Trong nước

Thủ tướng hứa tiết kiệm chi tiêu triệt để

Trong 13 chỉ tiêu Quốc hội phê duyệt cho năm 2017, có 5 chỉ tiêu vượt và 8 chỉ tiêu hoàn thành.

Trình bày báo cáo trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành phần lớn thời gian phân tích tình hình kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm 2017 và dự kiến kế hoạch năm 2018.

Theo lãnh đạo Chính phủ, trong số 13 chỉ tiêu mục tiêu được Quốc hội phê duyệt cho năm 2017, sẽ có 8 chỉ tiêu đạt và vượt 5 chỉ tiêu, trong đó có tốc độ tăng xuất - nhập khẩu, tổng vốn đầu tư phát triển xã hội so với GDP...

Sau 9 tháng, GDP cả nước tăng 6,41% và ước cả năm đạt khoảng 6,7%. Con số này "vừa khớp" so với kế hoạch Quốc hội giao. Quy mô GDP (theo giá hiện hành) đạt khoảng 5 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 224,6 tỷ USD. Bình quân GDP đầu người khoảng 2.400 USD.

CPI tăng 3,79% trong 9 tháng và ước bình quân tăng khoảng 4% so với năm 2016, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Lạm phát cơ bản khoảng 1,6%. Sau nhiều năm dự trữ ngoại hối đạt trên 45 tỷ USD, mối lo nợ công, theo Thủ tướng, vẫn trong giới hạn cho phép và có xu hướng giảm, trong đó dư nợ công khoảng 62,6%, nợ Chính phủ 51,8%, nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 45,2% GDP.

Thủ tướng cho biết, nợ công tuy có xu hướng giảm nhưng vẫn cao, Chính phủ quyết tâm tiết kiệm chi tiêu.

Đánh giá tình hình, Chính phủ nhận định kinh tế vĩ mô đã có những bước chuyển tích cực, đa số chỉ tiêu được giao đều đạt, vượt mục tiêu, nhưng vẫn bộc lộ một số hạn chế và đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.

Chất lượng tăng trưởng thấp hơn so với yêu cầu vẫn đang là thách thức với nhà điều hành. Nợ công cao, xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn. Đến cuối tháng 8/2017, tỷ lệ nợ xấu là 2,46%; VAMC đã mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng với giá mua (mệnh giá trái phiếu đặc biệt) trên 261.000 tỷ đồng, thu hồi được trên 60.000 tỷ đồng... Nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước chậm tiến độ, hiệu quả thấp, thua lỗ, thất thoát. Dù số lượng thành lập mới khá cao nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh thấp, gắn kết với khu vực FDI còn hạn chế...

Để khắc phục tình trạng này, trong thời gian còn lại của năm 2017, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng hứa triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là hội họp, sử dụng xe công, đi công tác nước ngoài; gắn bố trí các dự án, nhiệm vụ chi với khả năng cân đối nguồn lực; khoán chi hành chính, sử dụng xe công. "Chính phủ thực hiện lộ trình phù hợp cơ cấu lại chi ngân sách Nhà nước, bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa chi thường xuyên, chi đầu tư và chi trả nợ, tạo chuyển biến rõ nét trong chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá", Thủ tướng nhấn mạnh.

Năm 2018 mục tiêu tăng trưởng GDP được đặt cao hơn, 6,5-6,8%, trong khi kỳ vọng lạm phát mức 4%, kim ngạch xuất khẩu 7-8%; tỷ lệ nhập siêu dưới 3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 33 - 34% GDP. Cùng với đó, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị tiếp tục được đặt mục tiêu khống chế dưới 4%, lao động qua đào tạo 58-60%; dân số tham gia bảo hiểm y tế 85,2%...

"Xu hướng bảo hộ vẫn gia tăng, các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng gay gắt, trong khi dư địa chính sách tài khoá, tiền tệ trong nước ngày càng hạn hẹp đang đặt ra những thách thức không nhỏ trong cơ cấu lại nền kinh tế đất nước", Thủ tướng bày tỏ.

Riêng với số ngân hàng yếu kém đã được xử lý vừa qua, Thủ tướng một lần nữa khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục xử lý theo nguyên tắc thị trường, không hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách Nhà nước. “Các tổ chức tín dụng sẽ được tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm”, ông nói.

Giữ lại phần lớn quan điểm đã trình bày tại phiên họp thường vụ diễn ra tuần trước, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội được Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh trình bày sau đó nhất trí các giải pháp điều hành chính sách kinh tế vĩ mô được Chính phủ "thực thi đúng hướng, phù hợp với diễn biến thị trường, thiết lập nền tảng cho tăng trưởng kinh tế".

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cũng đặt ra một số vấn đề, yêu cầu Chính phủ đánh giá rõ hơn chất lượng các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Nhiều ý kiến của cơ quan thường trực Quốc hội cũng cho rằng, báo cáo nợ xấu trong hệ thống ngân hàng ở mức dưới 3% nhưng thực chất nợ xấu toàn nền kinh tế vẫn còn ở mức cao. Nếu tiếp tục yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, nâng tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm đạt khoảng 21% nhằm hỗ trợ đạt tăng trưởng GDP của năm nay sẽ gây sức ép vĩ mô khi mô hình tăng trưởng chưa có dấu hiệu cải thiện.

Có ý kiến lo ngại về hiệu quả và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế thấp khi tăng trưởng tín dụng cao và dễ dẫn đến tác động tiêu cực tới kiểm soát lạm phát, gia tăng nợ xấu và tín dụng không đi vào những ngành, lĩnh vực có tác động tích cực tới nền kinh tế. Có những dấu hiệu cho thấy giá bất động sản tăng bất thường ở một số nơi dưới tác động của đầu cơ; đầu cơ cục bộ cũng diễn ra trên thị trường chứng khoán.

"Các chính sách đưa ra cần tránh những rủi ro phát sinh tiêu cực như 'bong bóng' trên thị trường chứng khoán, bất động sản và khả năng kiểm soát lạm phát trong các năm tiếp theo", Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nêu.

Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng trong điều hành nền kinh tế, Chính phủ cần hạn chế việc ban hành quyết định mang tính hành chính, áp đặt, can thiệp không phù hợp quy luật thị trường. Các vấn đề này sẽ tiếp tục được đại biểu Quốc hội mổ xẻ trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội dự kiến diễn ra giữa kỳ họp này.

Tiếp sau phiên khai mạc buổi sáng, trong chiều nay (23/10), các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục theo dõi nhiều báo cáo quan trọng, liên quan đến vấn đề thu chi ngân sách 2017, dự toán năm 2018 của Bộ Tài chính, dự thảo Luật Cạnh tranh của Bộ Công Thương...

Tác giả: Anh Minh

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP