Tại cổng trường, nam sinh Hoàng Tiến Đạt vừa mặc quần soóc, vừa không mang giấy tờ phải chờ bố mang đến. Nhiều thí sinh khác đến muộn vì trời mưa và tắc đường, sau đó vẫn được làm thủ tục dự thi.
Một nhóm học sinh di chuyển từ Hà Đông đến địa điểm thi phải đứng ở ngoài cổng trường. Ảnh: Nguyễn Sương.
Trường Phổ thông Năng khiếu Thể dục Thể thao Hà Nội là điểm dành cho thí sinh chỉ xét công nhận tốt nghiệp, do Sở GD&ĐT Hà Nội chủ trì.
Mất toàn bộ giấy tờ thi
Tại điểm thi Đại học Kinh tế Quốc dân, cụm thi Đại học Bách khoa Hà Nội, một thí sinh bị mất toàn bộ giấy tờ bao gồm thẻ dự thi, chứng minh thư nhân dân.
Thí sinh này là Trung sĩ Đỗ Văn Hảo, sinh năm 1995, công tác tại B2-C1-E31- K20 (Công An Hà Nội). Nam sinh này đã phải làm giấy cam kết với hội đồng thi. Trong các ngày tiếp theo, trung sĩ Hảo phải có giấy tờ của đơn vị, đồng thời có sự theo dõi chặt chẽ của Hội đồng thi như người đi kèm, chụp ảnh trước và sau khi thi.
PGS Nguyễn Phong Điền - Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Bách khoa Hà Nội (bên trái) hướng dẫn thí sinh Hảo làm cam kết. Ảnh: Anh Tuấn.
Theo quy chế thi của Bộ GD&ĐT, thí sinh bị mất giấy chứng minh nhân dân hoặc các giấy tờ cần thiết khác phải báo ngay cho trưởng điểm thi để xem xét, xử lý.
Chống nạng dự thi
Sáng 30/6, em Nguyễn Thị Kiều Oanh (xã Đức Hoà, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) chống nạng lên tầng cao tại trường THCS Cầu Diễn, quận Bắc Từ Liêm để đi làm thủ tục dự thi.
Đồng hành cùng Oanh trong suốt quá trình dự thi luôn có một sinh viên tình nguyện. Ảnh: Việt Hùng.
Thảo cho biết, cách đây một tháng, em bị tai nạn xe máy, gãy chân. Hiện tại, việc đi lại rất khó khăn, em được Thành đoàn Hà Nội bố trí chỗ ở miễn phí và có tình nguyện viên đưa đón trong tất cả các môn thi.
Nữ sinh bị bong gân trước ngày thi
Tại điểm thi trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa, một nữ sinh được bạn bè dìu vào làm thủ tục. Nữ sinh tên Nguyễn Thị Hồng (18 tuổi, trú tại huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa), cựu học sinh trường THPT Yên Định 2.
Hồng cho biết, em một mình bắt xe xuống TP Thanh Hóa dự thi. Được ở miễn phí tại Tòa giám mục (Nhà thờ chính tòa tỉnh Thanh Hóa), Hồng gặp sự cố khi trượt chân ngã trong phòng. Bị bong gân, việc đi lại của Hồng tương đối khó khăn, phải nhờ bạn bè hỗ trợ.
Nguyễn Thị Hồng được nhiều bạn bè hỗ trợ. Ảnh: Nguyễn Dương.
Sau khi làm thủ tục dự thi sáng ngày 30/6, Hồng sẽ đến bệnh viện để tiến hành khám chữa. Dự định của Hồng là xét tuyển vào trường Sư phạm Hà Nội 1, ngành Sư phạm Văn.
Thí sinh nghèo phải bỏ tiền thuê… chỗ ở miễn phí
Cụm thi THPT quốc gia tại TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) thuộc Hội đồng thi cụm số 41 do ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) chủ trì, phối hợp Sở GD&ĐT Quảng Nam và ĐH Quảng Nam tổ chức có gần 6.000 thí sinh. Trong đó, hầu hết là con em vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nông thôn. Hoàn cảnh gia đình các em còn nhiều khó khăn.
