Theo dữ liệu của Trading Economics tối 4/12 (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent chuẩn toàn cầu đã giảm 1,25% so với ngày trước đó xuống dưới ngưỡng 86 USD/thùng.
Giá của mỗi thùng dầu WTI chuẩn Mỹ cũng giảm 1,24 USD, tương đương 1,53%, xuống dưới mức 80 USD. Thị trường dầu thế giới lao dốc sau quyết định của OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và liên minh) trong cuộc họp quan trọng.
Giá dầu thô Brent đã lao dốc mạnh từ mức cao hồi tháng 3. Ảnh: Trading Economics. |
Quyết định của OPEC+
Cụ thể, sau phiên họp hôm 4/12, OPEC+ đã quyết định giữ nguyên mục tiêu sản lượng hiện tại. Mục đích của nhóm là có thêm thời gian đánh giá thị trường dầu toàn cầu dưới tác động từ nhu cầu năng lượng ở Trung Quốc và nguồn cung của Nga.
Quyết định cuối cùng của OPEC+ khác với dự báo trước đó của nhiều chuyên gia. Họ cho rằng để duy trì giá dầu ở mức cao, nhóm này sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng.
Cách đây hơn một tháng, những quốc gia quyền lực nhất trên thị trường dầu toàn cầu đã đưa ra một quyết định gây sốc. Đó là cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày vào thời điểm thị trường năng lượng thế giới đang chìm trong hỗn loạn, bất chấp lời kêu gọi từ phía Mỹ.
Saudi Arabia cũng đã gửi một tín hiệu khá rõ ràng cho thị trường trước cuộc họp. Bộ trưởng Năng lượng Abdulaziz bin Salman cho biết OPEC+ "sẵn sàng can thiệp" bằng việc cắt giảm nguồn cung hơn nữa nếu cần "cân bằng cung cầu".
OPEC+ đã đưa ra quyết định khác với dự đoán trước đó của nhiều nhà phân tích. Ảnh: Reuters. |
Theo ông Tamas Varga - nhà phân tích tại công ty môi giới PVM Oil, mức giá dưới 90 USD/thùng là "không thể chấp nhận được đối với OPEC".
"Trước cuộc họp, khả năng OPEC+ tiếp tục giảm sản xuất dầu đã đẩy giá của loại hàng hóa này lên cao", ông Craig Erlam - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở London) - trả lời Zing.
Theo cuộc khảo sát của Bloomberg với 16 chuyên gia phân tích và nhà giao dịch trước cuộc họp, có tới 10 người cho rằng OPEC sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng từ 250.000 thùng/ngày đến 2 triệu thùng/ngày.
Tương lai khó đoán
Giới đầu tư cho rằng thị trường dầu vẫn sẽ trồi sụt mạnh trong những ngày tới. Bởi các biện pháp trừng phạt từ phía phương Tây và những động thái trả đũa của Moscow có thể tác động mạnh tới nguồn cung dầu toàn cầu.
Trước cuộc họp của OPEC+, G7 và Australia đã nhất trí áp giá trần 60 USD/thùng đối với dầu của Nga được vận chuyển bằng đường biển, sau khi Liên minh châu Âu (EU) đạt được đồng thuận nội khối.
Mức giá trần này chính thức có hiệu lực từ ngày 5/12 hoặc ngay sau đó. Các quốc gia cũng tuyên bố sẽ tính đến những động thái “bảo đảm tính hiệu quả của giá trần”, nhưng chưa công bố thêm thông tin.
Chúng tôi đang phân tích và chuẩn bị hành động với mức giá trần này. Chúng tôi không chấp nhận nó Ông Dmitry Peskov - phát ngôn viên của Điện Kremlin |
Tuy nhiên, TASS dẫn lời ông Dmitry Peskov - phát ngôn viên của Điện Kremlin - cho biết phía Nga "sẽ không chấp nhận mức giá trần" 60 USD/thùng đối với dầu Nga mà EU nhất trí.
"Chúng tôi đang phân tích và chuẩn bị hành động với mức giá trần này. Chúng tôi không chấp nhận nó", ông Peskov nhấn mạnh.
Theo một nguồn tin của Bloomberg, Điện Kremlin đang soạn thảo một sắc lệnh của tổng thống nhằm cấm mọi doanh nghiệp Nga, hoặc thương lái mua dầu từ Nga, bán hàng hóa này cho bất cứ quốc gia, công ty nào hưởng ứng kế hoạch áp giá trần.
Theo sắc lệnh, các hợp đồng mua dầu thô và những sản phẩm từ dầu của Nga sẽ không dính dáng gì tới mức giá trần. Các lô hàng cũng không được đưa tới những quốc tham gia kế hoạch.
Tháng trước, Phó thủ tướng Alexander Novak cho biết Nga sẽ chuyển hướng sang "các đối tác theo định hướng thị trường" hoặc giảm sản lượng dầu.
Vào tháng 7, EU đã nhất trí cấm nhập khẩu dầu thô vận chuyển qua đường biển của Nga kể từ ngày 5/12.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sản lượng dầu của Nga có thể giảm 15% vào đầu năm sau bởi các chính sách mới bắt đầu có hiệu lực.
Tác giả: Thảo Phương
Nguồn tin: zingnews.vn