Tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân có: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam; Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, cùng lãnh đạo một số Ban của Đảng, Ủy ban của Quốc hội và các Bộ, ngành khác; Đại sứ Việt Nam tại Đức và Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Frankfurt.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân rời Hà Nội lên đường thăm Cộng hòa Liên bang Đức, sáng sớm 5/7 (ảnh: TTXVN) |
Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Đức đang phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực.
Chuyến thăm nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; Củng cố và tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược với Đức.
Theo chương trình nghị sự, tại Đức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel, hội kiến với Tổng thống Đức, gặp lãnh đạo Quốc hội Đức và một số Bộ, ngành của Đức… Thủ tướng sẽ có bài phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Đức - Việt.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 (Hội nghị quốc tế cấp cao của 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi trên thế giới), tại thành phố Hamburg - Cộng hòa Liên bang Đức, với tư cách là nước chủ nhà năm APEC 2017 (Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương). Đây là lần thứ 2 Việt Nam tham dự Hội nghị quốc tế cấp cao này.
Hiện nay, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước thành viên G20 đang phát triển tốt đẹp, 10 nước thành viên G20 đang có quan hệ Đối tác chiến lược và 2 nước thành viên có quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam. Các quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện của Việt Nam với các thành viên G20 ngày càng mở rộng, đi vào chiều sâu và hiệu quả.
Nối tiếp chuyến công du này, ngày 9/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân sẽ rời Cộng hòa Liên bang Đức tới thăm chính thức Vương quốc Hà Lan, theo lời mời của Thủ tướng Mark Rutte. Dự kiến, chuyến thăm Vương quốc Hà Lan của Thủ tướng kéo dài đến ngày 11/7.
Quan hệ Việt Nam - Hà Lan phát triển năng động và toàn diện, đặc biệt sau khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược về Thích ứng với biến đổi khí hậu và Quản lý nước, Đối tác chiến lược về Nông nghiệp bền vững và An ninh lương thực.
Hai chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Cộng hòa Liên bang Đức, dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 và thăm Vương quốc Hà Lan là dịp để truyền thông điệp về hình ảnh Việt Nam phát triển năng động, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tiếp tục nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam.
Tác giả: Châu Như Quỳnh
Nguồn tin: Báo Dân trí