Du lịch

Thơm hương bánh chuối xiêm nướng miền Tây

Trái chuối xiêm (từ chín hườm đến chín muồi) là loại trái đa dụng có thế chế biến nhiều món ăn ngon. Nhưng món gây ấn tượng nhất trong lòng người dân miền Tây là món bánh chuối xiêm nướng.

Ở nông thôn miền Tây, hầu như nhà nào trước sân hay sau vườn cũng có trồng chuối. Chuối được xem là loại cây trồng “lấy ngắn, nuôi dài” trong lúc chờ đợi thu hoạch các mùa vụ khác. Ngoài các loại chuối quen thuộc như chuối già, chuối cau, chuối cơm, chuối sáp, chuối tá quạ,... còn có một loại chuối được nông dân trồng nhiều vì bán được giá, chế biến nhiều món ăn ngon dân dã là chuối xiêm (miền Bắc gọi chuối sứ).

Từ trái chuối xiêm, ngoài món bánh chuối xiêm nướng, người miền Tây còn chế biến nhiều món ngon khác như chuối xiêm luộc, chuối xiêm xào dừa (khi chuối chín hườm), làm nhưn bánh (bánh dừa, bánh tét), bánh chuối hấp, bánh chuối nướng (khi chuối đã chín muồi), …


Nải chuối xiêm chín muồi. (ảnh sưu tầm, nguồn: Internet).

Làm món chuối xiêm nướng, mới nhìn qua tưởng rất dễ dàng nhưng khi bắt tay vào làm mới biết rất công phu, vừa phải nắm vững bí quyết riêng, vừa phải tuân thủ những công đoạn nhất định để ổ bánh được dẻo, ngọt, thơm ngon, hợp khẩu vị. Và, khâu quạn trọng định đoạt chất lượng món bánh chuối xiêm nướng lại là cách chọn nguyên liệu.

Trước tiên, phải chọn 1 nải chuối xiêm đen chín muồi (vì chất lượng chuối chín có vị ngọt đậm, không vị chua), cùng các phụ liệu khác như bánh mì, sữa đặc, trứng gà, bơ, bột mì ngang, dừa nạo, va-ni, đường cát, ... Kế đến, tuần tự thao tác các bước như sau:

Bước 1: Chuối xiêm lột vỏ (tước bỏ những sợi chỉ nhỏ quanh trái). Dùng dao bén xắt xéo chuối từng miếng dầy (khoảng 3 – 4 miếng/trái), ướp đường cát theo tỉ lệ thích hợp (khoảng 200 gram đường cho 10 trái chuối lớn) khoảng 1 tiếng cho ngấm, rồi cho lên bếp xên cho đường rút vào hơi sền sệt, nhắc xuống, để nguội.

Bước 2: Bánh mì (thường là bánh mì ăn còn lại, để tủ lạnh trước 1 ngày) đem ra xé nhỏ (hoặc cắt khoanh mỏng), để ra thau. Dừa nạo (khoảng 300 gram) vắt lấy nước cốt để sẵn ra chén. Trứng gà (3 quả) đánh đều cùng sữa đặc (1 hộp) và bơ (1 hộp nhỏ), nhớ chừa 1 phần sau đó tráng vào đáy nồi nướng (để bánh khi chín không bị dính).

Bước 3: Cho tất cả các nguyên liệu (đã sơ chế nêu trên) cùng với bột mì ngang (khoảng 100 gram) vào chuối trộn đều thành một khối bột sền sệt (không quá loãng). Nhớ thêm va-ni vào bột (khoảng 2 ống) cho có mùi thơm vào nồi thứ nhất. Cuối cùng, cho hỗn hợp bột vào nồi thứ 2, bên dưới nồi có lót giấy đã thoa một ít bơ. Cho than vào bếp, quạt than cháy đỏ để bếp nóng. Khi thấy than đỏ đều, gắp bớt than ra (tránh than nhiều, bánh bị khét dưới đáy), rồi đặt nồi lên bếp. Gắp than đặt thêm lên nắp nồi để bánh chín đều 2 mặt. Chú ý phải theo dõi thường xuyên, và khi thấy trên nắp vung tỏa lên mùi hương thơm ngát (khoảng 50 phút). Giở nắp vung ra xem, khi thấy mặt trên bánh chuyển thành màu vàng, mép bánh xung quanh nồi giật mí là bánh chín. Chỉ cần lấy nồi xuống, để nguội (nhớ để thật nguội, không lấy bánh sớm vì bánh nhão sẽ bị bễ, không đẹp), và lấy bánh ra, xắt miếng hình tam giác cho vào dĩa, dọn lên bàn, là xong!...


Món bánh chuối xiêm nướng bầy ra dĩa, xắt từng miếng hình tam giác, trông thật bắt mắt.

Nhìn dĩa bánh chuối xiêm nướng màu vàng ươm đặt trên bàn tỏa mùi hương thơm ngát như kích thích khẩu vị mọi người. “Nhón” tay lấy miếng bánh chuối nướng cho vào miệng nhai một cách từ tốn, sẽ cảm nhận vị ngọt của chuối, béo béo của nước cốt dừa, thơm thơm của sữa, bơ, hột gà,.. như đánh thức mọi giác quan.

Càng ăn món bánh chuối xiêm nướng, ta càng mê mẩn và trong lòng luôn có suy nghĩ, tự hào về trái chuối dân dã nơi đồng đất quê nhà. Ông cha ta từ xưa đã phát huy sáng tạo không ngừng, biết phối hợp với các nguyên liệu khác để chế biến ra những món ăn đặc trưng làm phong phú thêm cho nền văn hóa ẩm thực Việt Nam.


Cho nguyên liệu vào nồi 2 đặt lên lò nướng, bên trên có than hồng để bánh chín đều 2 mặt.


Bánh chuối nướng đã hoàn thành, phía bề mặt chín vàng thật hấp dẫn.

Tác giả bài viết: Ba Cần Thơ

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP