Kinh tế

Thủ tục thông thoáng, giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất sau thảm họa thiên tai

Hôm nay đã gần 10 ngày sau khi trận bão kinh hoàng mang tên Yagi - bão số 3 gây ra, kế đến là trận cuồng phong, lũ lụt, sạt lở đất ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Những hậu quả để lại vô cùng nặng nề, đòi hỏi cần nỗ lực lớn, khẩn trương hành động để bù đắp thiệt hại.

Thiệt hại lớn, không gì bù đắp nổi là gần 400 người bị thiên tai cướp đi sinh mạng và mất tích, hàng nghìn người bị thương. Tổng thiệt hại ước khoảng 40.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn khi có đến hàng trăm nghìn doanh nghiệp bị bão lụt tàn phá, chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng bị đứt gãy.

Lúc này cần có sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành, địa phương để doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, nhất là hỗ trợ về tài chính. Tại Hội nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, tổng kết bước đầu công tác chỉ đạo, tổ chức phòng, chống, ứng phó với thiên tai, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp khắc phục hậu quả, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách.

Hoàn cảnh đặc biệt cần có cơ chế đặc biệt, cố gắng đặc biệt, mỗi người ráng sức “làm việc bằng hai”. Trong các nhóm giải pháp, cần đặc biệt chú ý tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách, chống thủ tục máy móc, rườm rà. Có như vậy mới kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cụ thể là, Ngân hàng Nhà nước, hệ thống ngân hàng có chính sách kịp thời giãn, hoãn, khoanh nợ, chính sách tín chấp, gói lãi suất 0 đồng. Bộ Tài chính nghiên cứu giảm, giãn, hoãn thuế, phí, lệ phí. Bộ Công Thương bảo đảm vật tư, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh. Ngân hàng Chính sách xã hội có phương án cho vay các hộ gia đình. Ngành bảo hiểm thanh toán kịp thời cho các thiệt hại của doanh nghiệp, người dân...

Ngay từ lúc này vẫn phải tiếp tục duy trì và “làm mới” ba động lực tăng trưởng truyền thống. Đó là: Đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tái cơ cấu sản xuất kinh doanh phù hợp tình hình địa phương; tiếp tục đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.

Nhiều doanh nghiệp đề nghị, cần cho doanh nghiệp vay ưu đãi để trả lương và đóng bảo hiểm cho người lao động từ ba đến sáu tháng, để ổn định tình hình. Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Căn cứ tình hình cụ thể, giảm hoặc miễn tiền thuê đất cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng.

Khách hàng có thể được hỗ trợ vay vốn lên đến 36 tháng với các hình thức vay đa dạng, bởi lượng khách hàng bị ảnh hưởng bão lũ rất lớn. Cần có sự ưu tiên cho những doanh nghiệp có khả năng phục hồi nhanh nhất.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, những doanh nghiệp đã có hợp đồng tiêu thụ rõ ràng thì họ sẽ sớm hoạt động trở lại và dễ trả nợ. Còn các doanh nghiệp hoạt động trong chuỗi cung ứng sẽ bảo đảm độ tin cậy và đáp ứng được yêu cầu vay tín chấp. Hiện nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu ở Hải Phòng, Quảng Ninh chịu tổn thất rất lớn. Vì vậy khi cho các doanh nghiệp này vay vốn sẽ có sự tác động mạnh mẽ đến phát triển sản xuất.

Cùng với việc hỗ trợ về tài chính như giảm thuế, khoanh nợ, giãn nợ, cơ cấu lại nhóm nợ, cần quan tâm những chính sách về thị trường, vận tải, lao động, tạo điều cho doanh nghiệp gượng dậy sau thảm họa thiên tai. Giảm bớt những thủ tục hành chính rườm rà (chứng minh thiệt hại, xác nhận hồ sơ của nhiều ngành, nhiều cấp...) cũng là một sự khích lệ, giải phóng năng lực sản xuất đối với doanh nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân, ở thời điểm này.

Tác giả: Hải Đường

Nguồn tin: petrotimes.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP