Giáo dục

Thế nào là một giáo viên giỏi?

Tâm-Trí-Đức luôn đi song hành với người giáo viên. Và đã là một người giáo viên giỏi thì phải luôn hội tụ đầy đủ cả ba yêu tố này.

LTS: Đồng tình với tác giả Bùi Minh Tuấn trong bài viết "Nên xem xét lại cách đánh giá và công nhận danh hiệu giáo viên giỏi", thầy giáo Trần Trí Dũng cho rằng cần phải chỉ rõ thế nào là một giáo viên giỏi trong một cách nhìn khái quát nhất.

Thầy cũng đưa ra đề xuất về phương pháp đánh giá giáo viên giỏi để quý độc giả cùng trao đổi.

Tòa soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả!


Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 21/01/2017 có đăng bài viết "Nên xem xét lại cách đánh giá và công nhận danh hiệu giáo viên giỏi" của thầy giáo Bùi Minh Tuấn.

Bài viết đã nói về việc đánh giá giáo viên giỏi không đúng thực chất theo cách thức như hiện nay.

Cụ thể, chỉ với một bài kiểm tra lý thuyết trong 180 phút và hai tiết dạy thực hành 90 phút thì khó có thể đánh giá được độ “giỏi” thực sự của giáo viên.

Với quan điểm này, tôi hoàn toàn đồng ý với thầy giáo Bùi Minh Tuấn.

Tuy nhiên, cần thiết phải trao đổi thêm về quan điểm thế nào là một giáo viên giỏi trong cách nhìn khái quát nhất hiện nay. Vì vậy, bài viết này xin được chia sẻ trong một góc nhìn về quan điểm ấy.

Giáo dục là một hoạt động đặc thù, do đối tượng tác động của hoạt động này là những con người với những khả năng nhận thức khác nhau.

Hoạt động giáo dục tác động lên chủ thể nhận thức nhằm đạt được hiệu quả là chủ thể nhận thức nắm bắt, lĩnh hội được tri thức và có khả năng ứng dụng vào những trường hợp cụ thể trong thực tiễn cuộc sống.

giao vien
Cần phải chỉ rõ thế nào là một giáo viên giỏi. (Ảnh minh họa: Báo Lao động)

Có thể nói, đội ngũ giáo viên của chúng ta hiện nay đều đã qua trường lớp đào tạo tùy theo từng cấp học và bậc học.

Tuy nhiên, trong số đó, không phải giáo viên nào cũng được xem là giỏi. Vậy tiêu chí nào có thể dùng để đánh giá một giáo viên giỏi?

Thứ nhất, theo tôi, giáo viên giỏi phải là người vững vàng về chuyên môn, giỏi về kiến thức.

Theo đó, người giáo viên giỏi phải vững vàng về kiến thức truyền thụ cho học sinh. Giáo viên giỏi phải nắm bắt được tất cả những luồng kiến thức dùng để truyền tải cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.

Giáo viên giỏi phải luôn có sự đào sâu trong tư duy, luôn cập nhật những kiến thức mới. Lẽ đương nhiên, giáo viên giỏi phải hiểu rõ những vấn đề mà mình đang giảng dạy cho học sinh.

Cùng với việc truyền đạt kiến thức, người giáo viên giỏi phải biết phát triển tri thức trên nền tảng đã có, để học sinh có thể phát huy được khả năng của mình.

Thứ hai, giáo viên giỏi phải là giáo viên dạy giỏi. Sự dạy giỏi của giáo viên ở đây được xét trên cơ sở hiệu quả của khả năng truyền đạt tới học sinh.

Theo đó, giáo viên dạy giỏi phải là giáo viên có phương pháp giảng dạy thích hợp, có khả năng giảng dạy cho nhiều đối tượng học sinh khác nhau.

Khi giảng dạy, học sinh hiểu bài và nắm vững kiến thức. Giáo viên dạy giỏi phải biết khai thác bài giảng ở nhiều góc độ khác nhau và luôn linh hoạt trong phương pháp giảng dạy.

Giáo viên dạy giỏi phải là giáo viên biết cách khơi gợi khả năng nhận thức và tư duy của học sinh, không áp đặt nhận thức theo lối truyền thụ một chiều.

Giáo viên dạy giỏi phải biết xử lý tốt các tình huống sư phạm phát sinh trong quá trình giảng dạy.

Nắm bắt đúng tâm lý của học sinh, hiểu suy nghĩ của học sinh và biết học sinh mong muốn gì là những yêu cầu đặt ra đối với một giáo viên dạy giỏi, để từ đó xây dựng giáo án và nội dung bài giảng cho phù hợp mà không lệ thuộc quá nhiều vào sách giáo khoa.

Giáo viên dạy giỏi phải có khả năng sáng tạo trong cách phương pháp giảng dạy để có thể thích hợp với nhiều đối tượng học sinh với tâm lý, khả năng nhận thức và trình độ khác nhau, và buổi học luôn có sự hấp dẫn, sinh động, không gây cảm giác nhàm chán đối với học sinh.

Thứ ba, giáo viên giỏi phải có kết quả lao động tốt. Theo đó, học sinh của giáo viên giỏi phải có kết quả học tập tốt. Đây là một tiêu chí quan quan trọng để đánh giá một giáo viên giỏi.

Bởi lẽ, người giáo viên vững vàng về chuyên môn, kiến thức, có phương pháp giảng dạy tốt nhưng lại không có hiệu quả đối với học sinh thì đương nhiên không thể coi đó là một giáo viên giỏi.

Giáo viên được xem là giỏi khi học sinh của giáo viên đó luôn hiểu được bài học, có hiệu quả trong học tập. Chúng ta biết, trong giáo dục có một mệnh đề: "Muốn có trò giỏi thì phải có thầy giỏi".

Vì thế, để đánh giá giáo viên giỏi cần căn cứ vào hiệu quả giảng dạy đối với học sinh.

Trong thời nào cũng vậy, người giáo viên phải luôn hội tụ đầy đủ ba yếu tố: Tâm, trí và đức. Đây là góc nhìn xã hội đối với nghề thầy.

Bởi lẽ, tâm đức, trí tuệ, trình độ và cả nhiệt huyết của người thầy luôn để lại dấu ấn đậm nét trong bước đường trau dồi học vấn và cả nhân cách của các thế hệ học trò.

Vì thế, trước hết, người giáo viên giỏi phải là một người giáo viên có tâm. Theo đó, người giáo viên có tâm phải hết lòng vì học trò, không phân biệt học sinh, chia sẻ và khuyến khích vươn lên đối với học sinh nghèo.

Người giáo viên có tâm luôn tận tụy với nghề, thường xuyên học hỏi, trau dồi để nâng cao kiến thức, vượt qua những thói vị kỉ tầm thường để luôn xứng với vị trí thanh cao, chân chính.

Người giáo viên có tâm phải luôn đề cao lối sống trung thực ngay trong cách sống của mình và những điều mà mình giảng dạy cho học trò.

Cùng với đó, người giáo viên giỏi phải là một người giáo viên có Trí. Theo đó, người giáo viên giỏi phải có tầm trí tuệ, luôn đi trước trong cách hiểu và nhận thức để giảng dạy học trò.

Từ đó biết khơi gợi nhận thức, lòng đam mê và sự nhiệt huyết trong việc học đối với học sinh.

Người giáo viên giỏi phải có tri thức ở trình độ cao để từ đó có thể tìm ra phương pháp giảng dạy cho học trò một cách hiệu quả nhất.

Bởi lẽ, tri thức và trình độ của giáo viên luôn được xem là yếu tố then chốt, đặt lên hàng đầu quyết định chất lượng giáo dục.

Tuy nhiên, nói đến nghề thầy nói chung và giáo viên giỏi nói riêng không thể không nói đến Đức. Bởi lẽ, đây là một trong những yêu tố quan trọng quyết định sự thành bại của giáo dục.

Theo đó, người giáo viên giỏi phải là một nhà giáo dục theo nghĩa đầy đủ. Đã là thầy thì phải có nhân cách, có đạo đức với lối sống tốt đẹp.

Trên thực tế, từ xưa tới nay, những thầy thành đạt và nổi tiếng được học trò và nhân dân yêu quý đều là những thầy có ứng xử và nhân cách tốt đẹp.

Để rèn rũa và giáo dục hình thành nhân cách cho học trò thì các thầy cô giáo phải luôn là một tấm gương, sao cho khi đó các thầy cô không chỉ là một người dạy kiến thức văn hóa đơn thuần, mà còn là người thầy giáo dục về đạo đức, nhân cách cho học sinh.

Vì thế, giáo viên giỏi phải là người giáo viên được vị nể cả về chuyên môn và đạo đức.

Bởi lẽ, người giáo viên giỏi không thể chỉ đến giờ thì lên lớp giảng bài, hết giờ thì ra khỏi lớp và coi như đã hết trách nhiệm với học trò, và rồi xưng "mày", "tao" với học trò khi học trò có lỗi.

Nếu như thế thì không thể giáo dục đạo đức cho học trò và không thể để cho học trò nể trọng được.

Chính vì thế, Tâm-Trí-Đức luôn đi song hành với người giáo viên, và đã là một người giáo viên giỏi thì phải luôn hội tụ đầy đủ cả ba yêu tố này.

Từ các phân tích trên, theo tôi, để đánh giá và xét công nhận một giáo viên giỏi cần được hiện theo cách thức sau:

Theo đó, giáo viên phải làm một bài kiểm tra lý thuyết trong 180 phút và ba tiết dạy thực hành với ba lớp đối tượng học sinh khác nhau.

Đặc biệt cần thiết phải tiến hành khảo sát trên cơ sở kiểm tra chất lượng học sinh và nghe chính ý kiến của những học sinh mà giáo viên đó đã giảng dạy trực tiếp.

Có như thế mới có được sự đánh giá khách quan, công bằng và trung thực nhất trong việc xét công nhận giáo viên giỏi.

Ở đây cũng cần đề nghị thêm là, cùng với việc xét danh hiệu giáo viên giỏi, ngành giáo dục cần có chế độ đãi ngộ đối với những giáo viên đã đạt danh hiệu này.

Có như vậy mới khích lệ được phong trào thi đua trong đội ngũ các thầy cô giáo, và từ đó thúc đẩy nền giáo dục phát triển.

Trên đây là một số quan điểm và ý kiến cá nhân về việc xét công nhận giáo viên giỏi hiện nay trong cách nhìn thực tế.

Rất mong các đồng nghiệp cũng như những ai đang quan tâm đến ngành giáo dục có thêm quan điểm về vấn đề này, để từ đó có được một nền giáo dục thực chất, nhân văn và phát triển hiệu quả.

Tác giả bài viết: Trần Trí Dũng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP