Giáo dục

Thầy giáo hiến kế đảm bảo công bằng, nghiêm túc giữa các cụm thi

Việc “cởi bỏ” áp lực bằng mọi cách phải có tỷ lệ tốt nghiệp “đẹp” sẽ khiến cho các hội đồng thi chuyên tâm thực hiện nghiêm quy chế thi.

LTS: Tiếp tục nêu phương án về một kỳ thi công bằng, hôm nay, thầy giáo Bùi Minh Tuấn nêu ra giải pháp nhằm đảm bảo cho kỳ thi được tiến hành thực sự nghiêm túc, an toàn.

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả bài viết.


Theo Quy chế kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, bên cạnh các cụm thi do các trường Đại học chủ trì, mỗi tỉnh, thành sẽ có các cụm thi dành cho các đối tượng thí sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT.

Đây được xem là giải pháp linh hoạt nhằm giảm gánh nặng tổ chức cho các cụm thi liên tỉnh, đồng thời nhằm giảm áp lực thi cử.

thi quoc gia
Làm sao để việc tổ chức cụm thi ở các địa phương đảm bảo công bằng, nghiêm túc? (Ảnh: news.zing.vn)

Để đảm bảo tính khách quan, công bằng, nghiêm túc của các cụm thi do Sở chủ trì, Bộ GD&ĐT vẫn cần có những cơ chế giám sát, kiểm tra chặt chẽ khi giao quyền tự chủ cho các địa phương.

Việc Bộ GD&ĐT tiếp tục giao quyền tự chủ cho các Sở GD&ĐT phụ trách tổ chức cụm thi ở các địa phương trong kỳ thi THPT quốc gia được dư luận đồng tình bởi nhiều lẽ.

Trước hết, khi không quy định “cứng” về việc phải thi theo cụm thi do các trường đại học chủ trì, sẽ tạo điều kiện thuận tiện về giao thông cho thí sinh trong những ngày diễn ra kỳ thi, nhất là với những thí sinh ở các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Việc bố trí cán bộ coi thi làm nhiệm vụ ở các hội đồng thi vì thế cũng sẽ linh hoạt hơn, có thể tránh được cảnh “cơm niêu nước lọ” khi giáo viên được điều động làm giám thị ở những điểm thi cách quá xa nơi công tác.

Với việc bỏ quy định chấm chéo bài thi tự luận giữa các tỉnh, thành, các Sở GD&ĐT sẽ chủ động hơn trong việc triển khai kế hoạch chấm thi, không còn phải phụ thuộc vào tiến độ chấm thi của tỉnh bạn.

Cùng với đó, tình trạng “bắt tay” giữa địa phương này với địa phương khác để “nới lỏng” đáp án trong quá trình chấm thi cũng sẽ không còn.

Như vậy, việc giao cho các Sở GD&ĐT phụ trách chịu trách nhiệm tổ chức các cụm thi địa phương là nhằm tăng tính chủ động, linh hoạt trong quá trình tổ chức kỳ thi theo hướng tinh giản, gọn nhẹ, tự chủ.

Tuy nhiên, vấn đề đáng lưu tâm là, không chỉ giao cho các Sở GD&ĐT quyền chủ động tổ chức kỳ thi, Bộ GD&ĐT còn giao nhiệm vụ thanh tra kỳ thi cho các địa phương.

Thay vì huy động một lực lượng lớn thanh tra ủy quyền từ đội ngũ giảng viên ở các trường Đại học, Cao đẳng như ở cụm thi do các trường đại học chủ trì, do lực lượng mỏng, ở một số điểm thi, Bộ sẽ chỉ cử các đoàn thanh tra lưu động di giám sát ở các địa phương.

Điều này khiến cho dư luận không khỏi băn khoăn, nghi ngại về mức độ khách quan, chính xác của kỳ thi. Những lo lắng này không phải là không có cơ sở.

Qua thời gian triển khai, phong trào “hai không” dù đã đạt được một số kết quả bước đầu nhưng bệnh thành tích trong giáo dục vẫn chưa được chấm dứt triệt để.

Áp lực về việc phải có tỷ lệ tốt nghiệp “đẹp” có thể sẽ khiến cho một số địa phương buông lỏng trong các khâu tổ chức kỳ thi như: coi thi, thanh tra thi, chấm thi… nhất là khi không có sự giám sát trực tiếp từ đội ngũ thanh tra của Bộ GD&ĐT.

Nếu không có những giải pháp kiểm tra, giám sát hữu hiệu, “vết xe đổ” của tình trạng nhốn nháo, tiêu cực trong thi cử rất có thể lại tái diễn.

Nên chăng, trong khi giao quyền chủ động tổ chức kỳ thi cho các Sở GD&ĐT, Bộ GD&ĐT cũng cần tính đến những giải pháp cần thiết nhằm đảm bảo cho kỳ thi được tiến hành thực sự nghiêm túc, an toàn.

Theo đó, cần gắn chặt trách nhiệm của người đứng đầu các Sở GD&ĐT, các hội đồng coi thi với độ “sạch” cần có của kỳ thi. Nếu phát hiện có sai phạm, tiêu cực, phải xử lý nghiêm.

Song song với việc phát huy tối đa hiệu quả của các đoàn thanh tra lưu động được cử đi giám sát ở các địa phương, Bộ GD&ĐT cần triển khai nghiêm túc khâu hậu kiểm kết quả chấm thi ở các địa phương.

Bên cạnh ý thức trách nhiệm của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trực tiếp tham gia vào các khâu trong quá trình tổ chức kỳ thi, rất cần sự đồng thuận của cộng đồng xã hội, các bậc phụ huynh và cả lãnh đạo các địa phương.

Việc “cởi bỏ” áp lực bằng mọi cách phải có tỷ lệ tốt nghiệp “đẹp” sẽ khiến cho các hội đồng thi chuyên tâm thực hiện nghiêm quy chế thi.

Tác giả bài viết: Bùi Minh Tuấn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP