Số hóa

Thiệt hại do đột ngột thay đổi mã vùng điện thoại

Người dân, doanh nghiệp gặp phiền phức khi in ấn, giao dịch. Gần 5 triệu thuê bao thay đổi.

Đổi mã vùng điện thoại cố định từ 11/2/2017


Bộ TT&TT vừa công bố việc chuyển đổi mã vùng điện thoại tại 59 tỉnh, thành (chỉ trừ bốn tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình và Hà Giang giữ nguyên).

Việc triển khai đổi mã vùng điện thoại cố định sẽ được bắt đầu từ ngày 11-2-2017.

Tốn kém, phiền phức

Ônh Huỳnh Văn Lộc, đại diện Công ty TNHH In ấn Huỳnh Lê, cho biết thông tin đổi mã vùng gây “choáng” cho nhiều doanh nghiệp. Bởi thông thường các công ty phải đặt in danh thiếp, bao bì, giấy tờ… dùng cho sáu tháng đến một năm.

“Chúng tôi đang thông tin cho khách hàng về việc đổi mã vùng điện thoại và hỏi họ có cần điều chỉnh lại số điện thoại khi in ấn hay không. Họ bất ngờ và lúng túng khi nghe tin này. Nhưng dẫu sao họ vẫn còn may mắn hơn những người vừa mới in xong” - ông Lộc nói.

Ông Lộc dẫn chứng có khách hàng quen trong mảng hàng không mới nhận nhiều mặt hàng in ấn từ hai ngày trước, giá trị in khoảng 50 triệu đồng gồm danh thiếp, thư, quảng cáo, brochure... Khách hàng này dự kiến dùng trong một năm, nay nghe tin đổi mã vùng nên cảm thấy “choáng”.

Từ thực tế này, ông Lộc đề nghị cơ quan quản lý nên thông báo sớm hơn một năm trước khi chính thức đổi mã vùng, để doanh nghiệp chủ động kế hoạch in ấn.

Một nhân viên kinh doanh của công ty gỗ quốc tế tại Đồng Nai, nơi có mã vùng sẽ đổi hoàn toàn từ 61 sang 251 cho rằng sẽ rất phiền phức khi phải in lại các thông tin về số điện thoại nhưng không in thì không được.

“Đối tác nước ngoài, trong nước đều liên lạc qua di động. Nhưng kẹt nỗi các ngân hàng lúc nào cũng dùng fax các chứng từ cho chắc ăn. Vì vậy số điện thoại bàn và số fax lại phải duy trì và cập nhật” - đại diện công ty trên nêu thực tế.

Ông cũng cho rằng việc đổi số, thêm số... cần có tầm nhìn dài hạn. Trong hơn chục năm qua đã mấy lần đổi và thêm số, rất phiền cho người dân, doanh nghiệp.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gò Đàng, cho biết việc thay đổi số mã vùng điện thoại ảnh hưởng lớn đến công ty. Bao bì sản phẩm xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới đều phải in lại, chi phí đội lên. Chưa kể có khi khách hàng gọi điện thoại làm việc hoặc muốn hợp tác sẽ mất tín hiệu.

Ông Đạo nói: “Đáng lẽ cơ quan chức năng phải thông báo sớm hơn nữa cho các đơn vị kinh doanh vì những sản phẩm đóng gói xuất khẩu với số lượng lớn giao nhiều đợt. Việc in lại bao bì để điều chỉnh số điện thoại vừa mất thời gian, tốn thêm một khoản chi phí đáng kể, đó là chưa nói đến sự lãng phí”.



Nhiều doanh nghiệp than gặp phiền phức vì thay đổi mã vùng. Trong ảnh: Trao đổi với khách hàng qua điện thoại cố định. Ảnh: HOÀNG GIANG


Giảm thiểu tối đa tác động

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Mạnh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Bộ TT&TT, khẳng định: “Khi thay đổi mã vùng tuy có ảnh hưởng nhưng tác động rất nhỏ. Đối tượng bị ảnh hưởng chủ yếu tập trung ở khối cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức”.

Ngoài ra, một số tổ chức, cá nhân cũng chịu sự tác động là có thể phải làm lại các sản phẩm có gắn với mã vùng. Ví dụ card visit, bao bì, biển quảng cáo… phải sửa đổi lại mã vùng cho các số đã lưu giữ trong điện thoại di động.

Đại diện Cục Viễn thông cũng cho rằng các cuộc gọi liên tỉnh, từ di động và từ quốc tế vào số cố định (các cuộc gọi có sử dụng mã vùng) sẽ chịu sự tác động của kế hoạch này. Với các cuộc gọi này, phải thay mã vùng cũ bằng mã vùng mới.

Ví dụ nếu gọi từ di động vào số cố định tại Hà Nội là 23456789, trước khi đổi mã vùng quay số 04.23456789 thì sau khi đổi mã vùng quay số 024.23456789. Nghĩa là chỉ thay mã vùng cũ (4) bằng mã vùng mới (24) khi quay số.

Theo Bộ TT&TT, để giảm thiểu tối đa việc mất liên lạc có thể xảy ra trong và sau quá trình chuyển đổi sẽ tiến hành nhiều biện pháp. Cụ thể, các thông báo, tờ rơi hướng dẫn chuyển đổi mã vùng… sẽ được các doanh nghiệp viễn thông sớm gửi đến tất cả đối tượng chịu sự ảnh hưởng trong thời gian tới.

Bên cạnh đó sẽ tiến hành các biện pháp kỹ thuật để quay số song song trong thời gian 30 ngày kể từ thời điểm bắt đầu chuyển đổi. Ví dụ trong thời gian này người sử dụng quay số theo mã vùng cũ vào thuê bao tại TP Hà Nội là 04.23456789 hoặc quay số theo mã vùng mới là 024.23456789 thì cuộc gọi đều thành công.

Mặc dù đã đánh giá các tác động và các biện pháp giảm thiểu ảnh hưởng, tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề đặt ra đối với việc đổi mã vùng. Một số ý kiến cho rằng lộ trình của lần chuyển đổi này trải qua ba giai đoạn và gói gọn trong năm 2017 là khá gấp gáp khiến người dân và doanh nghiệp không kịp trở tay.

Hơn nữa, việc không áp dụng hình thức thêm số như trước đây (thêm số 6, 2, 3... trước mã vùng) mà thay đổi 100% cũng chưa được cơ quan chức năng giải thích rõ.

Những khúc mắc trên đã được chúng tôi đặt ra với ông Trần Mạnh Tuấn. Tuy nhiên, ông Tuấn cho biết đang bận họp và yêu cầu PV gửi thông tin qua email để tổng hợp trả lời sau.

Mã vùng điện thoại TP.HCM từ 8 thành 28

Với lần thay đổi này, theo Bộ TT&TT, hầu hết tỉnh, thành đều có mã vùng là ba chữ số, riêng TP.HCM và Hà Nội hai chữ số. Lộ trình của kế hoạch chuyển đổi mã vùng chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn 1 bắt đầu từ ngày 11-2-2017, áp dụng cho 13 tỉnh, thành; giai đoạn 2 bắt đầu từ ngày 15-4-2017, áp dụng đối với 23 tỉnh, thành và giai đoạn 3 từ 17-6-2017, áp dụng cho 23 tỉnh, thành còn lại.

Mã vùng điện thoại cố định của Hà Nội sẽ được chuyển từ 4 thành 24 và của TP.HCM từ 8 thành 28.

Mời bạn đọc xem danh mục đổi mã vùng của 63 tỉnh, thành trên plo.vn.

Gần 5 triệu thuê bao thay đổi

Theo đại diện Bộ TT&TT, gần 5 triệu thuê bao cố định trong cả nước sẽ thay đổi mã vùng khi thực hiện các cuộc gọi liên tỉnh hoặc từ điện thoại di động vào số máy cố định.

Tác giả bài viết: QUỲNH NHƯ - QUANG HUY - VIẾT THỊNH

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP