Giáo dục

Thầy giáo 10 năm bám đảo Hòn Thơm, mỗi tuần soạn hơn 15 giáo án

Để có thể phục vụ công tác giảng dạy ở ngôi trường ghép cả bậc tiểu học và trung học cơ sở tại xã Hòn Thơm, huyện đảo Phú Quốc, thầy giáo Lê Nhật Tiến cũng như các giáo viên của trường thường soạn tới hơn 15 giáo án mỗi tuần…

Sinh ra và lớn lên tại một vùng nông thôn nghèo ở Giồng Điền (Thừa Thiên - Huế) trong một gia đình gồm 6 anh chị em, ngay từ nhỏ Lê Nhật Tiến đã nuôi ước mơ là một thầy giáo để đem con chữ đi đến các bản làng, hải đảo xa xôi. Gia đình khó khăn, để thực hiện được ước mơ đó, chàng trai xứ Huế đã nỗ lực làm thuê, vác mướn, bán vé số… để có tiền ăn học, giảm gánh nặng cho bố mẹ.

Tháng 6/2016, Nhật Tiến tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Kiên Giang, anh tìm được một chỗ làm tương đối tốt ngay gần gia đình nhưng khát khao dạy chữ cho những đứa trẻ nghèo thì vẫn còn nguyên đó, đầy thôi thúc. Anh tình nguyện nộp hồ sơ xin ra đảo Phú Quốc và được Phòng GD&ĐT huyện phân công nhận nhiệm vụ ở trường Tiểu học - Trung học cơ sở Hòn Thơm.


Điều kiện vật chất, cơ sở trang thiết bị dạy học ở đảo thiếu thốn, tư liệu thảm khảo cho giáo viên cũng như học sinh hầu như không có, để nâng cao hiệu quả giảng dạy, thầy Tiến vừa không ngừng học hỏi để bản thân không bị lạc hậu so với thời đại, vừa linh hoạt, phối hợp nhiều phương pháp trong giảng dạy và luôn quan tâm sâu sát đến từng em học sinh. Với anh, điều quan trọng nhất mà mỗi người giáo viên cần có là tình yêu thương các em học sinh và nghiệp vụ chuyên môn tốt.

Theo thầy Tiến, việc giảng dạy của tất cả giáo viên ở đảo đều có đặc thù là phải kiêm nhiệm thêm nhiều chức vụ khác nhau ngoài giảng dạy. Đặc biệt, việc soạn giảng bài của thầy cô cũng rất nhiều để đáp ứng việc dạy đồng thời học sinh cả hai cấp học (cấp 1 và cấp 2).

“Thay vì mỗi tuần giáo viên ở các trường lớn chỉ soạn 2, 3 hay 4 giáo án là có thể phục vụ cho công tác giảng dạy thì chúng tôi soạn hơn 15 giáo án mỗi tuần…”, anh tâm sự.

Hơn 10 năm công tác, bằng lòng tận tâm với nghề và nỗ lực trau dồi chuyên môn, anh Tiến luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Mỗi ngày trôi qua là một ngày người thầy có thêm nhiều kỷ niệm vui, buồn cùng các lớp học trò ở xã đảo nghèo. Thầy Tiến vẫn nhớ mãi hình ảnh của một người cha áo quần xộc xệch dắt hai con, một đứa 7 tuổi, một đứa 9 tuổi đi tựu trường (vào học lớp 1) năm học 2008-2009.


“Cả hai em áo quần lắm lem, mặt mày đen đúa, tóc thì bị cháy vàng bởi cái nắng chói chang cộng với hơi nước biển hắt vào vì các em phải đi biển làm cùng bố mẹ. Hỏi ra tôi mới biết cha mẹ các em sống ở một hòn đảo biệt lập và cách xa Hòn Thơm chừng 3 cây số. Ở đây thế giới của các em như những “Robinson ngoài đảo hoang”. Hình ảnh 2 em nhìn các bạn cùng lớp nhỏ tuổi hơn vô cùng sợ sệt, giờ ra chơi, hai em cầm 2.000 đồng xuống mua đồ mà không biết mua gì, chỉ biết đứng nhìn. Tôi nhẹ nhàng hỏi em “ Con mua gì thầy lấy cho”, em chỉ biết chỉ chứ chẳng biết đó là cái gì… Với hai em, các loại đồ chơi hay bánh kẹo mà trẻ nhỏ thường dùng đều thật xa lạ. Hình ảnh đó cứ khắc khoải mãi trong lòng tôi”, người thầy 8X xúc động kể lại.

Suốt 10 năm công tác, thầy Tiến liên tục đạt danh hiệu lao động xuất sắc, được UBND huyện Phú Quốc tặng bằng khen, 4 năm liền đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp trường, cấp huyện. Dịp 20/11 này, thầy giáo của xã Hòn Thơm có chuyến thăm Thủ đô để tham dự tổ chức Lễ tuyên dương giáo viên tiêu biểu năm 2016, vinh danh 42 thầy cô giáo đang công tác tại các vùng biển đảo khó khăn của Tổ quốc. Niềm vui trong ngày lễ đặc biệt như được nhân lên.

“Cũng như những người theo đuổi nghiệp cầm phấn, tôi rất vui vì được trò chuyện nhiều hơn với các em học sinh, đặc biệt là năm nào cũng có học trò cũ về thăm, có lẽ đây là niềm vui rất lớn đối với mỗi một thầy cô. Tuy nhiên tôi cũng buồn vì mình công tác xa quá, đã hơn mười năm rồi chưa có dịp về thăm thầy cũ, trường xưa…”, anh Tiến nói.

Thầy giáo Lê Nhật Tiến trong một giờ dạy học ở trường Tiểu học - Trung học cơ sở Hòn Thơm.


Xa quê, xa bố mẹ, cùng niềm vui thực hiện ước mơ gieo chữ cho trẻ em vùng đảo, niềm hạnh phúc lớn của thầy Tiến chính là có gia đình nhỏ hạnh phúc. Sau 6 năm công tác, anh Tiến gặp vợ mình, một người cũng tình nguyện ra xã Hòn Thơm công tác dù gia đình ở tận Thanh Hóa. Anh tâm sự, dù cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn, chưa có nhà ở ổn định nhưng vợ chồng anh vẫn rất hạnh phúc bên cô con gái hơn 2 tuổi.

Ước mong lớn nhất của thầy Tiến là sẽ dạy dỗ được các lớp học trò ngoan giỏi, xứng đáng là những chủ nhân tương lai của đất nước. Anh cũng mong muốn Đảng và Nhà nước quan tâm đến giáo dục ở vùng sâu vùng xa, những vùng có kinh tế đặc biệt khó khăn, có như vậy thì sự phát triển về mặt nhận thức mới đồng đều hơn trong xã hội.

Điều kiện dạy học ở đảo còn nhiều khó khăn thiếu thốn, chính những ánh mắt trẻ thơ là sợi dây thôi thúc người thầy ấy vượt khó, gắn bó bám đảo gieo chữ.

Tác giả bài viết: Lệ Thu. Ảnh: NVCC

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP