Tiếng nhạc truy điệu vừa vang lên, hàng trăm người đang đứng chật kín sân trước nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 268 rẽ sang hai bên, để lộ ra lối đi rộng ngay giữa dòng người. Đoàn tiêu binh áo trắng chậm rãi bước từng bước nghiêm trang, trên tay là di ảnh của thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó tư lệnh Quân khu 4.
Theo sau mỗi bước đi của đội di quan là tiếng khóc lớn dần. Hai bên dòng người, mắt ai nấy đỏ hoe, tiếc thương. Bà Trần Thị Quảng Bình (vợ tướng Man) không rời mắt khỏi cỗ áo quan. Dù bước đi không vững, phải có người đỡ hai bên, bà vẫn nối gót ngay các chiến sĩ, khóc đến ngất đi.
Lời vĩnh biệt trải dọc miền Trung
Tối hôm tướng Man cùng đồng đội trở về từ Rào Trăng trên chiếc xe cứu thương, trời Huế mưa tầm tã. Nhưng buổi sáng tiễn đưa ông về với quê hương, Huế hửng nắng. Hàng trăm người dân, chiến sĩ đứng dọc 2 bên đường đoạn từ Bệnh viện Quân y 268 đến quốc lộ 1A chỉ để nhìn theo xe của vị thiếu tướng, vẫy tay tiễn biệt.
Đoàn xe vừa về đến Quảng Bình, trời lại mưa. Mưa lớn liên tục khiến cho con đường Đặng Văn Ngữ trước cửa nhà ông ngập đến đầu gối. Dù vậy, ngay từ đầu ngõ, hàng trăm người mặc áo mưa, che dù, mặt mũi ướt nhẹp đã đứng sát mép hai bên đường, hướng mắt về đoàn xe đưa linh cữu thiếu tướng.
Sau bao ngày đi xa, cuối cùng, thiếu tướng Man cũng được về nhà trong nước mắt tiếc thương của người dân Quảng Bình.
Bà Trần Thị Quảng Bình (vợ tướng Man). Ảnh: Việt Linh. |
Nước mắt bà Bình không ngừng rơi. Bà đứng chờ chồng trước cửa, mắt nhìn trống không, lảo đảo khi bước qua cánh cổng mà bà hay vẫy chào chồng trước mỗi lần ông đi công tác.
“Đừng chú nhé, đừng nhé… Cả tỉnh, các nơi, tất cả đang gồng mình với lũ… Xin các bác, các chú cho chị đưa anh về nhà”.
Đó là dòng tin nhắn mà bà Bình gửi cho các chiến sĩ tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình khi được đề nghị tổ chức lễ tang cấp tỉnh cho thiếu tướng Man. Bà giải thích rằng bà chỉ muốn lễ tang cho chồng diễn ra thật giản dị như chính con người ông, nhất là trong khi các tỉnh miền Trung đang gánh chịu trận mưa lũ lịch sử. Như mong muốn của bà, lễ tang của thiếu tướng Man được tổ chức ngay tại căn nhà ở số 41 Đặng Văn Ngữ (TP Đồng Hới).
Không kịp chào mẹ già
Khoảng 16h ngày 18/10 - một giờ trước khi đoàn xe đưa linh cữu của thiếu tướng Man về tới nhà, ông Nguyễn Quốc Khâm (anh trai ông Man) mới dám đưa người mẹ 95 tuổi về nhà.
“Lúc vừa biết tin anh Man gặp nạn, tôi phải đưa mẹ từ nhà anh Man lên nhà tôi ngay. Không ai dám cho bà biết, sợ bà không chịu được”, ông Khâm nói, giọng đầy tâm tư.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Man dành phần lớn thời gian ở đơn vị tại TP Vinh (Nghệ An), ít khi về nhà. Hôm 12/10, khi ông chỉ huy đoàn của Quân khu 4 vào Rào Trăng, tướng Man cũng đi thẳng từ Vinh vào Huế chứ không kịp rẽ qua nhà chào mẹ già, vợ con. Có lẽ khi đó, ông nghĩ rằng mình chỉ đi công tác một vài ngày rồi về.
Người thân viếng thiếu tướng Man. Ảnh: N.T.H. |
Nhìn thấy linh cữu con được đồng đội khiêng vào nhà, cụ Nguyễn Thị Dũy (mẹ ông Man) khóc ngất đi. Người mẹ già tóc bạc trắng ngồi trước di ảnh con trai.
“Man ơi! Man!”, người mẹ già liên tục khóc gọi tên con trai đã khuất. Đến hôm nay, bà mới có lời giải cho sự vắng mặt và im lặng của con suốt những ngày trước đó.
Là con út trong 6 anh em, ông Man nhận trách nhiệm chăm sóc mẹ già. Khi ông Nguyễn Văn Tiu (bố ông Man) ra đi, ông Man trở thành điểm tựa tinh thần cho bà Dũy. Thế nhưng nay, điểm tựa ấy đã không còn.
“Từ hôm nghe tin anh Man, tôi cứ phải bịa hết chuyện này đến chuyện khác để cho bà yên tâm an dưỡng, ăn uống bình thường. Phải tới lúc về đến đây, bà mới biết Man đã không còn”, ông Khâm kể, bờ vai rũ xuống.
Xem thời sự vẫn không biết Tướng Man gặp nạn
Kể về thiếu tướng Man, ông Lê Văn Sinh (cháu rể) không giấu được sự ngưỡng mộ trong giọng nói. Ông thuộc vanh vách tiểu sử của bác mình.
Năm 1989, sau khi tốt nghiệp Trường Sỹ quan lục quân 2, ông Man về công tác tại Sư đoàn 2, Quân khu 5. Sau đó, ông tham gia khóa đào tạo dài hạn cán bộ chỉ huy binh chủng hợp thành cấp trung, sư đoàn tại Học viện Lục quân ở Đà Lạt. Học xong, ông công tác tại Bộ chỉ huy quân sự Quảng Bình, Quân khu 4, với nhiều cương vị khác nhau, cao nhất là Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh.
Vừa năm ngoái, ông được bổ nhiệm làm Phó tư lệnh Quân khu 4 và được phong hàm thiếu tướng đúng 1 năm sau, tháng 6/2020. Ông được phong hàm thiếu tướng chưa được 4 tháng thì tử nạn khi làm nhiệm vụ.
Ông Sinh kể từ khi lên Phó tư lệnh quân khu, thiếu tướng Man rất ít khi ở nhà, việc gia đình hầu hết do bà Bình quán xuyến.
Khi còn làm tại Bộ chỉ huy quân sự Quảng Bình, ông cũng ở đơn vị nhiều hơn ở nhà. Nhất là những đợt lũ lụt như bây giờ, thiếu tướng Man càng đi nhiều hơn. Chỗ nào là điểm nóng, có dân cần cứu hộ, cứu nạn, ông đều có mặt đầu tiên.
Ít ở nhà nhưng khi về, những đám tang, hiếu hỉ ông đều không đi sót đám nào. Ông Sinh kể rằng nhiều lần được tướng Man vỗ vai dặn dò rằng nghỉ hưu phải giữ gìn sức khỏe, hỏi thăm rất chi tiết, không quên thứ gì khiến ông vô cùng cảm động.
Linh cữu thiếu tướng Nguyễn Văn Man được đưa về nhà. Ảnh: Việt Linh. |
Ngày 13/10, khi xem thông tin về đoàn cứu hộ 21 người gặp nạn ở Rào Trăng, 13 người mất liên lạc, ông Sinh và hầu hết người thân trong gia đình vẫn không biết trong số đó có ông Man.
“Xem thời sự coi có biết gì đâu. Phải đến khi bên quân khu họ điện cho tỉnh, tỉnh thông báo cho gia đình, mình mới biết. Cứ mong là có phép màu…”, ông Sinh kể.
Trời Quảng Bình mưa rả rích suốt từ chiều đến đêm nhưng những đoàn viếng thiếu tướng Nguyễn Văn Man không ngớt.
Cách đó gần 160 km, 22 chiến sĩ của Đoàn 337 cũng đang bị vùi lấp dưới nền đất lạnh tại huyện Hướng Hóa, Quảng Trị. Ông Sinh bảo nếu giờ ông Man còn sống, chắc hẳn ông đã lại đội mưa, lội bùn đến Quảng Trị tìm cách giải cứu cho những người đồng đội của mình.
Lễ viếng thiếu tướng, liệt sĩ Nguyễn Văn Man diễn ra từ 20h ngày 18/10 đến 12h ngày 20/10 tại nhà riêng ở 41 Đặng Văn Ngữ (TP Đồng Hới, Quảng Bình). Lễ di quan lúc 13h30 và lễ an táng Phó tư lệnh Quân khu 4 vào hồi 14h30 cùng ngày. |
Tác giả: Thu Hằng
Nguồn tin: zingnews.vn