Giáo dục

Thầy giáo làm thơ truyền cảm hứng cho học sinh yêu môn Sử, Lý

Từ những bài học tưởng như khô khan, đầy công thức, thầy giáo Trần Minh Tú (Ninh Bình) sáng tác thành những bài thơ mượt mà giúp học sinh dễ nhớ. Qua những vần thơ dễ hiểu, thầy truyền cảm hứng yêu môn các môn Lịch sử, Vật lý cho học sinh.

Dành tình yêu đặc biệt cho môn Sử

Trước khi gặp trò chuyện với thầy Trần Minh Tú - giáo viên trường THCS Trương Hán Siêu (thành phố Ninh Bình, Ninh Bình), chúng tôi được cô Vũ Thị Thu Hằng, Hiệu phó nhà trường giới thiệu về thầy giáo trẻ này bằng những lời ngắn gọn, mộc mạc và chân thành: “Thầy Tú là người luôn tâm huyết với nghề, sung sức với chuyên môn, hăng say trong giảng dạy và say sưa học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước”.

Sau khi tốt nghiệp ĐH Quốc gia Hà Nội, chàng trai trẻ Trần Minh Tú (SN 1986) về công tác tại trường THCS Trương Hán Siêu từ năm 2009 đến nay. Khi mới tiếp xúc, không ai nghĩ thầy giáo dạy Vật lý ít nói này lại có tâm hồn lãng mạn, yêu văn thơ, dành sự quan tâm đặc biệt cho môn Lịch sử.

Câu chuyện của chúng tôi với thầy Tú bắt đầu bằng tình yêu mà giáo viên trẻ này dành cho môn Lịch sử. Bởi, hiện thầy đang là một trong những giáo viên “nòng cốt” của nhà trường trong việc duy trì, hoạt động trang Fanpage (Facebook) “Lịch sử Việt Nam qua ảnh và thơ”.

Thầy Tú tâm sự: “Mình thích môn Sử từ ngày còn học đại học. Khi đó thấy các phương tiện truyền thông nói nhiều về việc giới trẻ ngày càng quay lưng với môn học này làm mình càng để ý đến nó nhiều hơn. Từ đó, mình bắt đầu mua sách lịch sử về đọc”.

Càng đọc và nghiên cứu lịch sử Việt Nam, chàng sinh viên Trần Minh Tú càng nhận ra nhiều điều, trong đó có những nguyên nhân khiến học sinh không mấy hứng thú với môn Sử. Tú đặc biệt quan tâm nhất là rất nhiều chi tiết trong phần lịch sử phong kiến Việt Nam được dịch từ tiếng Hán về tiếng Việt không chuẩn xác nên từ đó anh quyết định học thêm tiếng Hán để tìm học đúng tài liệu gốc.

“Trong quá trình học tiếng Hán, mình biết thêm được rất nhiều bài thơ nên có niềm yêu văn thơ từ đó. Vì phải dồn tâm sức cho môn học chính nên có thời gian niềm đam mê lịch sử của mình phải gác lại. Tuy nhiên, mỗi lúc có cơ hội được bày tỏ quan điểm của mình về lịch sử, mình lại rất hứng thú”, thầy Tú chia sẻ.

Dạy môn Vật Lý nhưng thầy Tú dành tình yêu đặc biệt cho môn Lịch Sử. Nhờ những bài thơ thầy Tú làm đăng lên facebook, nhiều học sinh ham học sử trở lại, chất lượng môn học của nhà trường được nâng lên.

Biến môn học “khô khan” thành mượt mà dễ nhớ

Về trường THCS Trương Hán Siêu công tác, là một giáo viên dạy Vật lý, thầy Tú luôn tìm tòi sáng tạo để học sinh không chán với môn học của mình. Với tâm hồn lãng mạn của một thi sĩ, thầy đúc kết lại những bài dạy học của mình chuyển thành những bài thơ cho học sinh dễ hiểu, dễ nhớ. Từ một môn học đầy công thức, qua vần thơ thầy Tú, môn Vật lý biến thành những bài học mượt mà, kích thích tình yêu môn học này cho học sinh hơn.

Trong kho thơ về môn Vật lý cấp THCS của mình, thầy Tú hiện có rất nhiều bài thơ hay. Nhiều bài, thầy đăng lên trang Facebook cá nhân để học sinh tìm đọc và học thuộc bài. Chẳng hạn, khi phân biệt giữa “chuyển động và đứng im” thầy Tú làm bài thơ: “Phân biệt chuyển động đứng im/ Nhìn quanh vật đó mà tìm mốc so/ Khoảng cách em chớ có đo/ Quan tâm vị trí mới lo đứng dời”.

Hay những câu thơ khác trong các bài học ở môn học này như: “Muốn tính vận tốc trung bình/ Quãng đường đi được trên mình thời gian”; “Áp suất chất lỏng đặt lên/ Đáy, thành, mọi vật ở bên trong bình”; “Muốn biết chuyển động chậm nhanh/ Phải xem vận tốc ai dành phần hơn/ Tưởng dễ nhưng chớ khinh nhờn/ Trước khi so sánh đổi đơn vị kìa”…

Biết học sinh ngày càng không "mặn mà" với môn Lịch sử, niềm đam mê sáng tác thơ về môn học này trở lại với thầy Tú. “Cách đây 2 năm, nhà trường lập trang Fangage “Lịch sử Việt Nam qua ảnh và thơ” để kích thích học sinh đến với môn sử. Từ đó, mình quyết định làm những bài thơ để góp sức vào sự khơi dậy tình yêu môn sử cho học sinh”, thầy giáo trẻ cho hay.

Các bài thơ về môn lịch sử của thầy Tú chủ yếu là những bài thơ gắn với nhân vật lịch sử, gắn với mốc hoặc giai đoạn lịch sử như: Trần Quốc Toản Bóp nát quả cam; Anh hùng thiếu niên Trần Quốc Toản; Danh tướng Lý Thường Kiệt; Đại chiến Bạch Đằng; Kháng chiến chống Mông - Nguyên; Quang Trung đại phá quân Thanh…

Từ những bài học "khô khan", đầy công thức, thầy Tú biến thành những bài thơ mượt mà, dễ hiểu dễ nhớ giúp học sinh học thuộc bài, thêm yêu môn học hơn.

Khi được hỏi, ban ngày dành thời gian trên lớp, về nhà dành thời gian cho gia đình, thầy sáng tác thơ cho môn Sử khi nào, thầy Tú mỉm cười trả lời: “Trước khi đi ngủ hoặc giờ nghỉ trưa, mình nghĩ đến nhân vật nào thì sáng tác thành câu, bài thơ hợp với bài học đó luôn. Thường thì các bài thơ về môn Sử dài hơn các bài thơ về môn vật lý”. Thầy Tú cho biết thêm, làm xong bài thơ nào, thầy lại đưa lên trang Fanpage của trường để các em học sinh biết và học tập.

Hiện thầy Tú có hơn 20 bài thơ về môn Lịch sử, không chỉ làm phong phú trang fanpage “Lịch sử Việt Nam qua ảnh và thơ” của nhà trường mà còn giúp giáo viên chuyên môn Sử có thêm động lực đưa học sinh trở lại đam mê môn học “khô khan” bị nhiều học sinh quay lưng trong thời gian qua.

Những câu thơ về môn lịch sử được thầy giáo Vật lý làm rất dễ nhớ, đầy ý thơ như: “Một hai tám bốn (năm 1284) Diên Hồng/ Thượng hoàng mới hỏi đánh không hay hòa/ Bô lão trong khắp nước ta/ Đồng thanh hô lớn đánh và đánh thôi” (bài Hội nghị Diên Hồng)

Hay bài Quang Trung đại phá quân Thanh: “Quang Trung đại phá quân Thanh/ Mấy vạn xác giặc chất thành đống cao/…”.

Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, thầy Tú làm bài thơ viếng, cũng từ bài thơ này đã giúp học sinh nhớ về vị tướng tài của Việt Nam và thế giới, bên cạnh đó là bài học về chiến thắng Điện Biên Phủ… Bài thơ có đoạn: “Vang lừng chiến thắng Điện Biên/ Nhân dân Đại tướng viết liền một câu/ Tên Bác chấn động địa cầu/ Ba lần lên báo trang đầu York Time/ Tự hào hai tiếng Việt Nam/ Pháp thua, Nhật rút chú Sam chịu hòa/… Sao hay tin dữ vẫn thương vô cùng/ Võ Nguyên Giáp tướng anh hùng/ Kính người an nghỉ ở vùng trời tiên”.

Cô giáo Vũ Ngọc Lan Anh, giáo viên dạy môn Lịch sử trường THCS Trương Hán Siêu chia sẻ: “Nhờ có những bài thơ của thầy Tú mà học sinh trong trường không còn quay lưng với môn Sử. Nhiều bài học được học sinh thuộc bài và nhớ hơn thông qua những câu thơ mượt mà của thầy Tú. Chất lượng học Sử của học sinh nhà trường được nâng lên rất nhiều”.

Tác giả bài viết: Thái Bá

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP