Thế giới

Thế khó của Putin trên chiến trường Syria

Tình thế đối đầu giữa Iran và Israel ở Syria có thể hủy hoại tính toán chiến lược của Nga, buộc Putin phải đưa ra lựa chọn khó khăn.

Tổng thống Putin phát biểu trước các binh sĩ Nga tại Syria tháng 12/2017. Ảnh: Tass.

Khi phát động chiến dịch quân sự ở Syria vào năm 2015, Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như đã vạch ra mục tiêu chiến lược rất rõ ràng: Ổn định Syria, giải cứu chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad và cân bằng những lợi ích đối lập nhau giữa Iran với Israel tại quốc gia đang chìm trong chiến sự này, theo Haaretz.

Đến tháng 12 năm ngoái, ông bất ngờ đến thăm Syria và khẳng định nhiệm vụ của Nga ở đây đã hoàn thành, đồng thời đưa ra kế hoạch rút phần lớn lực lượng quân sự về nước. Thế nhưng, bình luận viên Anshel Pfeffer cho rằng những sự việc diễn ra sau đó cho thấy Putin đã tuyên bố chiến thắng quá sớm, khi mọi thứ ở Syria đang bắt đầu dần tuột khỏi tay người Nga.

Nga đã đặt nhiều kỳ vọng vào hội nghị hòa bình diễn ra ở Sochi tháng trước, nơi các bên dự kiến thảo luận một tiến trình chính trị cho tương lai của Syria mà vẫn đảm bảo vị thế của Assad. Nhưng hội nghị này đổ vỡ ngay khi chưa bắt đầu, khi Thổ Nhĩ Kỳ, một bên đàm phán quan trọng, phát động chiến dịch quân sự tấn công vào dân quân người Kurd ở miền bắc Syria.

Chiến dịch này đẩy Syria vào một vòng xoáy xung đột mới, khi người Kurd đề nghị quân đội chính phủ Syria điều quân đến Afrin để cùng họ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ trước hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ. Khi các đơn vị quân đội Syria tiến vào Afrin, Thổ Nhĩ Kỳ đã nã pháo cảnh cáo.

Điều đáng lo ngại hơn đối với Nga là tình hình ở miền đông Syria, nơi Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) chống lại chính quyền của ông Assad đang mở rộng quyền kiểm soát ở những khu vực mà phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bỏ lại.

Sự bành trướng của SDF dưới sự hậu thuẫn của Mỹ làm nảy sinh những cuộc đụng độ không thể tránh khỏi với quân đội Syria và các lực lượng ủng hộ ông Assad. Trong một trận đối đầu cách đây gần hai tuần giữa các đơn vị thân Syria với SDF, quân đội Mỹ đã không kích khiến hàng trăm người thiệt mạng, trong đó có hàng chục công dân Nga chiến đấu ở Syria dưới danh nghĩa lính đánh thuê.

Nhưng những gì diễn ra ở mặt trận phía đông không thực sự khiến Putin lo ngại, bởi SDF đến nay chưa đe dọa trực tiếp đến lợi ích chính của Nga ở Syria. Xung đột giữa Israel và Iran mới là điều khiến Nga lâm vào thế "tiến thoái lưỡng nan", bởi đó có thể là hiểm họa lớn với chính quyền của ông Assad, đồng minh thân cận của Putin.

Suốt hai năm rưỡi qua, thỏa thuận giữa Nga và Israel rất đơn giản: Tel Aviv nhất trí để Moscow hậu thuẫn chính quyền ông Assad bằng các cuộc không kích nhắm vào phiến quân và lực lượng nổi dậy. Đổi lại, Nga sẽ làm ngơ trước việc tiêm kích Israel thường xuyên đánh bom các đoàn xe và kho vũ khí của dân quân Hezbollah thân Iran trên lãnh thổ Syria.

Trong khi đó, Iran lại là đồng minh quan trọng của Nga trong nỗ lực củng cố chính quyền của ông Assad. Nga không thể điều bộ binh đến chiến trường Syria, nên các đơn vị dân quân Hezbollah và Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) có vai trò lớn trong việc chiếm lại lãnh thổ từ phiến quân IS và các nhóm nổi dậy.

Bởi vậy, khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu yêu cầu Nga ngăn chặn Iran xây dựng các căn cứ thường trực trên lãnh thổ Syria, ông Putin đã tìm cách đưa ra một giải pháp thỏa hiệp "đẹp lòng đôi bên". Theo đó, Iran sẽ tiếp tục xây dựng lực lượng dân quân ở Syria, nhưng không đến quá gần biên giới Israel hay thiết lập các căn cứ lớn ở đây.

Tổng thống Nga Putin (trái) và Thủ tướng Israel Netanyahu. Ảnh: Sputnik.

Thế cân bằng chiến lược giữa Israel và Iran mà Putin nỗ lực xây dựng này rất mong manh. Mọi thứ gần như đổ vỡ khi IRGC cho một máy bay không người lái xâm nhập không phận Israel vào ngày 10/2, buộc Tel Aviv trả đũa bằng cách điều tiêm kích F-16 tấn công cơ sở quân sự Iran trên lãnh thổ Syria.

Lực lượng phòng không Syria, dưới sự khuyến khích của Iran, đã phóng tên lửa bắn hạ một tiêm kích F-16 của Israel. Khi chiếc chiến đấu cơ đâm xuống đất và chiến dịch trả đũa của Israel bắt đầu, đó cũng là thời điểm Nga không còn kiểm soát được lợi ích của tất cả các bên ở Syria.

Tel Aviv đe dọa sẽ có những biện pháp mạnh tay với quân đội Syria, thậm chí mở ra một cuộc chiến mới. Điều này trực tiếp đe dọa đến sự tồn vong của chính quyền ông Assad, khi thủ đô Damascus nằm rất gần biên giới Israel.

Một cuộc chiến lớn giữa Israel và Syria chỉ được ngăn chặn khi Putin gọi điện cho Netanyahu, yêu cầu Israel tránh thực hiện những động thái có thể dẫn đến "vòng xoáy nguy hiểm mới trong khu vực". Sau cuộc điện đàm, Israel đã không còn đề cập đến các phương án quân sự tấn công vào lực lượng của Iran và Syria.

Theo bình luận viên Pfeffer, điều này cho thấy ảnh hưởng thực sự của Nga của khu vực, nhưng cũng thể hiện rằng bất cứ sự cố nào trên thực địa cũng có thể hủy hoại tính toán chiến lược của Moscow ở Syria, nơi Nga đã đầu tư rất nhiều công sức và nguồn lực.

Cộng đồng tình báo Israel cũng đang chia làm hai trường phái rõ rệt trong vấn đề này. Một số tin rằng Putin sẽ ra tay chế ngự Iran để bảo vệ chính quyền Assad trước mối đe dọa đến từ Israel, trong khi nhiều quan chức Tel Aviv nhận định Putin sẽ không thể quay lưng với các lực lượng thân Iran vốn có vai trò rất quan trọng trên chiến trường Syria. Điều đó có thể khiến Israel hoặc phải khoanh tay đứng nhìn Iran và Hezbollah xây dựng lực lượng ngay sát nách mình, hoặc phải đối đầu với chính người Nga.

Giới phân tích tin rằng Israel sẽ không liều lĩnh đụng độ trực tiếp với Nga, bởi cuộc đối đầu với Iran cũng đã đủ khiến họ đau đầu. Tuy nhiên, chuyên gia Itamar Rabinovich của Viện Brookings cho rằng Tel Aviv luôn nhận thức được mối quan hệ mà họ đang xây dựng với Moscow để ngăn chặn một cuộc đối đầu tại Syria có thể sụp đổ bất cứ lúc nào do những sự cố bất ngờ trên chiến trường.

Sớm hay muộn, Putin cũng sẽ phải lựa chọn giữa Israel hoặc Iran, nếu không muốn đánh mất tất cả những gì đã bỏ ra ở Syria, Pfeffer nhận định.

Tác giả: Trí Dũng

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: chiến trường , Syria , Putin

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP