Các đồng nhiệp hiệu trưởng thân mến!
Là hiệu trưởng, mỗi ngày các bạn có dành thời gian click mục Giáo dục các tờ báo không? Các bạn ạ, năm học 2017 – 2018 mới khai giảng được hơn 3 tuần mà cấp tập trên các mặt báo hàng trăm bài hàm chứa sự gay gắt, bức xúc của xã hội trước hiện tượng lạm thu của các trường học.
Xin điểm một số tựa bài trên Báo Người Lao Động và các báo khác: Lạm thu nở rộ, Sự khuất tất của các khoản thu, Càng chấn chỉnh càng lạm thu, Đình chỉ hiệu trưởng trường thu 9 triệu/học sinh, Phụ huynh choáng với một "rừng" khoản thu,"Bóp bụng" đóng hàng loạt khoản thu, Phát hoảng với nhiều khoản thu "lạ" ở Sài Gòn.
Đọc những tiêu đề này, cảm quan các bạn đồng nghiệp có choáng không? Còn tôi nghe xót xa, đắng đót vô cùng.
Là người tự trọng, chẳng ai có thể vô cảm trước những ngôn từ đầy ma lực, ám ảnh mà xã hội đã không ngần ngại chỉ đích danh cho các nhà trường.
Trước, trường học luôn được xã hội coi là môi trường trong trẻo lành mạnh, người thầy luôn được nể trọng vì thanh cao, mẫu mực. Giờ, trường học sao "sặc mùi tiền" đến vậy?
Tôi thấy khó hiểu vì giữa thời cuộc xã hội đang đồng loạt tấn công vào hang ổ tiêu cực và tham nhũng thì nhiều hiệu trưởng vẫn ngang nhiên lấy Hội phụ huynh làm "bức bình phong" để bịa ra đủ thứ khoản đề thu như chẳng có chuyện gì xảy ra.
Lại không thể hiểu làm sao khi Bộ Giáo dục – Đào tạo đã có văn bản chấn chỉnh: "Ban giám hiệu các trường phải chịu trách nhiệm về các khoản thu không đúng quy định, phụ huynh có quyền từ chối nộp những khoản thu tự nguyện" mà một số hiệu trưởng vẫn làm lơ, ép phụ huynh "thu bằng được"? Chẳng lẽ các bạn đã "nhờn kháng sinh"sao?
Cũng từng làm hiệu trưởng trường học, khá giàu tưởng tượng nhưng khi đọc các danh mục thu "thỏa thuận" của 4 trường Bộ thanh tra và những trường báo chí phản ánh, tôi thấy hiệu trưởng những trường này là "bậc thầy" của sự tưởng tượng - có trường đến 48 khoản thu!
Lại có những khoản thu "lạ" ở TP HCM như "tiền hiện đại hóa phòng học", "tiền điện ngủ trưa" (!?). Tôi thật sự kinh ngạc, hơn thế, phải "ngã mũ bái phục" sự "sáng tạo" bất tận ngoài sức tưởng tượng...
Không chỉ vậy, tôi còn thấy xấu hổ thay cho kiểu "sáng tạo" đó. Vì phụ huynh và xã hội thừa hiểu các bạn "vắt óc sáng tạo" như thế để làm gì rồi. Các bạn "mãi mê sáng tạo các khoản thu" mà quên đi trách nhiệm của mình: Xây dựng môi trường trong sáng, lành mạnh để giáo dục nhân cách học sinh.
Làm một hiệu trưởng, có lúc nào các bạn dành chút thời gian ngắm những gương mặt hồn nhiên, ngây thơ của học sinh trên sân trường để làm giàu thêm lòng yêu thương? Đã có những khoảng lặng suy ngẫm về phụ huynh – những nông dân quanh năm lam lũ trên đồng ruộng, những công nhân suốt ngày đẫm mồ hôi trên công trường, tất bật trong nhà máy?
Họ cùng cực lắm. Lương tâm nào các bạn buộc họ phải "phát hoảng", "bóp bụng" đóng cả "rừng" khoản thu như thế?
Ông bà ta đã dạy "đói cho sạch, rách cho thơm", "giấy rách phải giữ lấy lề". Môi trường giáo dục càng phải được giữ gìn, tô điểm "cho sạch" "cho thơm" như thế. Đi đến cùng, cũng phải như thế, không thể ngoa ngôn biện minh giáo dục trong kinh tế thị trường phải khác!
Giáo dục trong bối cảnh nào cũng nhằm xây dựng nhân cách cao đẹp cho học sinh. Môi trường ấy không thể "sặc mùi tiền", môi trường ấy kị rơ với mối quan hệ bằng tiền. Một nhà trường năm nào cũng lùm xùm với tiền, gây bức bối cho học sinh và phụ huynh thì giá trị giáo dục còn được bao nhiêu?
Mong các bạn hiệu trưởng đừng vì đồng tiền mà làm méo mó, xấu xí đi hình ảnh trong sáng, nhân văn vốn là bản chất của môi trường học đường.
Còn bạn hiệu trưởng nào chỉ chăm chút chạy theo đồng tiền, xin có đôi lời nhắn nhủ: Đồng tiền luôn có hai mặt. Đừng để nó vấy bẩn lương tâm và hoen ố danh dự của người thầy!
Hy vọng một năm học với những điều tốt đẹp sẽ làm sáng sủa trở lại cho bức tranh giáo dục và hình ảnh người thầy.
Thân ái!
Tác giả: Nguyễn Việt Hòa
Nguồn tin: Báo Người lao động