Giới trẻ

Thời kỳ "giông bão và stress": Giới trẻ rạch tay, hủy hoại bản thân

Áp lực học hành, thi trượt, thất tình, mặc cảm giới tính, không tìm thấy ý nghĩa sống, thậm chí “đua đòi”, muốn chứng tỏ mình "ngầu” khiến nhiều bạn trẻ rơi vào tình trạng ngược đãi bản thân từ thể nhẹ đến nặng, nhất là ở lứa tuổi teen từ 13-19 tuổi.

Trầm cảm, tự tử học đường có xu hướng gia tăng

Gần đây, một vụ việc đau lòng xảy ra khiến người lớn giật mình khi nữ sinh lớp 7A, trường THCS Tân Lâm (trú tại xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) tử tự trong lớp học.

Cô bé ngoan ngoãn, học giỏi quyết định ra đi sau khi để lại 2 bức thư viết bằng tiếng Anh và tiếng Việt gửi lời xin lỗi đến bạn bè vì từ nay không thể tham gia học tập, vui chơi cùng các bạn trong lớp được nữa.

Nữ sinh này xin lỗi vì kết quả học tập giảm sút trong thời gian gần đây, khi không đạt được kết quả tốt như kỳ vọng của bố mẹ và thầy cô.

Trước đó, một nữ sinh Nghệ An rơi vào tình trạng mệt mỏi, tâm trạng thất thường, thậm chí chán sống. Người em gầy rộc, mắt thâm quầng, thường nhốt mình trong phòng. Những biểu hiện bất thường đó khiến gia đình lo lắng, vội đưa em đến khám.

Kết quả cho thấy em mắc chứng trầm cảm, phải nhập viện điều trị tại khoa Tâm thần, Bệnh viện 103. Thực tế, em không phải trường hợp duy nhất rối loạn tâm thần vì áp lực học tập, thi cử.

Người trẻ tự ngược đãi bản thân. (Ảnh minh họa)

Câu chuyện của nữ sinh Thùy Trang (THPT Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) tự tử để lại 5 lá thư tuyệt mệnh cũng khiến nhiều người đọc xong xót xa, day dứt. Trong đó có 2 bức thư Trang gửi cho bố mẹ, 3 bức thư còn lại cô nữ sinh gửi cho chị gái và bạn bè. Tất cả đều thể hiện sự buồn chán vì kết quả học tập không đáp ứng được sự kỳ vọng của bố mẹ, chị.

Trong thư, Trang viết: “Tương lai sau này của con cũng không còn nữa, con xin lỗi bố mẹ. Không, không, con không thể chịu nổi nữa rồi... Tương lai con mù mịt, suy nghĩ con mù mịt, con đường con đi cũng mù mịt, mọi thứ xung quanh con mù mịt... Hết rồi, tất cả kết thúc rồi”.

Trầm cảm: đến từ đâu?

Theo kết quả y tế trường học giai đoạn 2011-2015 do Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT công bố, số học sinh có ý định tự tử ngày càng tăng cao, cứ 5 em học sinh lại có một em có ý định tự tử.

Mỗi năm, Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận 20 trường hợp trẻ em uống thuốc độc tự tử. Tại Việt Nam, tự tử là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong ở người trẻ tuổi, xếp sau nhóm nguyên nhân do tai nạn giao thông.

Theo Thạc sỹ Tâm lý Nguyễn Lan Anh, những cơn trầm cảm thể nặng hầu như đều bắt đầu từ những khủng hoảng dạng vừa của tuổi vị thành niên. Khi đó, những khủng hoảng vẫn còn ở mức đơn thuần và có thể kiểm soát. Càng lớn lên, các mối quan hệ xã hội phức tạp dần, “cơn khủng hoảng” có thể phình to thành trầm cảm. Nếu không được can thiệp, chữa trị sớm thì “hậu quả khôn lường”.

Bác sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Phượng (Bệnh viện tâm thần Mai Hương, Hà Nội) cho biết, áp lực học hành, thi trượt, thất tình, mặc cảm giới tính, không tìm thấy ý nghĩa sống, thậm chí “đua đòi”, muốn chứng tỏ mình “ngầu” khiến nhiều thanh niên rơi vào tình trạng ngược đãi bản thân từ thể nhẹ đến nặng, nhất là ở lứa tuổi teen (từ 13-19 tuổi).

"Đây là giai đoạn quá độ giữa “thiếu niên” và “trưởng thành”, thuật ngữ tâm lý học gọi là thời kỳ “giông bão và stress”- bác sĩ Phượng nhấn mạnh.

ThsBs Lê Công Thiện (Viện sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: “Nhiều bệnh nhân có nguyên nhân phát bệnh rất bất ngờ, ví dụ như: cãi nhau trên facebook, bị người yêu chụp ảnh nude tống tình, thi trượt, đổ vỡ thần tượng v.v… Nếu bình thường, biết cách xử lý thì nó chỉ là một sang chấn tinh thần nho nhỏ. Nhưng nếu người nhà không kịp thời phát hiện và can thiệp, bệnh nhân có thể phải dùng thuốc cả đời hoặc tự vẫn. Đối với tất cả mọi triệu chứng trầm cảm, thời gian phát hiện càng sớm thì khả năng hồi phục càng khả quan”.

Tự hành xác bản thân: Xoa dịu những nỗi đau tinh thần

Bác sĩ Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Điều trị Stress (Viện sức khỏe Tâm thần) cho hay, có một điểm chung là những người thích hành hạ bản thân thường khởi đầu xu hướng bằng những vết bỏng, vết cắt nhỏ bằng dao lam. Họ thực hiện hành vi này và thường không để cho mọi người xung quanh biết, bằng cách thực hiện nó trong phòng tối, phòng ngủ hoặc phòng tắm.

Bác sĩ Tâm cho biết, theo một số nghiên cứu, thói quen tự hành xác bản thân sẽ khiến phát sinh các chất gây tê tự nhiên trong cơ thể, giúp bệnh nhân có khả năng tự mình xoa dịu những nỗi đau về mặt tinh thần.

TS Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần cho biết, hội chứng tự làm tổn thương mình lại âm thầm diễn ra và tàn phá cơ thể người bệnh dần dần. Điều đáng tiếc hội chứng này lại thường xảy ra ở giới trẻ. Không được đáp lại tình cảm, bị bố mẹ mắng, đi thi bị điểm kém, đây là những lý do tưởng chừng đơn giản nhưng lại dẫn đến những phản ứng dại dột của rất nhiều bạn trẻ.

“Nhẹ thì nhịn ăn, không giao tiếp với bên ngoài. Ở mức độ nặng hơn là tự làm đau mình, bằng cách rạch tay, rạch chân. Dù chỉ gây đau đớn tức thời, không gây tử vong ngay lập tức, nhưng những hành vi tự làm đau bản thân vẫn được xếp chung vào nhóm hành vi tự sát”- bác sĩ Phương nhấn mạnh.

Tác giả: Đỗ Hợp

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP