Nghệ An: Thí sinh bật khóc vì trót quên giấy tờ cần thiết
Các thí sinh gửi đồ không cần thiết trước khi bước vào phòng thi (Ảnh: Nguyễn Duy)
Một thí sinh (áo trắng) đã khóc khi đi tìm phòng thi vì để quên giấy tờ cần thiết (Ảnh: Nguyễn Duy)
Buổi sáng, để tránh ùn tắc giao thông, từ 6h 30 phút sáng các thí sinh đã có mặt tại điểm thi đầy đủ. Phía trước cổng trường Đại học Vinh, lực lượng thanh niên tình nguyện đã lập hàng rào để phân luồng, hỗ trợ thí sinh khi qua đường. Cùng với đó, đội tiếp sức cũng giúp thí sinh cất giữ tư trang, vật dụng.
Đúng 7 giờ, thí sinh bắt đầu làm thủ tục để chuẩn bị vào thi. Để tránh nhầm lẫn cho thí sinh, các giám thị tiếp tục đọc quy chế thi, nhắc nhở thí sinh những vật dụng được sử dụng trong phòng thi, những đồ vật bị nghiêm cấm.
Các thí sinh chuẩn bị làm bài thi (Ảnh: Nguyễn Duy)
Đây là năm thứ 2 Kỳ thi THPT Quốc gia được tổ chức nhằm thực hiện hai mục tiêu: xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Kỳ thi năm nay, Nghệ An có khoảng 34.000 thí sinh dự thi, trong đó cụm thi địa phương có hơn 12.000 thí sinh và cụm thi do Trường Đại học Vinh chủ trì có gần 22.000 thí sinh. Số lượng thí sinh Nghệ An đứng thứ 4 cả nước sau Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Thanh Hóa.
Với số lượng thí sinh đông đảo, Nghệ An đã tổ chức 61 điểm thi với 1229 phòng thi. Bên cạnh đó, huy động 3399 cán bộ, sinh viên làm công tác coi thi và hơn 1.000 người tham gia công tác bảo vệ, phục vụ tại các kỳ thi.
Một phòng thi khá khang trang, đầy đủ tiện nghi ở điểm thi Đại học Vinh (Ảnh: Nguyễn Duy)
Bình Định: Thí sinh ăn vội ổ bánh mì kịp giờ "chiến đấu"
Sáng 1/7, hơn 18 nghìn thí sinh tỉnh Bình Định bước vào ngày thi đầu tiên kỳ thi THPT Quốc gia 2016. Nhiều thí sinh không kịp ăn bún, phở mà ăn vội ổ bánh mì, hộp xôi bước vào phòng thi nhưng các em vẫn rất tự tin.
Nhiều thí sinh không được cha mẹ đưa đi thi phải ăn tạm ổ bánh mì để "chiến đấu" với 180 phút làm bài thi môn Toán sáng nay 1/7. (ảnh Doãn Công)
Nhiều thí sinh lại chọn ăn xôi đậu với niềm tin sẽ thi đậu. (ảnh Doãn Công)
Dù ăn bánh mì "cầm hơi" nhưng thí sinh vẫn tự tin bước vào phòng thi. (ảnh Doãn Công)
Quảng Trị: Thí sinh tề tựu dưới ánh nắng sớm
Tại cụm thi số 38, ngay từ sáng sớm, các phụ huynh đã đưa con đến trường thi. Số lượng học sinh đăng ký thi ở cụm thi 38 do ĐH Kinh tế Huế phối hợp với Sở GD-ĐT tổ chức là 7.484 thí sinh.
Các thí sinh được phụ huynh đưa đến trường thi khá sớm (ảnh Đăng Đức)
Lực lượng tình nguyện "Tiếp sức mùa thi" hướng dẫn thí sinh vào trường thi (ảnh Đăng Đức)
Trong tâm trạng hào hứng, thí sinh Nguyễn Văn Nam cho biết, đây là môn thi đầu tiên của kỳ thi quốc gia 2016. Trước đó em cũng đã chuẩn bị tâm thế, kiến thức để bước vào kỳ thi, hy vọng đạt được kết quả cao.
Lực lượng an ninh, đội tình nguyện tiếp sức mùa thi cũng nhiệt tình hướng dẫn cho thí sinh về điểm thi, phòng thi để các em vào trường theo đúng thời gian quy định.
Trà Vinh: Nhà sư "lai kinh ứng thí"
Tại cụm thi số 66 có hơn chục thí sinh rất đặc biệt là nhà sư đang tu trong các chùa Khmer trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đến dự thi.
Mới sáng sớm, sư Hoàng Sơn, học sinh Trung tâm Giáo dục Thường xuyên huyện Trà Cú (Trà Vinh) đã đến điểm thi số 2 (trường THPT Phạm Thái Bường, TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) để chuẩn bị thi môn đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2016.
Sư Sơn cho biết: “Tôi vừa đi tu trong chùa vừa học văn hóa tại huyện Trà Cú. Kỳ thi tốt nghiệp năm nay tôi xét tuyển ngành Luật, trường Đại học Trà Vinh với hy vọng đạt điểm cao, trúng tuyển sẽ tiếp tục học lên đại học”. Với học lực loại khá, sư Sơn rất tự tin ở kỳ thi tốt nghiệp năm nay.
Các nhà sư khoác áo vàng đến dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2016 (ảnh Minh Giang)
Một số vị sư quê quán ở địa phương khác nhưng đến các chùa trên địa bàn tỉnh Trà Vinh tu và học văn hóa cũng đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét hệ đại học trong kỳ năm nay. Sư Sơn Bươl, quê quán ở huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng nhưng 3 năm nay qua địa bàn huyện Trà Cú (tỉnh Trà Vinh) vừa tu vừa học văn hóa.
Năm nay, sư Bươl đăng ký xét tuyển hệ đại học ngành Văn hóa Khmer Nam bộ (trường Đại học Trà Vinh). Sư Bươl cho biết: “Nếu đậu đỗ học sẽ tiếp tục vừa tu vừa theo học để sau này trở về quê làm việc, giúp ích cho đồng bào dân tộc mình. Với sự chuẩn bị kỹ, hy vọng kỳ thi năm nay sẽ đạt điểm số cao để đỗ đại học”.
Theo phong tục của đồng bào Khmer Nam bộ, thanh niên gần tới tuổi trưởng thành thường phải vào chùa tu để báo hiếu cho cha, mẹ. Thời gian tu có thể từ vài tháng đến hàng chục năm. Một số nhà sư vừa tu trong chùa vừa tham gia học văn hóa, tham gia các kỳ thi từ bậc tiểu học đến đại học.
Tác giả bài viết: Nguyễn Duy - Doãn Công - Đăng Đức - Minh Giang