Tại Cao đẳng Điện lực miền Trung, 61 thí sinh đăng ký chỗ miễn phí và Cao đẳng Công nghệ - kinh tế và thủy lợi miền Trung có 151 thí sinh đăng ký ở miễn phí. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, khi vào đăng ký chỗ ở tại ký túc xá nhà trường, thí sinh cùng người nhà phải đóng phí và tiền cọc lên đến hàng trăm nghìn đồng.
Thí sinh xếp hàng, đợi chờ đăng ký xin chỗ ở tại ký túc xá 2 trường cao đẳng Điện lực miền Trung và cao đẳng Công nghệ - kinh tế và thủy lợi miền Trung. Ảnh: Khải Minh.
Ông Ngô Văn Tuấn – Phó trưởng phòng Công tác Học sinh - Sinh viên (Cao đẳng Điện lực miền Trung), phụ trách công tác hỗ trợ thí sinh tại điểm thi này, cho biết, hiện tại ký túc xá nhà trường đã quá tải. Trong tổng số 50 phòng ký túc xá, với khoảng 400 chỗ ở có thể huy động thì đều đã kín chỗ. Ngoài bố trí chỗ ở cho thí sinh tại các phòng, nhà trường đã bố trí thí sinh vào ở ghép cùng phòng với sinh viên, học sinh trong trường.
Có mặt tại ký túc xá 2 trường cao đẳng Điện lực miền Trung và cao đẳng Công nghệ - Kinh tế và Thủy lợi miền Trung (TP Hội An, Quảng Nam), chúng tôi thấy hàng trăm thí sinh xếp hàng, chờ đợi đăng ký và "xin" chỗ ở. Mặc dù đây là khu vực có bố trí chỗ ở miễn phí cho thí sinh, nhiều thí sinh phải buồn bã vì không được bố trí phòng trọ miễn phí như thông báo của ngành giáo dục tỉnh này.
Thí sinh được công nhận tốt nghiệp trước kỳ thi
Theo thông tin từ Sở GD&ĐT tỉnh Bình Thuận, thí sinh Nguyễn Thị Thanh Nguyên (lớp 12 trường THPT Phan Bội Châu, TP Phan Thiết, Bình Thuận) được đặc cách công nhận tốt nghiệp trước kỳ thi do vừa nhập viện mổ ruột thừa sáng 30/6.
Theo quy chế, những trường hợp ốm đau, tai nạn đột xuất sẽ được xem xét đặc cách tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, Nguyễn Thị Thanh Nguyên lỡ cơ hội dự thi để xét tuyển vào các trường đại học trong mùa tuyển sinh năm nay.
5 ngày thi THPT quốc gia diễn ra thế nào?: Kỳ thi THPT quốc gia 2016 diễn ra từ ngày 30/6 đến 4/7. Bộ GD&ĐT cho biết, 887.396 thí sinh sẽ làm bài thi tại 120 cụm thi trên cả nước.
Sáng 30/6, gần 900.000 thí sinh trên cả nước làm thủ tục dự thi THPT quốc gia. Đây là năm đầu tiên kỳ thi này được tổ chức ở các địa phương với 120 cụm thi. Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 diễn ra từ ngày 1 đến 4/7, với 8 môn thi, bao gồm: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ. Các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý thi theo hình thức tự luận; các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm; các môn Ngoại ngữ thi viết và trắc nghiệm. Đề thi môn Ngữ văn có 2 phần: Đọc hiểu và làm văn. Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, cả nước có 120 cụm thi, gồm 70 cụm thi do các trường đại học chủ trì và 50 cụm thi do các Sở GD&ĐT chủ trì. |
Tác giả bài viết: Nhóm phóng viên
Nguồn tin: