Theo đó, Hoàng Công Lương bị chuyển truy tố từ tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại khoản 2 Điều 285 Bộ luật hình sự năm 1999 sang tội danh “Vô ý làm chết người” theo quy định tại khoản 2, Điều 98, Bộ luật hình sự năm 1999.
Khoản 2 Điều 98 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: Người nào phạm tội vô ý làm chết nhiều người thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.
Như vậy, với việc thay đổi tội danh, bác sỹ Hoàng Công Lương có thể phải đối mặt với mức án từ 3-10 năm tù giam nếu tòa tuyên có tội.
Trước đó, trong lần xét xử sơ thẩm lần 1, VKSND thành phố Hòa Bình đề nghị tuyên Hoàng Công Lương từ 30-36 tháng tù treo đối với tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại khoản 2 Điều 285 Bộ luật hình sự năm 1999.
Trong khi đó, Hoàng Công Lương phản đối việc bị truy tố và cho rằng mình vô tội. |
Tại bản Cáo trạng mới sau khi kết thúc điều tra lại, ngoài Hoàng Công Lương, còn có bị can Bùi Mạnh Quốc cùng bị truy tố về tội “Vô ý làm chết người” theo quy định tại khoản 2, Điều 98, Bộ luật hình sự năm 1999.
Bùi Mạnh Quốc là Giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh, người trực tiếp sửa chữa và thay thế hệ thống RO số 2, dẫn đến tồn dư hóa chất trong nguồn nước chạy thận làm 9 người chết trong sự cố y khoa xảy ra tại BVĐK tỉnh Hòa Bình ngày 29/05/2017.
Ngoài hai bị can trên, 5 bị cáo còn lại bị VKSND tỉnh Hòa Bình truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại khoản 2 Điều 285 Bộ luật hình sự năm 1999. Đó là:
Trương Quý Dương (SN 1962), nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình; Đỗ Anh Tuấn (Sn 1976), Giám đốc CTCP Dược phẩm Thiên Sơn; Trần Văn Sơn (Sn 1990), viên chức phòng Vật tư – Thiết bị y tế, BVĐK tỉnh Hòa Bình; Trần Văn Thắng (SN 1965), nguyên Trưởng phòng Vật tư – Thiết bị y tế, BVĐK tỉnh Hòa Bình; Hoàng Đình Khiếu (SN 1962) Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình.
Theo khoản 2 Điều 285 Bộ luật hình sự năm 1999, khung hình phạt đối với tội danh này là từ 3 năm đến 12 năm.
Tác giả: PV
Nguồn tin: Báo Infonet