Theo bác sĩ Trần Thị Minh Nguyệt, thói quen ăn uống mùa lễ Tết là "chế độ ăn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe", dù mọi người có sự chuẩn bị chu đáo cho những ngày này. Nguy cơ có thể do sự dư thừa thức ăn mà thiếu cân đối trong dinh dưỡng, quá nhiều thực phẩm cung cấp chất đạm, chất béo như thịt, giò chả, nem, thức ăn chế biến dạng chiên, quay, nhiều thức ăn ngọt như bánh, kẹo, nước ngọt... Trong khi khẩu phần ăn có xu hướng ít rau hơn ngày thường.
Ngoài ra việc ăn uống ngày Tết còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm do thức ăn nấu xong để lâu, hoặc ăn ngoài hàng quán không đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt người mắc bệnh mạn tính như cao huyết áp, tiểu đường, gout... dễ bị tái phát bệnh nếu không có chế độ ăn uống khoa học.
Ảnh minh họa: DV. |
Để đảm bảo sức khỏe, bác sĩ Nguyệt khuyên mọi người trong những ngày lễ hội có thể ăn uống thoải mái hơn ngày thường, nhưng cần đảm bảo nguyên tắc đủ và cân đối, nghĩa là đủ 4 nhóm thực phẩm trong mỗi bữa chính. Không nên ăn nhiều và thiên về một loại thực phẩm nào đó. Nếu lỡ ăn nhiều thịt cá thì cần "bù" lại bằng cách tăng lượng rau xanh nhiều hơn để cung cấp nhiều sinh tố tham gia vào quá trình chuyển hóa giúp tăng sức đề kháng và giàu chất xơ giúp đào thải các chất độc hại do đạm, béo sinh ra.
Bác sĩ Nguyệt khuyên các gia đình không nên chế biến nhiều thực phẩm một lần mà chỉ nấu nướng một lượng vừa đủ ăn trong ngày. Tốt nhất nên dùng ngay khi còn nóng sốt. Nếu chưa ăn ngay thì nên bảo quản thực phẩm nơi thoáng mát, tủ lạnh và đun nóng lại trước khi ăn. Song cũng không nên hâm lại nhiều lần sẽ khiến thực phẩm biến chất gây hại sức khỏe.
Người mắc các bệnh mạn tính cần duy trì chế độ dinh dưỡng và uống thuốc theo hướng dẫn của thầy thuốc. Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị về các món ăn thường có trong những ngày lễ Tết của gia đình, bác sĩ sẽ tư vấn cách chọn lựa thức ăn phù hợp mùa lễ hội mà vẫn đảm bảo sức khỏe.
Nếu gia đình bạn tổ chức du lịch, dã ngoại, cần chú ý vấn đề ăn uống đảm bảo sức khỏe. Nếu bạn đi theo tour, nên tìm hiểu kỹ đơn vị tổ chức du lịch về nơi ăn ở đảm bảo tiện nghi, an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu bạn tự đi, nên tìm hiểu kỹ nơi mình đến, hỏi thăm bạn bè, người thân về những địa chỉ ăn uống uy tín, để chuyến đi của gia đình được trọn vẹn, tránh trường hợp thức ăn không hợp khẩu vị hoặc ngộ độc thực phẩm.
Trẻ em đang bú mẹ cần đảm bảo dinh dưỡng. Bà mẹ cũng cần nghỉ ngơi hợp lý để đủ sữa cho bé bú. Bé lớn hơn đã tự biết chọn lựa thức ăn, trong những ngày lễ Tết thường lựa chọn thực phẩm theo sở thích và ăn vặt nhiều chất béo, ngọt sẽ ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe. Do vậy cha mẹ cần chủ động duy trì các bữa ăn chính cho bé càng gần như ngày thường càng tốt. Hạn chế cho trẻ ăn bánh, kẹo, uống nước ngọt, chỉ nên cho ăn các món này sau các bữa ăn chính.
Với những trẻ lớn hơn có thể tự đi chơi cùng bạn bè, nên cho trẻ mang theo sữa bột pha sẵn tiện lợi, làm vài loại thức ăn cho trẻ mang theo, hoặc hướng dẫn chúng ăn uống hợp lý nếu dùng bữa ở hàng quán. Chọn lựa mua thực phẩm ở những nơi có tủ kính, sạch sẽ, không nên ăn uống tùy tiện vì nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất cao.
"Duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý trong những ngày nghỉ sẽ giúp bạn giữ được sức khỏe cho gia đình để bắt đầu những chuỗi ngày làm việc, học tập mới", bác sĩ Nguyệt nhắn nhủ.
Tác giả: Thi Trân
Nguồn tin: Báo VnExpress