngày nghỉ là lăn lộn đi cơ sở, ngồi cà phê để nghe ngóng, nắm bắt tình hình, tìm ra giải pháp chứ không phải sáng cắp ô đi tối cắp ô về là có được thành công. Cần phải nói thế để động viên, đánh giá cáo những người xả thân vì công việc, vì nhân dân”.
Cơ quan nhà nước phải "dám từ bỏ quyền lực"
Nói về nhiệm vụ của năm 2018, Thủ tướng yêu cầu phải phấn đấu đạt mức tăng trưởng ở cận trên so với chỉ tiêu Quốc hội đặt ra (6,5-6,7%), tức tối thiểu phạt đạt 6,7%. Cố gắng đạt chỉ tiêu này, theo Thủ tướng, vì đây là con số có nghĩa lớn để có thể tạo việc làm, lo an sinh xã hội, cải cách tiền lương cho năm sau.
“2017, thu nhập bình quân đầu người đạt 2.385 USD thì có gì mà quá phấn khởi. Đó phải là nỗi buồn bực của lãnh đạo chúng ta mới phải, khi thu nhập trung bình của người dân vẫn quá thấp như vậy” – người đứng đầu Chính phủ trăn trở.
Cụ thể hoá nhiệm vụ, Thủ tướng cho rằng cần tập trung thúc đẩy việc tăng năng suất lao động, cải thiện rõ rệt hơn các chỉ số đánh giá chất lượng sống của người dân, ví dụ chỉ số về môi trường, xã hội bình yên hơn, an ninh an toàn hơn, mọi người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế có cuộc sống tốt hơn cả về vật chất và tinh thần. Đó chính là ý nghĩa của việc phát triển bền vững.
Thủ tướng cũng muốn có chuyển biến rõ rệt hơn về sức sống của từng ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp và sản phẩm quốc gia. Thủ tướng kể lại cuộc gặp gỡ với lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất tôm ở Cà Mau vừa qua. Ông này chia sẻ, 2017, doanh nghiệp đã sản xuất, thu về được 700 triệu USD. Nếu được tạo điều kiện thuận lợi hơn tại địa phương để làm thêm được 300 triệu USD nữa, nâng tổng mức doanh thu lên 1 tỷ USD thì Cà Mau đã có được doanh nghiệp sản xuất tôm lớn nhất thế giới nằm trên chính địa bàn của mình.
Khuyến khích những mơ ước, khát vọng lớn như vậy, Thủ tướng đặt vấn đề, cần có biện pháp xây dựng nền kinh tế tự chủ trong hoàn cảnh mới. Các cơ quan nhà nước nỗ lực mở rộng việc đàm phán để có thêm thị trường, đa dạng hoá các quan hệ, đối tác… mục đích chính là để nền kinh thế không phải bị động, phụ thuộc vào bất kỳ ai.
Nhấn mạnh quan điểm cải cách thể chế để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Thủ tướng cho rằng, cải cách phải tạo ra chuyển động ở từng ngành, từng địa phương với tinh thần cơ quan quản lý nhà nước dám "từ bỏ quyền lực" để cắt giảm thủ tục hành chính, tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi.
Tác giả: P.Thảo
Nguồn tin: Báo Dân trí