Giáo dục

Thi theo trắc nghiệm: Hiếm điểm khá, giỏi

Nhiều trường THPT tại TP HCM vừa hoàn tất việc chấm thi học kỳ I năm học 2016-2017, phổ điểm thi theo hình thức trắc nghiệm chủ yếu ở mức trung bình

Kết quả thi học kỳ I năm học 2016-2017 tại TP HCM được trông đợi hơn mọi năm, nhất là học sinh (HS) khối 12 vì đây là năm đầu tiên thi theo hình thức trắc nghiệm để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2017.

Chủ yếu đạt 5-6 điểm

Theo đánh giá sơ bộ ở nhiều trường, xét tổng quan, kết quả thi tương đương mọi năm nhưng lại có sự phân hóa rõ rệt. Ở các trường tốp đầu, kết quả thi không mấy thay đổi so với mọi năm nhưng các trường tốp giữa và cuối, HS đạt phổ điểm trung bình chiếm đa số; rất hiếm điểm khá, hầu như không có điểm giỏi.

12 chot 1483630250913
Học sinh lớp 12 tại TP HCM đang làm quen với các dạng đề thi trắc nghiệm Ảnh: TẤN THẠNH

Hiệu trưởng một trường THPT tại quận Gò Vấp cho biết lần đầu tiên thi theo hình thức mới nên trường chủ trương ra đề bám sát đề thi minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng số điểm dưới trung bình, nhất là 2 môn toán và giáo dục công dân, nhiều hơn các năm trước. Riêng môn toán, nhiều HS cho biết do đề thi dài, với những em học lực trung bình còn tốn thời gian để phân biệt câu dễ, khó nên cứ làm theo tuần tự, dẫn đến không đủ thời gian để hoàn thành bài.

Theo tổ trưởng chuyên môn một trường THPT tại quận 4, so với mọi năm, điểm thi học kỳ vừa qua của HS khối 12 ở các môn tự nhiên (toán, lý, hóa) tương đương năm ngoái. Mọi năm có khoảng 30% HS đạt dưới trung bình thì năm nay, phần lớn HS đạt phổ điểm trung bình và trên trung bình (mức điểm từ 5-6 điểm chiếm đa số); điểm 7 hiếm và điểm 8, 9 hầu như không có, nhất là môn toán. Lý giải về kết quả trên, vị này cho rằng có thể HS chưa làm hết sức. Ngoài ra, nhiều em cũng chưa làm quen nhiều với hình thức thi trắc nghiệm nên chỉ chọn câu nào thật dễ để vừa đủ mức điểm an toàn.


Đề thi còn thăm dò

Trong khi đó, theo hiệu trưởng nhiều trường, dù là hình thức thi trắc nghiệm giúp HS làm quen dần với kỳ thi THPT quốc gia sắp tới nhưng để lựa chọn giải pháp an toàn, các trường không dám ra đề mạnh dạn. Phần lớn các đề thi vẫn na ná, bám sát theo đề minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố. Chính vì thế, kết quả thi không thể phản ánh chính xác trình độ HS trong các kỳ thi tiếp theo mà chỉ là kết quả để các trường nghiên cứu thêm và có những điều chỉnh phù hợp.

Theo ông Hoàng Sơn Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Phong (quận 7), do đề thi có sự phân hóa, bám sát chương trình lớp 12 nên kết quả thi học kỳ I vừa qua ở khối 12 nhìn chung điểm các môn cao hơn giữa học kỳ I (giữa học kỳ tổ chức vào giữa tháng 10-2016); đặc biệt, môn toán và lịch sử do giáo viên và HS đã quen dần với hình thức thi, đồng thời có thời gian để ôn tập khá kỹ. Tuy nhiên, một số môn như tiếng Anh cải thiện không đáng kể do có đầu vào không cao. Riêng giáo dục công dân là môn lần đầu tổ chức thi tập trung và là thi trắc nghiệm nên hoàn toàn mới mẻ đối với cả giáo viên và HS. “Không riêng gì Trường THPT Tân Phong, qua tìm hiểu các trường trong

TP HCM, đề thi các môn toán, sử, địa, giáo dục công dân còn ở mức “dè dặt” vì mới mẻ. Các trường hầu hết chỉ mới căn theo bộ đề minh họa của bộ” - ông Hải nói.

Tổ trưởng chuyên môn toán một trường THPT tại quận 7 cho biết sau khi thi học kỳ I, dù kết quả cao hay thấp thì giáo viên còn lo hơn HS bởi đến nay, việc xây dựng ngân hàng đề thi theo hình thức trắc nghiệm vẫn rất khó khăn mà thời gian lại không còn nhiều. Giáo viên hiện nay vẫn ra đề theo chủ quan cá nhân và trình độ HS ở trường.

Gay go nếu không làm quen đề thi

Ông Trần Hữu Hòa, Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Trường THPT Marie Curie, cho biết so với năm ngoái, kết quả thi học kỳ I của HS khối 12 cao hơn, sở dĩ như thế là do giáo viên và HS ở trường có điều kiện làm quen với hình thức thi trắc nghiệm khá kỹ. Thế nên khi phương án thi trắc nghiệm được quyết, giáo viên không lúng túng khi ra đề, HS cũng không bỡ ngỡ. Theo ông Hòa, nếu trường nào được làm quen thì khá tốt, còn không thì gay go vì nội dung cơ bản của hai dạng đề như nhau, vấn đề là thời gian để giáo viên và HS quen thuộc. “Chưa thể dùng điểm số đó đánh giá hiệu quả của các đề thi trắc nghiệm mà phải chờ thêm thời gian để phân tích và có điều chỉnh phù hợp” - ông Hòa nói.

Tác giả bài viết: ĐẶNG TRINH

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP