Trong nước

Thủ tướng biểu dương việc xử lý hiện tượng “gói ghém” lợi ích bộ, ngành

Thủ tướng đánh giá cao việc Ban chỉ đạo cải cách hành chính phát hiện, xử lý các cơ quan, bộ, ngành, cán bộ gói ghém, ẩn náu lợi ích cục bộ trong các thủ tục hành chính.

Chiều 21/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chủ trì Hội nghị tổng kết năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ.

 Thủ tướng

Thủ tướng đánh giá cao hoạt động của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ trong năm 2018

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc nhìn nhận 5 điểm nổi bật về kết quả cải cách hành chính (CCHC). Đầu tiên, thể chế được cải cách, hoàn thiện một bước quan trọng, nhất là thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Số văn bản nợ đọng ngày càng giảm (năm 2018 số lượng văn bản “nợ ban hành” còn 4 văn bản).

Kết quả thứ 2 là cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa cho người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Trong năm 2018, đã cắt giảm, đơn giản hóa đến 3.345/6.191 điều kiện kinh doanh, đạt 54,5%. Ước tính, tiết kiệm cho người dân và doanh nghiệp gần 900 tỷ đồng/năm. Cắt giảm, đơn giản hóa 30 thủ tục và 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành (68,2%), tiết kiệm cho doanh nghiệp và xã hội trên 5.400 tỷ đồng/năm.

Theo Thủ tướng, hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp và người dân trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ được thực hiện tốt hơn. Thủ tướng đánh giá cao việc phát hiện, xử lý hiện tượng “gói ghém, ẩn náu” lợi ích cục bộ của một bộ phận cán bộ, đơn vị mình vào trong thủ tục hành chính.

Thứ 3, đã tập trung triển khai cải cách, tổ chức, sắp xếp bộ máy hành chính Nhà nước và đạt kết quả quan trọng, ví dụ, giảm đầu mối trung gian, khắc phục chồng chéo, trùng lặp chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm một số việc chỉ do một cơ quan chủ trì chịu trách nhiệm, “để giảm tình trạng đi lại nhiều đầu mối phức tạp”.

Thứ 4, cải cách hành chính công đạt kết quả tích cực.

Thứ 5, ứng dụng công nghệ thông tin trong hành chính công được đẩy mạnh. Thủ tướng đánh giá cao một số cơ quan, trong đó có Văn phòng Chính phủ (VPCP), Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai tích cực chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong hệ thống cơ quan hành chính Nhà nước, huy động được sự vào cuộc của khu vực tư nhân và sự tham gia của các chuyên gia giàu kinh nghiệm.

Cho rằng công tác CCHC đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội trong năm qua, Thủ tướng biểu dương Bộ Nội vụ làm tốt vai trò cơ quan thường trực về CCHC, biểu dương Bộ Khoa học và Công nghệ về đổi mới sáng tạo, Bộ Y tế về giảm điều kiện kinh doanh, Bộ Tài chính về cải cách thuế, hải quan, Văn phòng Chính phủ trong tham mưu, đề xuất cải cách thủ tục hành chính, phát huy tốt vai trò Tổ công tác của Thủ tướng và Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ và một số bộ, ngành, địa phương như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Xây dựng. Một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Quảng Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Lào Cai, Khánh Hòa… có chuyển biến trong nhận thức và hành động.

Khắc phục tình trạng “cắt giấy phép mẹ đẻ giấy phép con”

Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng, còn một số tồn tại, hạn chế cần nhìn nhận thẳng thắn để làm tốt hơn trong năm nay; không ít nội dung cải cách chưa được triển khai quyết liệt, đồng bộ. Nhiều cơ quan, bộ, ngành, địa phương còn để xảy ra tình trạng “trục trặc”, trên bảo dưới không nghe.

Thủ tướng cũng nhắc đến tình trạng có văn bản mới ban hành đã cần sửa đổi. Có tình trạng văn bản được ban hành có dấu hiệu trái nội dung, trái thẩm quyền, có nội dung sai nghiêm trọng.

Thủ tướng

Thủ tướng nhắc tới 5 bất cập chủ yếu trong thủ tục hành chính dẫn tới hiện tượng tham nhũng vặt

Một bộ phận cán bộ có thái độ phục vụ, nhất là cán bộ tiếp xúc với người dân, còn bất cập, chưa thuyết phục. Một số cơ quan thực hiện chế độ tiếp công dân chưa thường xuyên, chưa đối thoại, tháo gỡ cho người dân và doanh nghiệp. Tình trạng công dân, doanh nghiệp hỏi cơ quan Nhà nước không trả lời, im lặng kéo dài vẫn còn. Cho biết tình trạng tham nhũng vặt, gây phiền hà cho người dân ở cơ quan hành chính và một số đơn vị công lập vẫn còn, Thủ tướng nêu rõ, kiểu làm việc như thế là không chấp nhận được, phải lên án việc không công khai minh bạch.

Thủ tục hành chính một số lĩnh vực rườm rà, còn tình trạng “cắt giấy phép mẹ đẻ giấy phép con”, thủ tục hành chính còn nhiều, đi liền với đó là chi phí không chính thức... Đâu đó lợi ích cục bộ của ngành, địa phương còn thâm căn, chưa thể giải quyết triệt để vì lợi ích chung của người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng dẫn báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy có 5 bất cập chủ yếu trong thủ tục hành chính là: trình tự thực hiện phức tạp; thủ tục thiếu các bước thực hiện; thiếu mốc thời gian trong trình tự thủ tục hành chính; thời hạn giải quyết thủ tục kéo dài; tiêu chí xem xét giải quyết thủ tục hành chính còn mơ hồ. Đây chính là nguyên nhân gây nhũng nhiễu và tham nhũng vặt.

Định hướng giải pháp năm 2019, Thủ tướng nêu rõ, tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật, sửa các văn bản lạc hậu, sai sót, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi pháp luật. Điều khiến Người đứng đầu Chính phủ trăn trở và mong muốn có sự chuyển biến mạnh mẽ là yếu tố con người, là tinh thần hành chính phục vụ người dân.

“Khi một công dân bị chết, anh mang giấy báo tử nộp cho họ, đồng thời có chính sách hỗ trợ về mai táng phí và các hỗ trợ liên quan. Một người sinh ra anh có tặng một bó hoa và chúc mừng. Anh làm những việc như vậy người dân họ rất hoan nghênh. Còn nếu như chết mà đi mấy lần xác nhận báo tử cũng khó khăn thì làm sao tin chính quyền như vậy. Những việc cụ thể nhỏ như vậy của chính quyền cơ sở đối với công dân rất quan trọng. Thế mới là cải cách. Cải cách là phải làm tốt hơn, không phải cửa quyền, hách dịch, bao cấp như trước đây”, Thủ tướng nói.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng chỉ đạo sớm hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, một số Nghị định của Chính phủ, trong đó có Nghị định 59 về theo dõi thi hành pháp luật. Bộ Tư pháp khẩn trương ban hành Bộ tiêu chí để theo dõi, đánh giá mức độ hiệu quả thực thi pháp luật tại các bộ, ngành, các địa phương.

Tất cả các bộ, ngành, địa phương đều có phương án đơn giản, cắt giảm điều kiện kinh doanh và các hoạt động kiểm tra chuyên ngành, khắc phục tình trạng “cắt giấy phép mẹ mà đẻ giấy phép con”. Khẩn trương công bố các thủ tục hành chính liên thông thuộc thẩm quyền, trách nhiệm được giao. Đổi mới phương thức làm việc.

Các bộ, ngành, địa phương cần tổ chức tốt việc tiếp nhận, giải quyết tốt các hồ sơ thủ tục hành chính thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý và đặc biệt là chú trọng, nâng cao chất lượng một cửa, một cửa liên thông.

Cần đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức các cơ quan hành chính và đơn vị công lập theo tinh thần tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp gắn chặt chẽ với tinh giản biên chế. Tập trung cải cách công vụ, công chức. Xây dựng khung khổ pháp luật về Chính phủ điện tử ở Việt Nam. Nghiên cứu cách thức để tiến tới giao kết quả cải cách thủ tục hành chính như là một chỉ tiêu hoàn thành nhiệm vụ hằng năm trong thi đua.

Tác giả: P.T

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP