Giáo dục

Thị trường nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam: Khi bằng đại học là chưa đủ

Theo số liệu thống kê từ Forbes Việt Nam, quý I năm 2016, cả nước có 1,2 triệu người thất nghiệp, trong đó 44,2% ở nhóm cử nhân có bằng đại học - là nhóm có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất.


Những cuộc phỏng vấn căng thẳng, với nhiều đối thủ đáng gờm luôn là nỗi lo của các ứng viên trong quá trình ứng tuyển.

Hay nói một cách khác, không phải phân khúc lao động phổ thông và lao động tầm trung mới khó xin việc, mà phân khúc nhân sự chất lượng cao mới là nơi có sự cạnh tranh gay gắt.

Lý do bất ngờ cho vấn đề này không phải vì thiếu việc làm, mà là từ chất lượng nguồn nhân lực và khả năng đáp ứng yêu cầu khắt khe của nhà tuyển dụng chưa cao.

Nguồn nhân lực chất lượng cao: Khi chỉ bằng Đại học là chưa đủ

Dạo qua một số trang tuyển dụng nhân sự như Vietnamwork, Careerbuilder…ngoài yêu cầu bắt buộc về bằng cấp đại học, số năm kinh nghiệm, hầu hết các thông tin tuyển dụng chuyên viên, quản lý luôn có thêm một mục “ưu tiên” để liệt kê các loại chứng chỉ quốc tế liên quan mà ứng viên có.

Bạn Ngọc Khánh, sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin (CNTT) chia sẻ: “Trước đây, khi ứng tuyển vào vị trí chuyên viên CNTT của một ngân hàng lớn, mình nhận thấy thông tin tuyển dụng không yêu cầu kinh nghiệm, nhưng lại ưu tiên các ứng viên có chứng chỉ về bảo mật như CCNA, MSCA (một dạng chứng chỉ về bảo mật quốc tế được công nhận trên nhiều quốc gia - PV). Sau một năm theo đuổi các công ty lớn nhưng không thành, cảm thấy bằng ĐH là điều kiện rất cần, nhưng chưa đủ, mình quyết định tìm một doanh nghiệp nhỏ với yêu cầu thấp, đồng thời quyết tâm học thêm một chứng chỉ bảo mật của Microsoft để phát triển sự nghiệp.”

Không riêng gì CNTT, với một số ngành nghề khác, những chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế cũng được coi như một bảo chứng bắt buộc phải có, tiêu biểu là ngành tài chính, kế toán. Chị Thu Hà – hiện là kế toán tại một công ty tầm trung, nhưng có ý muốn chuyển sang chỗ làm tốt hơn chia sẻ: “Dù nói rằng tốt nghiệp đại học là có đủ điều kiện hành nghề, nhưng thực ra, các vị trí tuyển dụng tốt tại phòng tài chính, kế toán và kinh doanh của các doanh nghiệp lớn đều yêu cầu có thêm các bằng cấp quốc tế được công nhận trên toàn cầu. Bản thân mình đang cân nhắc việc theo đuổi chứng chỉ quốc tế về Tài chính, Kế toán và Kinh doanh (ICAEW CFAB). Mục tiêu trong vòng 3 - 5 năm tới mình sẽ có bằng Kế toán viên công chứng (ICAEW ACA) và làm việc tại một tổ chức quy mô hơn với vị trí và đãi ngộ tốt hơn.”

Giải thích lý do về việc các doanh nghiệp lớn khi tìm nhân sự chất lượng cao luôn yêu cầu bằng cấp chứng chỉ quốc tế, các nhà tuyển dụng cho rằng hình thức đào tạo tại Việt Nam thường tập trung nhiều về lý thuyết, chưa đảm bảo khả năng làm việc thực tiễn của người lao động. Trong khi đó, các chương trình đào tạo bằng cấp quốc tế tập trung nhiều vào việc phát triển kiến thức và kĩ năng chuyên môn. Những chương trình tốt hơn thậm chí trang bị cho người học những kĩ năng nghề nghiệp hữu dụng và cần thiết thông qua thực hành và kinh nghiệm thực tế.

Bằng cấp, chứng chỉ quốc tế, chìa khoá mở ra những cơ hội việc làm hấp dẫn

Hiện nay, vấn đề nguồn lực chất lượng cao của nước ta còn khá mỏng so với các quốc gia khác trong khu vực, nhất là trong những lĩnh vực đòi hỏi tính chuyên môn cao như Kế toán, Tài chính, Kinh doanh. Tại Hội thảo “Gia nhập TPP & AEC - thời cơ thách thức với kế toán kiểm toán VN”, ông Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán Kiểm toán VN nhận định: “Nhân lực làm nghề của chúng ta còn ít. Đội ngũ kế toán viên - kiểm toán viên VN có chứng chỉ quốc tế chỉ chiếm khoảng 3% trong tổng số gần 190.000 người hành nghề trong khối ASEAN. Trong khi đó, tài chính, kế toán và kiểm toán luôn được coi là dịch vụ cao cấp, đóng góp tích cực tăng trưởng kinh tế.”

Trao đổi với bà Đặng Mai Trang, trưởng đại diện Viện Kế toán công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) tại Việt Nam, bà cho rằng: “Vai trò của những người hành nghề kế toán ngày nay đã thay đổi rất nhiều. Họ không chỉ đơn thuần dừng lại ở việc ghi chép sổ sách đơn thuần, mà đang dần trở thành những chuyên gia phân tích, nhà tư vấn chiến lược kinh doanh quan trọng cho các doanh nghiệp. Do đó, cơ hội nghề nghiệp của họ không chỉ gói gọn trong lĩnh vực này, mà còn mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác nhau. Việc trang bị thêm những kiến thức và kĩ năng nghề nghiệp có tính ứng dụng cao, được quốc tế công nhận, đồng thời nâng cao khả năng ngoại ngữ là điều cần thiết, giúp người lao động nắm bắt tốt hơn những cơ hội mở ra, nhất là trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay.”


“Bằng cấp nghề nghiệp quốc tế ở Việt Nam hiện đã phổ biến hơn nhiều, việc lựa chọn cho mình một bằng cấp, chứng chỉ uy tín và phù hợp hoàn toàn phụ thuộc vào định hướng cũng như mục tiêu phát triển nghề nghiệp của người lao động.” Bà Trang cho biết thêm.
Tại Việt Nam, ngoài chứng chỉ quốc tế “cơ bản” như IELTS hay TOEFL, mỗi ngành luôn có những bằng cấp chuyên biệt - chứng minh cho kiến thức chuyên môn, kĩ năng chuyên ngành, bên cạnh năng lực và kinh nghiệm của một cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế - được đánh giá cao bởi giới chuyên môn cũng đơn vị tuyển dụng. Ví dụ trong ngành Tài chính, kế toán và kinh doanh có thể nhắc đến Bằng ICAEW ACA (The ICAEW chartered accountancy qualification); lĩnh vực nhân sự là PHR (Professional in Human Resources) …

Có thể nói, khi bằng Đại học mới đáp ứng giá trị kiến thức cần thiết và chưa được coi là một tiêu chuẩn đáng tin cậy đánh giá khả năng làm việc của ứng viên, thì bằng cấp, chứng chỉ quốc tế uy tín có thể giúp bổ khuyết cho những thiếu sót này, đồng thời là bảo chứng quan trọng giúp mỗi cá nhân vượt trội so với ứng viên khác trong quá trình tuyển dụng, mở ra cơ hội phát triển nghề nghiệp tốt hơn cho người lao động.

Tác giả bài viết: P.V

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP